Danh mục Thứ Sáu, 19/04/2024

Giáo trình - Tài liệu \

Một số giáo trình tiêu biểu về hoạt động tác nghiệp báo chí mà sinh viên không thể bỏ qua

11:07 21-04-2020
Truyền thông Trẻ xin giới thiệu 3 cuốn giáo trình bạn đọc có thể tham khảo để có thêm hiểu biết, kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu liên quan đến hoạt động tác nghiệp báo chí.

1. Giáo trình Lao động nhà báo của tác giả Lê Thị Nhã (1) ( xuất bản năm 2016)

Đã có khá nhiều sách, báo viết về công việc, nghề nghiệp của nhà báo ở các góc độ khác nhau, song ít có tài liệu nào đề cập một cách có hệ thống về lao động nhà báo nói chung như giáo trình “Lao động nhà báo” của TS. Lê Thị Nhã. Cuốn sách đã giới thiệu được khá đầy đủ và toàn diện về nghề báo, giúp người đọc có cái nhìn tổng quát, sâu rõ về công việc đặc thù này.

Bìa giáo trình "Lao động nhà báo"

Nguồn: thuvien.ajc.edu.vn

Cuốn sách gồm 5 chương, cung cấp những hiểu biết về đặc thù nghề nghiệp; các loại hình lao động nhà báo cơ bản; xác định vai trò, vị trí và những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của nhà báo, phóng viên trong cơ quan báo chí; các phương pháp thu thập thông tin; quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí ở các loại hình báo chí khác nhau.

Cuốn sách là sự chắt lọc thông tin từ những nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là những đúc kết từ thực tiễn phát triển của nghề báo và các nhà báo trong nhiều năm qua.

2. Giáo trình Biên tập Báo chí (tái bản tháng 12/2016) của tác giả Nguyễn Quang Hòa (2) 

Cuốn sách hướng tới phục vụ đối tượng chính là sinh viên báo chí; những người sẽ trở thành phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí; nhà xuất bản trong tương lai.

 Bìa sách "Biên tập báo chí"

Nguồn: Internet

Điểm đặc biệt là cuốn sách gói gọn lại được đầy đủ các thông tin cần thiết nhất cho những ai muốn bắt đầu “dấn thân” vào công tác biên tập. Nội dung cuốn sách sẽ trả lời cho bạn đọc các câu hỏi như: Những ai biên tập báo chí?; Vị trí và đặc điểm của công tác biên tập là gì?; Những loại lỗi phổ biến trên báo và các lỗi hi hữu, xảy ra trong các hoàn cảnh đặc biệt; Những nguyên tắc khi biên tập; Người biên tập cần những tố chất gì để hoàn thành tốt công việc trong các tòa soạn đa phương tiện?; Những loại kiến thức biên tập viên phải có để phục vụ cho công việc; Những điều cần chú ý khi biên tập các chuyên đề Xây dựng Đảng, Kinh tế, Văn hóa xã hội, Pháp luật, Thể thao,…

Đồng thời, cuốn sách cũng nói rõ quy trình biên tập báo chí, hay nói cách khác là con đường đi của một bài viết, từ bản thảo của phóng viên tới tờ báo trên tay bạn đọc (hoặc các trang điện tử, chương trình phát thanh, truyền hình). Cuốn sách sẽ là một “trợ thủ đắc lực” trong việc cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng biên tập báo chí. 

3. Giáo trình Tác phẩm báo chí đại cương của tác giả Nguyễn Thị Thoa (3)(Chủ biên) và Nguyễn Thị Hằng Thu (4)( xuất bản năm 2011)

Tác phẩm báo chí đại cương là một cuốn sách nền tảng, cần thiết phải biết về tác phẩm báo chí, dành cho sinh viên và những ai quan tâm đến nghề báo, muốn trở thành một phóng viên chuyên nghiệp hay sáng tạo ra được nhiều tác phẩm báo chí có giá trị..

       

Bìa giáo trình " Tác phẩm báo chí đại cương"

Nguồn: Internet

Giáo trình gồm 4 chương, cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về tác phẩm báo chí như: khái niệm, chức năng, giá trị sử dụng, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí; các yếu tố cấu thành tác phẩm báo chí như: yếu tố nội dung (đối tượng phản ánh, chi tiết, quan điểm của nhà báo,...), yếu tố hình thức (kết cấu tác phẩm, ngôn ngữ thể hiện, thể loại tác phẩm báo chí); quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí,...

Ngoài những lý thuyết cơ bản thì giáo trình cũng được nhóm tác giả sàng lọc, chọn lựa một số tác phẩm báo chí đã được đăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng (theo đúng Luật sở hữu trí tuệ) đưa vào phần Phụ lục nhằm minh họa cho phần nội dung thêm sinh động và phong phú hơn.

Các bạn có thể tìm đọc các cuốn sách trên tại Thư viện số -  Học viện Báo chí và tuyên truyền (thuvien.ajc.edu.vn)

Thông tin về các tác giả:

(1)  TS. Lê Thị Nhã – Giảng viên Viện Báo chí- Học viện Báo chí và Tuyên Truyền

(2)  TS. Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên Viện Báo chí- Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(3)  TS. Nguyễn Thị Thoa - Nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(4) NCS. Nguyễn Thị Hằng Thu - Giảng viên Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Thanh Tâm - TTĐC K38

Phản hồi