Danh mục Thứ Ba, 16/04/2024

Giáo trình - Tài liệu \

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng: "Sinh viên báo chí cần học cách thấu hiểu công chúng."

12:19 17-04-2020
Đó là chia sẻ của PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tác giả của cuốn "Giáo trình Tâm lý học báo chí".

 PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí,

Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Thưa PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, được biết trước khi đến với Báo chí, cô đã là cử nhân ngành Tâm lý giáo dục của Đại học Sư phạm Hà Nội, liệu đó có phải là lí do thôi thúc cô viết Giáo trình Tâm lý học báo chí không? 

Trước khi học Đại học báo chí Khóa 9 (Khoa Báo chí, Đại học Tuyên giáo; nay là Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), mình đã từng có bằng cử nhân khoa học Tâm lý giáo dục . Năm 1993, mình rất may mắn được nhận làm việc tại Khoa Báo chí. Khi ấy, Phó Tiến sĩ, Phó Trưởng khoa Tạ Ngọc Tấn (nay là GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương) giao cho mình nhiệm vụ soạn giảng và hướng tới viết Giáo trình môn Tâm lý học Báo chí. Đây là môn học có tính liên ngành tương đối khó với một giảng viên trẻ như mình. Nhận được nhiệm vụ của thầy Phó Trường khoa Phụ trách, mình đã cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Sau 10 năm nghiên cứu, năm 2013, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã xuất bản 1000 cuốn Giáo trình Tâm lý học báo chí. Đến năm 2015, sách tái bản, có sửa chữa, bổ sung. Đây là cuốn Giáo trình Tâm lý học Báo chí đầu tiên xuất bản tại nước ta.

Mục tiêu mà cô muốn hướng đến khi viết cuốn sách này là gì ?

Nếu hiểu rõ về Tâm lý học, chúng ta có thể ứng dụng vào hoạt động báo chí, với các hướng cơ bản sau: Hiểu và rèn luyện nhân cách người làm báo trong hoạt động sáng tạo của nhà báo, trong giao tiếp, ứng xử của nhà báo, trong công tác quản lý báo chí truyền thông, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí và tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông thông tiếp cận tốt nhất công chúng báo chí của mình. Ba khối kiến thức, kỹ năng không thể thiếu với sinh viên báo chí là: tâm lý tiếp nhận sản phẩm báo chí, tâm lý giao tiếp và tâm lý sáng tạo của người làm báo. Mục tiêu của cuốn giáo trình này là trang bị kiến thức, kỹ năng về tâm lý học ứng dung cho nghề báo cho sinh viên báo chí và độc giả quan tâm, từ đó họ hiểu mình, hiểu nghề, hiểu đồng nghiệp, hiểu đối tác và có phương thức ứng xử thích hợp. Đặc biệt, nếu nắm vững tâm lý tiếp nhận sản phẩm báo chí, nắm vững cơ chế tâm lý tiếp nhận của công chúng, học được phương pháp phân khúc tâm lý công chúng, chúng ta sẽ học được nguyên lý báo chí tôn trọng công chúng, phục vụ lợi ích tốt nhất của công chúng, như Hồ Chủ tịch đã từng dạy người làm áo phải trả lời được câu hỏi "Viết cho ai?", "Viết để làm gì?"

Cô có thể chia sẻ một vài trải nghiệm thực tế của mình trong quá trình viết cuốn sách? Điều mà cô tâm đắc nhất trong cuốn sách "Tâm lý học báo chí" của mình là gì?

Giáo trình Tâm lý học báo chí là cuốn giáo trình đầu tiên mà mình viết, sau 10 năm nghiên cứu. Nó có khởi đầu rất khó khăn bởi yêu cầu về học thuật của những cuốn giáo trình liên ngành thường rất cao, và trong thời điểm đó, kiến thức học thuật cả hai ngành Tâm lý học và Báo chí học của mình còn hạn chế, kinh nghiệm nghề nghiệp của mình chưa nhiều. Mình đã đọc rất nhiều các công trình nghiên cứu liên quan đến môn học, sửa đi sửa lại đề cương bài giảng, xin ý kiến các chuyên gia giỏi, thực hành giảng dạy, chỉnh sửa đề cương trong khoảng 6 năm đầu tiên. Nhờ sự giúp sức của bạn bè đồng nghiệp, mình đã tự tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực nghiệm để có dữ liệu viết giáo trình này. Phương pháp Phỏng vấn chuyên gia (các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo) và kỹ năng đọc tài liệu chuyên môn bằng tiếng nước ngoài có ý nghĩa tích cực phục vụ cho việc viết giáo trình này.

Điều mà mình tâm đắc nhất là tầm nhìn chiến lược và sự hối thúc quyết liệt, sự hỗ trợ tận tình của các thế hệ lãnh đạo Khoa Báo chí dành cho các tác giả trẻ như mình. Các thầy cô lãnh đạo Khoa Báo chí ở các thời kỳ như thầy Tạ Ngọc Tấn, thầy Vũ Đình Hương, thầy Nguyễn Văn Dững, cô Nguyễn Thị Thoa... chính là "kiến trúc sư" và cũng là "bà đỡ"  cho các cuốn giáo trình của Khoa Báo chí trước kia và Viện Báo chí ngày hôm nay.

Liên quan đến cuốn "Giáo trình Tâm lý học báo chí", cô có gợi ý, lời khuyên gì đối với những sinh viên đã, đang và sắp tới có dự định theo học ngành báo chí - truyền thông?

Bản thân mình là cựu sinh viên báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mình luôn cảm thấy may mắn và tự hào vì được học trong một môi trường đào tạo chuyên nghiệp nhất, nơi có hệ thống học liệu về báo chí truyền thông cơ bản, có tính hệ thống, hiện đại và phong phú, đa dạng nhất trong nước. Từ những năm cuối của thập kỷ 80 trước đây, mình đã được học tập theo nguyên lý cơ bản về lý thuyết, coi trọng thực hành, thực tế nghề nghiệp. Sinh viên báo chí được các thầy cô tôn trọng nhân cách sáng tạo, luôn nhận được sự quan tâm, sự thử thách và yêu cầu nghiêm khắc về kỷ luật nghề nghiệp từ các thầy cô giáo của mình. Nếu đã là sinh viên báo chí truyền thông của Viện Báo chí nói riêng và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung, hãy xác định rõ hướng đi nghề nghiệp và tận dụng cơ hội để học tập, trải nghiệm để sớm vững vàng với nghề nghiệp trong tương lai. Với các bạn có ý định theo ngành báo chí - truyền thông, hãy tìm hiểu về nghề nghiệp, đừng hời hợt, a dua thời thượng đơn thuần. Nghề báo và nghề truyền thông là nghề hay, rất cuốn hút giới trẻ, nhưng nó đòi hỏi rất cao kiến thức chuyên sâu, năng lực, ý chí rèn luyện, trách nhiệm xã hội và lý tưởng nghề nghiệp và sự cống hiến. Nếu đã chọn học ngành này, hãy nói ít, làm nhiều, ý chí cao và luôn phải rèn bản lĩnh, bồi đắp lý tưởng nghề nghiệp để trụ vững trong tương lai. Chúc các bạn lựa chọn đúng và thành công!

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của cô!

Thu Ly

Phản hồi