Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Giáo trình - Tài liệu \

"Báo chí và dư luận xã hội" - đứa con "thai nghén" 10 năm của PGS.TS Nguyễn Văn Dững

12:22 21-04-2020
Cuốn sách "Báo chí và dư luận xã hội" trình diện công chúng vào năm 2011, sau những sự nỗ lực và tích lũy trong 10 năm của PGS.TS Nguyễn Văn Dững, bàn luận về báo chí và dư luận xã hội một cách tổng quát và có hệ thống.

Cuốn sách gồm 4 chương, bao gồm:

Chương 1: Bản chất dư luận xã hội

Ở chương này, tác giả giới thiệu về khái niệm của dư luận xã hội; đi sâu và bàn luận về cấu trúc, chức năng, chủ thể và khách thể dư luận xã hội cũng như quá trình hình thành và phát triển của dư luận xã hội.

Chương 2: Bản chất hoạt động báo chí

Tác giả cung cấp cho bạn đọc hệ thống các khái niệm liên quan đến truyền thông, truyền thông đại chúng và báo chí. Ngoài ra, chương 2 còn giúp bạn đọc có thêm kiến thức về cách nhận diện các đặc điểm của báo chí hiện đại; các đối tượng tác động của báo chí hay cơ chế tác động của báo chí vào dư luận xã hội.

Chương 3: Mối quan hệ tác động của báo chí và dư luận xã hội. 

Ở chương 3, tác giả khai thác và phân tích về những mối quan hệ : giữa dư luận xã hội với các lĩnh vực trong đời sống; giữa dư luận xã hội với báo chí. Từ đó, rút ra được vai trò của báo chí đối với dư luận xã hội.

Chương 4: Nhà báo và dư luận xã hội

Để nghiên cứu được mối quan hệ tác động giữa báo chí và dư luận xã hội cũng như tìm kiếm được phương thức nhằm tối ưu hóa mối quan hệ này, chương 4 sẽ đưa bạn đọc đi tìm hiểu về ứng xử của nhà báo đối với dư luận xã hội cũng như cách để trở thành một nhà báo - nhà chính luận.

 Bìa sách "Báo chí và dư luận xã hội" (Nguồn: Internet)

Điểm nổi bật của cuốn sách là mỗi vấn đề đều được tác giả bàn luận dưới cái nhìn đa chiều, ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau, từ đó làm rõ được bản chất từng vấn đề, đúc kết được những nhận xét khách quan, tổng quát nhất. Ví dụ ở chương đầu tiên, khái niệm dư luận xã hội được tiếp cận từ nhiều phương diện khác nhau như phương diện lịch sử, thuật ngữ khoa học; hay từ các khoa học khác nhau như triết học, chính trị học, tâm lý học xã hội,… Từ đó, tác giả rút ra những cái nhìn tổng quan rằng “Dư luận xã hội là một hệ thống phức tạp của những yếu tố và những hình thái biểu hiện đa dạng, bằng mọi phương tiện phản ánh trong nhận thức những hiện tượng của thực tế đang diễn ra…” hay “ Dư luận xã hội bao giờ cũng có một cơ cấu ý chí, lý trí và logic, cảm xúc phức tạp…liên quan đến mọi vấn đề xã hội, từ những vấn đề quốc gia, vấn đề địa phương đến những vấn đề thẩm mỹ, đạo đức…”

Bên cạnh lý thuyết, các bảng khảo sát thực tế được tác giả thực hiện và đưa vào như: khảo sát điều tra về “Mức độ của mối quan hệ giữa báo chí và dư luận xã hội” tại khu vực Hà Nội; hay cuộc khảo sát với các cán bộ viên chức nhà nước về “Những vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm” cũng trên địa bàn Hà Nội, từ những số liệu đó giúp bạn đọc đỡ mơ hồ và hiểu rõ hơn về vấn đề tác giả đang muốn đề cập đến.

Cuốn sách giúp bạn đọc có thêm kiến thức tổng quan và chuyên sâu về bản chất của dư luận xã hội, bản chất của hoạt động báo chí cũng như mối quan hệ tác động giữa báo chí và dư luận xã hội. 

Độc giả có thể tìm đọc cuốn sách tại Thư viện số - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuvien.ajc.edu.vn)

Thanh Tâm - TTĐC K38

Phản hồi