Danh mục Thứ Sáu, 29/03/2024

Giáo trình - Tài liệu \

"PR - Công cụ phát triển báo chí" - cuốn cẩm nang của sinh viên báo chí

22:23 15-04-2020
Cuốn sách của PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng (Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) sẽ giúp người đọc có thêm những bài học quý giá về PR, truyền thông, báo chí qua góc nhìn của một người dày dặn kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực báo chí - truyền thông.

"PR - Công cụ phát triển báo chí" là những tâm huyết của tác giả sau khi nghiên cứu và đúc kết những kinh nghiệm quý báu đã được xuất bản năm 2010 với độ dài 240 trang.

Hình thức PR (Public Relations) - Quan hệ công chúng trở thành phương tiện nhanh nhất và hiệu quả nhất giúp cho các cơ quan báo chí tiếp cận gần hơn tới mỗi cá nhân, nhóm hay trong chính cộng đồng xã hội. Câu hỏi được đặt ra liệu PR có thực sự trở thành công cụ để phát triển một cách mạnh mẽ nền báo chí của nước ta cả về số lượng lẫn chất lượng? Liệu những nguyên tắc nào cần đặt ra cho PR của các cơ quan báo chí để giúp nó có thể hình thành nên sản phẩm báo chí một cách tích cực nhất. Việc kết hợp giữa PR cùng với những sản phẩm báo chí mà cuốn sách đề ra là vô cùng quan trọng, giúp cho những người trẻ trên con đường làm báo, những nhà truyền thông tiếp cận công chúng một cách chính xác và khách quan nhất.

Cuốn sách "PR - Công cụ phát triển báo chí" gồm 5 chương, trong đó phân tích thực trạng và khả năng tương tác của các lĩnh vực PR được thực hiện và quản trị bởi tòa soạn báo với công chúng mục tiêu, từ đó đánh giá, những đề xuất về yêu cầu của PR nhằm tác động tích cực đến công chúng. Công trình này được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu thực nghiệm hoạt động PR của ba tờ báo tiêu biểu nhất trong hệ thống các tờ báo dành cho thanh niên ở nước ta là Tiền Phong, Thanh Niên và Tuổi Trẻ trong năm 2007.

 Phần mục lục của cuốn sách

Mở đầu đề cập đến tầm quan trọng của chiến lược sử dụng PR để trở thành công cụ phát triển báo chí. Trong chương đầu tiên, cuốn sách đề cập tới PR và vấn đề ứng dụng PR ở nước ta hiện nay với những khái niệm, mô hình, nguyên tắc và phân loại được đưa ra cùng với sự nhận diện tình hình và sự phát triển hoạt động PR ở nước ta trong những năm gần đây. 

Tác giả đã đề cập tới PR trong hoạt động báo chí ở chương 2 thông qua việc nêu hoạt động PR ở một số cơ quan báo chí và cùng với đó là một số lĩnh vực quan hệ công chúng được chú trọng tại các cơ quan báo chí. Tiếp tục phát triển cuốn sách với việc nghiên cứu công chúng của các tờ báo dành cho thanh niên, tác giả đã chỉ ra những nhận thức của các tòa soạn báo về vai trò và ý nghĩa của lĩnh vực nghiên cứu công chúng, hình thức ở những nơi này nghiên cứu ra sao, việc thực hiện các phương pháp nghiên cứu như thế nào và cuối cùng là tác động của việc nghiên cứu công chúng tới tổ chức nội dung- trình bày báo và các lĩnh vực khác của quan hệ công chúng trong tòa soạn báo.

Cuốn sách cũng đề cập tới hoạt động tổ chức sự kiện và tư vấn của các tờ báo Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ và đặt ra những vấn đề giải pháp phát triển PR của các tờ báo dành cho thanh niên tại Việt Nam hiện nay. Để thực hiện thu thập dữ liệu viết cuốn sách, tác giả đã thực hiện những phiếu thăm dò ý kiến công chúng nhất là đối với đối tượng công chúng là những người trong độ tuổi thanh niên, cùng với đó là sự phân tích sự kiện trên các tờ báo thuộc diện khảo sát. 

"PR - Công cụ phát triển báo chí" trở thành cuốn sách được rất nhiều bạn trẻ có đam mê với nghiệp vụ báo chí tìm chọn đọc bởi nội dung hấp dẫn, có ý nghĩa đối với công việc của nhà báo. 

Để có thể tìm đọc cuốn sách, bạn đọc có thể liên hệ tại Trung tâm thông tin thư viện hoặc có thể đọc online trên thư viện số của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Quỳnh Trang - TTĐPT K38

Phản hồi