Danh mục Thứ Sáu, 03/05/2024

Cựu sinh viên - học viên \

Nguyễn Thị Bích Yến – người gắn kết báo chí truyền thông Áo – Việt

09:45 16-05-2020
Nhà báo, nhà văn, TS. Nguyễn Thị Bích Yến là cựu nghiên cứu sinh ngành Báo chí học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lấy bằng tiến sĩ năm 2017.

Ảnh: Nhà báo, nhà văn, TS Nguyễn Thị Bích Yến

Cô gái "văn võ song toàn"

Nguyễn Thị Bích Yến tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế, kế toán nhưng với tài viết lách và niềm đam mê của mình, cô bén duyên với nghề báo. Trong một chuyến công tác ở miền Trung Việt Nam, cô đã phát hiện ra chính quyền địa phương lừa gạt cấp trên, dối trá người dân, lạm dụng chức quyền bòn rút, ăn bớt gạo cứu trợ do chính phủ cấp cho đồng bào bị lũ lụt. Vì quá bất bình với sự việc đó, cô đã phối hợp với các cơ quan báo chí phanh phui sự viện trên. Chính từ đó cô nhận ra rằng, báo chí là một công cụ có sức mạnh rất to lớn để hỗ trợ người dân lên tiếng làm sáng tỏ những vấn đề gây nhức nhối trong đời sống xã hội. Vì thế, cô nuôi dưỡng quyết tâm học báo, làm báo.

Bích Yến là nhà báo theo dõi trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Sau khi định cư ở Áo, cô là người đại diện cho báo Văn nghệ Việt Nam ở Áo và EU. Bên cạnh đó, cô còn là cộng tác viên, hoạt động tích cực ở nhiều tờ báo khác. Trong quá trình hoạt động ở Áo, cô được cấp thẻ quốc tế và tác nghiệp, đưa tin về toàn bộ các thông tin chính trị từ nội các, Văn phòng Thủ tướng, Tổng thống Áo, các hoạt động của EU và Liên hợp quốc tại Vienna.

Nguyễn Thị Bích Yến còn là một cây bút, một nhà văn xuất sắc với hai cuốn “Một nửa là người’’ và “Những mảnh ghép Quân vương’’ được xuất bản.

 Ảnh: Bìa sách “Những mảnh ghép Quân vương’’

Nhìn dáng người mảnh khảnh của cô, không ai có thể ngờ rằng cô còn là một huấn luyện viên, một trọng tài Taekwondo. Ban đầu cô quyết định đi học võ chỉ là để rèn luyện, nâng cao sức khỏe, nhưng sau đó cô bị đam mê môn võ thuật này lúc nào không hay. Chính võ thuật đã mang lại cho cô sức khỏe, bản lĩnh để tác nghiệp tại các sự kiện quốc tế.

Ảnh: Nhà báo, nhà văn, TS. Nguyễn Thị Bích Yến múa võ Taewando 

Không ngừng học hỏi

Nơi khởi đầu cho sự nghiệp báo chí - truyền thông của Bích Yến tại Áo là báo Wiener Zeitung (tên gọi cũ là Wiennerisches Diarium) – cơ quan phát ngôn của Chính phủ nước Cộng hòa Áo. Đây là tờ báo lâu đời nhất thế giới còn hoạt động, ra đời từ năm 1703, hiện đã trở thành tập đoàn. Năm 2008, sau khi nhận được học bổng hỗ trợ của một Quỹ học bổng Quốc tế cho chương trình đào tạo thạc sĩ, cô thực tập tại tờ báo này. Cô có ý tưởng xây dựng một chuyên san đặc biệt nhân dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa thủ đô Vienna của Áo và thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Nhận được sự hỗ trợ của các nhà báo Áo, cuối cùng, những hình ảnh của thủ đô Hà Nội đã được xuất hiện trên chuyên san ngoại giao “Dossier 1000 Jahre Ha Noi – Chào Hà Nội 1000 năm” của báo Wiener Zeitung.

Sau những thành công bước đầu, cô được chính TS. Wolfgang Renner – viện trưởng báo Wiener Zeitung trực tiếp hướng dẫn Thạc sĩ với đề tài "Công chúng thị trường báo chí truyền thông Áo". Năm 2012, nhân dịp kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Áo và Việt Nam (1972-2012) cô đã cho ra đời cuốn sách “Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của tờ báo Wiener Zeitung (Cộng hòa Áo)”.

Năm 2013, cô tiến hành nghiên cứu sâu hơn với luận án Tiến sĩ “Chiến lược và giải pháp phát triển công chúng thị trường báo Wiener Zeitung (Cộng hòa Áo)”, được sự hướng dẫn của các nhà khoa học hai nước: PGS.TS Nguyễn Văn Dững, GS.TS Thomas A.Beaur, TS. Wolfgang Renner. Năm 2017, cô đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

Cầu nối báo chí - truyền thông Áo – Việt 

Bích Yến là người kết nối, xây dựng nhiều chương trình hợp tác báo chí - truyền thông giữa Áo – Việt Nam. 

Năm 2009, cô đã kết nối thành công những chuyến trao đổi giao lưu giữa các nhà báo hai nước. Năm 2013, cô kết nối những nhà báo Áo và quốc tế đến Việt Nam tham dự hội thảo “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng’’. Kể từ năm 2013 đến nay, cô cùng với Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Giáo sư Thomas A.Beaur xây dựng những khóa học tại Áo. Nhiều nhà báo, nhà khoa học Việt Nam sang Áo học tập và hai nước đã có những công trình nghiên cứu khoa học chung. Đặc biệt, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Viện Truyền thông - Đại học Tổng hợp Áo đã 2 lần kí kết việc ghi nhớ và nâng cấp mối quan hệ hợp tác trong đào tạo báo chí - truyền thông.

Tháng 10/2018, Bích Yến là một trong số ít những nhà báo may mắn được có mặt và đưa tin trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Cộng hòa Áo. Tại đây, cô đã được gặp các nhà báo, đồng nghiệp của mình, được trao đổi với họ bằng tiếng mẹ đẻ ngay tại văn phòng của Thủ tướng Áo sau gần 10 năm định cư ở nước này.

Ảnh: Nhà báo Bích Yến gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ kiều bào tiêu biểu tháng 1/2019 

Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu

Mặc dù sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Áo nhưng Bích Yến luôn hướng về quê hương Tổ quốc. Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu (Chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu) được hình thành từ năm 2015, do Bích Yến và một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn kiều bào của 7 nước thành lập, trong dịp về dự Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ IX, năm 2015. Bích Yến là tác giả chính, người sáng lập Dự án.

Sau 05 năm triển khai (2015-2020), Dự án đã phối hợp với các cơ quan ban ngành trong và ngoài nước, các hội đoàn cộng đồng kiều bào, tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu và an vị tượng Vua Hùng ở 10 nước trên thế giới như: Cộng Hòa Séc, Liên bang Nga, Hungary, CHLB Đức, CHDCND Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Ucraina. Đặc biệt, năm 2018, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã vinh dự nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tiếp tục triển khai tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu ở các nước có đông đảo bà con kiều bào sinh sống, đồng thời xây dựng đề án này thành đề tài khoa học cấp quốc gia.

Năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên Ban Dự án quyết định hoãn việc tổ chức trên môi trường thực tế - Lễ giỗ Tổ tập trung (môi trường truyền thống) chuyển sang tổ chức trên không gian mạng Internet, với tên gọi “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu Online”.

Lê Quỳnh Anh, Kiều Trang - TTĐC và TTĐPT 38

Phản hồi