Danh mục Thứ Tư, 04/12/2024

Chuyên đề \

Để vẻ đẹp của trống đồng được trường tồn và lan tỏa 

22:07 01-12-2024
Trong kho tàng di sản văn hóa vật thể đồ sộ của Việt Nam, trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lữ, Cổ Loa vẫn luôn chiếm một vị trí đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng của nền văn hoá dân tộc. Dưới góc nhìn của các bạn trẻ, trống đồng mang một vẻ đẹp khác lạ mà vẫn cuốn hút, là cánh cửa kết nối thế hệ trẻ với lịch sử nghìn năm đất Việt.

Thế hệ trẻ lan tỏa thanh âm trống đồng

Trống đồng Cổ Loa trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Phương Anh) 

Tại Hà Nội, không chỉ có Bảo tàng Hà Nội là nơi trưng bày cổ vật đồ đồng. Trong chuỗi sự kiện triển lãm “Đồng ta” diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12, có triển lãm “Hình đồng đất Việt” trưng bày cụm sắp đặt gồm hơn 20 hiện vật, tiêu bản khảo cổ, dụng cụ nghề đồng truyền thống cùng 11 bức tranh đồng và 23 tượng đồng của nhóm các nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ sĩ... đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. 

Nhờ hoạt động trưng bày, quảng bá mạnh mẽ, việc truyền tải thông điệp bảo tồn văn hóa của các triển lãm địa bàn Hà Nội đạt hiệu quả cao, đưa hình ảnh trống đồng Đông Sơn đến gần hơn với các bạn trẻ yêu văn hóa, lịch sử. 

Phát triển dự án “Văn Lang họa đồ” (2023 - 2024), nhóm các bạn trẻ của hai diễn đàn Lược sử Việt tộc và Hoa văn Đại Việt đã cùng nhau thu thập thông tin về trống đồng Đông Sơn, sử dụng công nghệ để dựng lại và khắc họa rõ nét các họa tiết, hoa văn trên mặt trống. Qua đó, dự án cung cấp cho công chúng những kiến thức chính xác, đầy đủ về một di sản văn hóa có niên đại hàng nghìn năm tuổi, từ đó biết cách  sử dụng hoa văn trống đồng Đông Sơn một cách phù hợp, khéo léo. 

Anh Nguyễn Thanh Hiếu, quản lý dự án Văn Lang họa đồ chia sẻ: “Ở Việt Nam, có rất đơn vị đứng ra làm những kho tư liệu online như vậy, bên mình có thể nói là đơn vị tiên phong. Sau khi dự án hoàn thiện, mọi người muốn sử dụng hoa văn sẽ không cần phải tìm và tải tài liệu từ những nguồn không chính thống nữa, mà có thể vào trang web “hoavandaiviet.vn” để lấy những họa tiết mình cần”.  

Việc tạo ra bộ sưu tập hoa văn tốn rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm và phác họa, phục dựng họa tiết trên hiện vật và thao tác trên máy tính, mỗi họa tiết khi được số hóa dưới định dạng vector sẽ được chia sẻ trên website để mọi người tải về sử dụng. Sau khi hoàn tất dự án, nhóm tác giả đã xây dựng nên một thư viện hoa văn số hóa với 250 file vector hoa văn tương ứng với các văn hóa từ Phùng Nguyên tới Đông Sơn. 

Các file vector hoa văn Trống Đồng trên trang web hoavandaiviet.vn. (Ảnh: https://hoavandaiviet.vn/) 

Thông qua dự án trên, các bạn trẻ còn chứng minh rằng những hoa văn trên cổ vật là một “vùng trời mới” cho giới thời trang và sưu tầm. Hoa văn trống đồng được in, khảm trên nhiều mô hình trống đồng mini, mặt đồng hồ hoặc thắt lưng. Sự tiên phong này sẽ mở đường cho việc ứng dụng rộng rãi kho tàng hoa văn của dân tộc trong đa dạng lĩnh vực, đưa bản sắc dân tộc tới gần công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng.

 

Các sản phẩm đồng hồ, thắt lưng mang họa tiết trống đồng được bày bán trên trang web. (Ảnh: https://hoavandaiviet.vn/)

Trống đồng Đông Sơn là minh chứng cho một nền văn hóa hưng thịnh của người Việt cổ, hội tụ đầy đủ những tri thức khoa học của thời đại cũng như tài năng và tâm hồn người Việt. Hoạt động khôi phục, khai quật và quảng bá trống đồng cần được chú trọng hơn nữa để thu hút sự quan tâm của giới trẻ và công chúng, biến hoa văn trống đồng thành một “bộ nhận diện” đặc trưng của người Việt Nam, tạo cơ hội để bạn bè quốc tế biết thêm về trống đồng và nền văn hóa Đông Sơn. 

Ngày nay, những người trẻ am hiểu công nghệ, có kiến thức lịch sử và tình yêu với văn hóa cổ truyền đang dần xích lại gần nhau, cùng chung tay bảo tồn văn hóa, là lực lượng giúp quá trình phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam ngày một hoàn thiện. 

Mặt khác, khi đã có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những nét đẹp của lịch sử và các di sản văn hóa, thế hệ trẻ sẽ thêm hiểu và trân trọng những thành quả mà cha ông ta đã dày công gây dựng. Từ tình yêu đó, những nét đẹp lịch sử sẽ được giới trẻ kế thừa, phát triển theo hướng riêng, truyền lại cho những thế hệ mai sau.

Thực tế cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn, quảng bá trống đồng nói riêng và các di sản nói chung; đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để giới trẻ chung tay ứng dụng sáng tạo từ những hoa văn xưa và cổ vật. Nhờ sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, những giá trị truyền thống có cơ hội được lan tỏa rộng khắp. 

Hình ảnh trống đồng trong lòng thế hệ trẻ

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, những giá trị văn hóa xưa cũ nếu không được quan tâm bảo tồn sẽ nhanh chóng bị mai một và chìm vào quên lãng. Hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ nét đẹp trống đồng Đông Sơn, ở Bảo tàng Hà Nội và trong các khu triển lãm khác, trống đồng vẫn luôn được ưu tiên triển khai trưng bày, như một lời nhắc nhở rằng con cháu Vua Hùng không được phép quên đi cội nguồn. Do vậy, giữa vô vàn hoạt động du lịch, trải nghiệm, vẫn có  nhiều bạn trẻ dành thời gian để chiêm ngưỡng nét đẹp di sản văn hóa dân tộc - trống đồng Đông Sơn. 

Chị Phạm Thùy Dương, 30 tuổi, tâm sự: “Văn hóa dân tộc là yếu tố tạo nên tính cách, phát triển nội lực và tạo ra sự khác biệt của đất nước. Tôi mong thế hệ trẻ có thể quan tâm đến văn hóa truyền thống nhiều hơn, có trách nhiệm giữ gìn và tôn vinh nó. Theo tôi, trước tiên người trẻ cần học hỏi, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, sau đó đến văn hóa của các đất nước trên thế giới. Tôi tin, khi tăng sự hiểu biết về sự đa dạng của các nền văn hóa thì cũng là khi những người trẻ thấy yêu và tự hào về văn hóa dân tộc của mình”.

Khuôn đúc trống Cổ Loa được trưng bày tại bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Phương Anh)

Trống đồng Đông Sơn không chỉ được phát hiện ở Việt Nam, mà còn xuất hiện ở Trung Quốc, Indonesia, việc tìm hiểu nhiều nền văn hóa sẽ giúp giới trẻ thêm tự hào về tổ tiên người Việt cổ, được chiêm ngưỡng những di sản của di dân Đông Sơn trong hành trình tìm kiếm tự do, hạnh phúc. Đồng thời, trống đồng cũng là “nhân chứng” cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động nhưng cũng rất hào hùng, bi tráng của tổ tiên chúng ta. 

Với những thế mạnh của bản thân và thời đại, thế hệ trẻ ngày nay có thể đóng góp rất nhiều cho quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua nhiều cách làm sáng tạo. Bên cạnh việc đọc sách báo, tham quan bảo tàng, triển lãm,... đã quen thuộc, giới trẻ có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật để văn hóa - lịch sử được lan tỏa rộng khắp. 

Các bạn trẻ có thể lồng ghép họa tiết truyền thống vào các sản phẩm thương mại, trình diễn, truyền thông đa phương tiện, du lịch,… vừa tôn vinh những giá trị cổ xưa, vừa bứt phá, sáng tạo trong thẩm mỹ. Dưới sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, nhiều dự án quảng bá văn hóa trên môi trường mạng sẽ nhanh chóng thu hút đông đảo người theo dõi, nhận được sự ủng hộ từ công chúng. Đây là một trong những hướng đi hiệu quả trong việc lan tỏa nét đẹp của trống đồng Đông Sơn nói riêng, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam nói chung. 

Túi da thương hiệu Jowe Bespoke có khóa khắc họa tiết trống đồng Đông Sơn. (Ảnh: jowebespoke.com) 

Áo thun “Văn Lang Reborn”, sản phẩm thương mại của dự án Văn Lang Họa Đồ kết hợp với thương hiệu Coolmate. (Ảnh: https://hoavandaiviet.vn/)

Khi những chiếc trống đồng còn nguyên vẹn, hoa văn sắc nét, dân tộc ta càng thêm tự hào Tiếng trống đồng vang vọng trong tâm trí, thôi thúc giới trẻ tham gia sưu tầm, lưu giữ những câu chuyện về lịch sử trống đồng, đồng thời được truyền cảm hứng để gìn giữ và phát huy văn hoá, sáng tạo các dự án văn hoá đương đại từ chất liệu truyền thống.

Hoa văn trên trống đồng Cổ Loa. (Ảnh: Phương Anh) 

Bạn Phạm Thùy Dung, 19 tuổi, chia sẻ: “Chị mình trước đây là sinh viên khoa Lịch sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nên chị rất tâm huyết với việc học tập, tiếp thu kiến thức lịch sử. Chị là người dẫn mình đến Bảo tàng Hà Nội tìm hiểu thêm về trống đồng và đồ đồng của người xưa. Mình rất hào hứng vì đến đây vừa có thể chụp ảnh check-in, vừa hiểu thêm về những chiếc trống đồng. Mình và chị đều ý thức được rằng các bạn trẻ cần có trách nhiệm giữ gìn những giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc, không nên để chúng bị mai một”.

Trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng” tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Phương Anh)

Trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng” tại Bảo tàng Hà Nội có trống đồng Cổ Loa là điểm nhấn đặc sắc, thu hút các bạn trẻ. (Ảnh: Phương Anh) 

Với đông đảo các bạn trẻ, những tác phẩm, hiện vật về trống đồng nói riêng và nền văn hóa Đông Sơn nói chung là một cách “hữu hình hóa” sợi dây kết nối hiện tại với quá khứ, thể hiện phong cách mỹ thuật ứng dụng vừa hiện đại vừa đậm tính truyền thống của văn hóa Việt, góp phần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa Đông Sơn đến đời sống hiện nay. 

Những chiếc chiêng đồng, trống đồng tại triển lãm “Hình đồng đất Việt”. (Ảnh: Phương Anh)

“Giới trẻ chúng mình luôn đối mặt với những định kiến như mong manh, vô cảm, nghiện mạng xã hội, nhưng mình luôn muốn chứng minh rằng vẫn luôn có những người trẻ sẵn sàng tìm hiểu lịch sử, gìn giữ lịch sử. Mình đến với triển lãm "Hình đồng đất Việt" để tìm hiểu về thời kỳ đồ đồng, mình muốn lưu giữ hồn cốt dân tộc trong trí nhớ, truyền lại cho con mình, cháu mình.”, bạn Nguyễn Thu Thảo, 25 tuổi bộc bạch. 

Triển lãm "Hình đồng đất Việt" thu hút các bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu về đồ đồng. (Ảnh: Phương Anh)

Nhờ hoạt động trưng bày, quảng bá rất gần gũi, dễ tiếp cận, truyền tải thông điệp bảo tồn văn hóa của các bảo tàng và triển lãm trên địa bàn Hà Nội, cũng như những dự án nghiên cứu về mặt nghệ thuật, trống đồng Đông Sơn đã và đang thu hút sự tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo các bạn trẻ yêu văn hóa, yêu lịch sử.

Đến tận thời hiện đại, tiếng trống đồng vẫn vọng xa đến mọi miền đất nước, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong thế hệ trẻ, thôi thúc người trẻ bảo vệ và gìn giữ lịch sử nghìn năm của đất nước. Qua các hoạt động triển lãm, trưng bày, những chiếc trống đồng khẳng định những giá trị về truyền thống, đạo lý nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước với bao biến cố, thăng trầm vẫn hiên ngang đứng vững và tự hào phát triển đi lên cùng nhân loại. 

Trống đồng không chỉ là bảo vật của văn hóa Việt Nam mà còn là điểm hội tụ hồn thiêng sông núi, tinh hoa dân tộc được hình thành từ thời Vua Hùng dựng nước, nhờ công sức của nhiều thế hệ mà được lưu giữ đến ngày nay. Những chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện trên khắp lãnh thổ của nước Việt Nam sẽ góp phần hoàn thiện những công trình nghiên cứu lịch sử phát triển của người Việt cổ. Trong tương lai, những vọng âm hào hùng của trống đồng sẽ vang xa hơn nữa nhờ sự quảng bá, giữ gìn của giới trẻ, xứng đáng là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hoá nước nhà, đại diện cho ý chí quật cường của dân tộc ta. 

Phương Anh - Báo In K42

Phản hồi