Ngày 16/01/1962, Khoa Báo chí, trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) được thành lập. Tháng 10.1969, lớp báo chí chính quy đầu tiên của Khoa Báo Chí (gọi là khoá 1) khai giảng. Mùa xuân năm 1972, do yêu cầu của chiến trường, 53 sinh viên khoá 1 học cấp tốc 3 tháng lớp Phóng viên Tiền phương, sau đó tung vào mặt trận Quảng Trị - chiến trường ác nhiệt nhất lúc bấy giờ. Ngày 25/05/1972, Đoàn Phóng viên Tiền phương cấp bậc binh nhì, mũ tai bèo, đeo súng ngắn, máy ảnh… lên xe tải bịt kín bạt, vượt Trường Sơn vào miền Nam.
Một vinh dự lớn lao là, trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch mùa xuân 1975, ở đâu cũng có mặt các nhà báo – chiến sĩ – sinh viên khoá 1 bổ sung vào quân đội. Tất cả 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn có khá đông là học viên khoa Báo chí năm ấy.
Cũng từ đó, khoa Báo chí đã đào tạo nên biết bao thế hệ nhà báo, luôn có mặt kịp thời trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, sẵn sàng hi sinh vì sứ mệnh cao cả. Từ giảng đường ra mặt trận, với họ, đó là những kinh nghiệm thực tế quý báu mà mình may mắn có được.
1. Nhà báo, TS Đậu Ngọc Đản – cây bút đã sống và làm việc giữa hai thời kì của đất nước: chiến tranh và hoà bình:
Nhà báo Đậu Ngọc Đản là cựu học viên khoá 1 của Khoa Báo. Được đào tạo bài bản về nghiệp vụ báo chí, từ hành trang đó, ông tham gia chiến trường Quảng Trị - nơi được coi là chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ. Những sự kiện quan trọng diễn ra trong những ngày tháng đó đều được ông ghi lại trong những bài báo của mình. Những tác phẩm thời sự ấy trở thành những tư liệu đáng quý có giá trị to lớn cho đến tận bây giờ.
Học ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (1984-1986), sau đó bảo vệ luận án tiến sỹ ở Nga và từng là Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình. Khi nhắc đến nhà báo Đậu Ngọc Đản, người ta không thể quên được "nhà báo có mặt sớm nhất ở Dinh Độc lập trưa 30/4" với các phóng sự ảnh được đăng trên trang nhất báo Quân đội nhân dân ngày 03/05/1975. Đó là những bức ảnh mà ông đã ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có lẽ ít ai biết, người chụp nên chùm ảnh lịch sử - Đậu Ngọc Đản lúc đó mới chỉ ngoài 20 tuổi, vừa rời ghế giảng đường và lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn.
Cho đến nay, nhà báo Đậu Ngọc Đản đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, đi qua một thời khói lửa đạn bom, nhưng ông vẫn hăng say viết, viết như cái thời trong chiến tranh ác liệt, viết như thể chẳng có tuổi già.
2. Nhà báo Trần Mai Hưởng – dành cả thanh xuân trên chiến trường:
Là một trong những học viên tốt nghiệp khoá 1 của Khoa Báo chí, nhà báo Trần Mai Hưởng đã dành cả tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường, luôn có mặt kịp thời trong các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ông thuộc lớp phóng viên tay bút, tay súng của Thông tấn xã Việt Nam, đem cả tuổi 20 đi khắp chiến trường chống Mỹ. Ông đã tới những mặt trận nóng bỏng nhất như chiến trường Quảng Trị năm 1972; chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Sau này, ông còn tình nguyện sang Campuchia đánh quân Ponpot giải phóng đất nước Ăngco khỏi hoạ diệt chủng; lên biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới… Những năm tháng tuổi trẻ của ông gắn với một thời đạn bom, với những cung bậc cảm xúc một thời khói lửa.
Để có được những tin bài nhanh chóng và kịp thời, ông cho rằng người phóng viên cũng như những người lính, phải biết xông pha trận mạc, phải biết chấp nhận hi sinh, để chụp lại, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, coi nhiệm vụ cung cấp thông tin như một lẽ sống.
Sau này khi trở về thời bình, ông từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc TTXVN. Dù trên cương vị lãnh đạo hay đã nghỉ hưu, ông vẫn dành thời gian đi thăm lại chiến trường xưa, dành thời gian gặp lại những người đã gắn bó một thời. Với ông, những kỉ niệm về một thời khói lửa vẫn luôn rạo rực và sống mãi trong mình.
3. Nhà báo Phí Văn Chiến – gian truân và vinh quang đời làm báo:
Nhà báo Phí Văn Chiến là cựu học viên khoá 1 của khoa Báo. Ông nguyên là Tổng biên tập Tạp chí Trí tuệ, Hội Khuyến học và Tri thức Việt Nam. Là một trong những học viên khoá đầu tiên của khoa Báo, ông
vinh dự là một trong những học viên được Trung ương chỉ đạo ra chiến trường năm đó. Với tinh thần của một người trẻ, ông hăng hái tham gia chiến trường, không ngại hiểm nguy để mang đến những bài báo, những tài liệu đáng quý phục vụ cho công tác truyền thông.
Ông Phí Văn Chiến từng tâm tình, thế giới liệt nghề làm báo vào một trong bốn nghề nguy hiểm, đó là: Quân đội, Cảnh sát, Thợ lò và Báo chí. Ai đã đi qua cả chặng đường dài 50 năm gắn bó với nghề làm báo, trong đó có những tháng năm làm báo trên chiến trường, còn sống cho đến nay, mới thấu hiểu nỗi gian lao, khổ ải, đầy vinh quang nhưng cũng nhiều cay đắng.
Vừa là một nhà báo, vừa là người chiến sĩ, trải qua biết bao khoảnh khắc hiểm nguy, với ông, đó đều là những kỷ niệm quý giá. Ông trân trọng và cảm thấy biết ơn những năm tháng làm báo nơi chiến trường, đã cho ông những kinh nghiệm, những kỉ niệm và những cảm xúc khó quên.
4. Đại tá, nhà báo Trần Hồng – người ghi lại những hình ảnh quý giá:
Nhà báo Trần Hồng sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp khoá 1 của Khoa Báo trường Tuyên huấn Trung ương và trở thành phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân từ năm 1973.
Làm báo trong môi trường quân đội đã cho ông có cơ hội tiếp cận với những cuộc chiến tranh ác liệt, đầy gian khổ của dân tộc ta. Ông đã được trực tiếp tham gia tác nghiệp tại nhiều mặt trận như: mặt trận biên giới Tây Nam, Tây Bắc, Tây Nguyên với tư cách là phóng viên mặt trận.
Trong quá trình cầm máy của mình, ông tập trung khai thác hai đề tài chính là người mẹ Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được nhiều người biết đến là “người ghi lại “những hình hài hy sinh” của đất
nước”.
Có thể nói, sự ra đời của Khoa báo chí đã đáp ứng yêu cầu của đất nước về một đội ngũ cán bộ báo chí vững tư tưởng, giàu chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ cho công tác truyền thông chiến trường. Các thế hệ nhà báo chiến sĩ bước ra từ mái trường Tuyên giáo Trung ương thời kì đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Có những nhà báo chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Tất cả họ tóc đã bạc, tuổi đã cao, da đồi mồi, nhưng khi nhớ về những năm tháng làm báo thời chiến tranh, trong họ vẫn nhiệt huyết, sục sôi.
Phản hồi