Danh mục Chủ Nhật, 05/05/2024

Cựu sinh viên - học viên \

Cựu sinh viên báo chí và những kỷ niệm thời thanh xuân

23:44 20-04-2020
Trải qua hơn 55 năm thành lập, Khoa Báo chí (hiện nay là Viện Báo chí) đã đào tạo biết bao thế hệ học viên, sinh viên - những con người ưu tú và tài năng trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.

Từng thế hệ sinh viên ra trường đều mang theo mình những kỉ niệm khó quên về một thời ngồi trên ghế giảng đường. Chia sẻ trong cuốn sách “Trưởng thành từ khoa Báo chí”, từng khoảnh khắc đi qua đều tạo nên những trang kỷ niệm đẹp mà những cựu sinh viên khi ra trường sẽ chẳng thể nào quên. Truyền thông Trẻ giới thiệu một số gương mặt cựu sinh viên, học viên tiêu biểu trích trong cuốn sách trên.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang sinh năm 1978 tại Nam Trực, Nam Định, quê gốc ở Nghệ An. Cô là sinh viên Khóa 14 của Khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện nay cô là Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình.

Chân dung PGS, TS, PGĐ Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Với cô, cảm xúc về những ngày đầu tiên nhập học vẫn luôn nguyên vẹn. Cô có niềm yêu thích với nghề viết từ thuở nhỏ. Vào cuối những năm cấp 3, khi nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa lựa chọn, trao đổi về các trường đại học, cô đã nhờ ba tư vấn. Cái duyên đến với Khoa Báo cũng từ lúc đó. Và chính nơi đây đã cho cô biết bao những kỉ niệm, những bài học quý giá.

PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ: “Đến cuối năm lớp 12, các bạn tôi xôn xao trao đổi, lựa chọn trường đại học mình thi. Ba tôi đã chọn giúp tôi 3 trường: Khoa Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Văn – Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn – Cao đẳng Sư phạm Nam Hà. Khi đó không có nhiều thông tin nên tôi không hiểu nhiều lắm về Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng nhất quyết đòi ba cho nộp đơn vào khoa Báo chí…Mùa thu năm 1995, tôi đã chính thức trở thành sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây thực sự là may mắn của cuộc đời khi tôi đã có lựa chọn đúng đắn…”.

Các đồng chí trong Ban giám đốc Học viện và Hội đồng Trường chúc mừng PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh

Thêm một cái tên nữa đến từ Khoa Báo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là giảng viên của trường. PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh là một trong những cựu sinh viên Báo chí Khóa 9. Hiện nay thầy đang là trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh - Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh vừa là nhà giáo, vừa là nhà báo, vừa dành thời gian viết văn, dù ở vị trí nào, thầy cũng luôn cố gắng hết sức cho sự nghiệp báo chí – truyền thông nước nhà. Trong sự nghiệp cầm bút của mình, thầy dành rất nhiều tâm huyết cho trẻ em. Chính vì vậy mà trong luận án tiến sĩ của mình thầy lấy đề tài “Kỹ năng viết báo cho trẻ em”. Cùng với đó, thầy cho ra đời 2 cuốn truyện cực ngắn “Chuyện kể trong thang máy” được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ độc giả.

Bìa cuốn “Chuyện kể trong thang máy” của PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh (PV IJC)

Những kỷ niệm thời sinh viên với thầy là nghề báo với những thông tin về chính trị, những biến động chính trị trên thế giới, sự tan rã của Liên Xô và con đường chủ nghĩa xã hội. 

Nhớ lại thời sinh viên ngày xưa, thầy giãi bày: “Báo chí là lớp Đại học bằng 2 lần đầu tiên mở tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền…Lớp chúng tôi vào học những ngày mà biến động chính trị ở Đông Âu ảnh hưởng đến từng bài giảng. Buổi chiều, đạp xe qua phố Trần Phú, nơi có đại sứ quán Liên Xô thấy họ đổi vờ mà đêm về nằm ngẫm nghĩ, bên chén trà khó ngủ bàn chuyện thế giới. Học nghề báo nên học viên rất chú ý nắm bắt mọi thông tin chính trị, mọi biến động. Sau khi Liên Xô tan rã, trong những bài giảng nhiều thầy cô luôn nhấn mạnh: Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô có thể tan vỡ nhưng tư tưởng và con đường của Lê Nin thì còn mãi…”.

ThS. Đinh Ngọc Sơn

Đối với sinh viên Báo chí, có lẽ thầy Đinh Ngọc Sơn đã không còn xa lạ gì, bởi mỗi lứa sinh viên khóa mới đều được gặp gỡ, tiếp xúc và giao lưu với thầy tại Tuần lễ sinh viên đầu khoá. Ít ai biết rằng, thầy Sơn cũng là cựu sinh viên Khóa 8 (1991 - 1995) của trường.

Chân dung Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn

Kí ức về Học viện với thầy luôn đầy ắp kỷ niệm với dãy nhà cấp 4 thấp thoáng dưới hàng cây, với bạn bè đồng nghiệp cùng được cử đi thi vào Đại học Tuyên giáo và cả với lớp Truyền hình - chuyên ngành mới lúc ấy (sau này được tách ra thành Khoa Phát thanh - Truyền hình).

Thầy cũng không quên chia sẻ lại kỷ niệm khi học lớp truyền hình lúc bấy giờ: “Khi đó nhà trường chưa có studio truyền hình, sinh viên truyền hình chỉ có 2 camera M7 của Nhật quay băng VHS, đó là tài sản quý để chúng tôi thực hành. Khi làm tin tức không có bàn dựng hình, phải lấy 2 chiếc camera M7 nối dây tín hiệu với nhau, một cái phát, một cái ghi để dựng cảnh. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, sinh viên chỉ mong được thực hành, được cầm máy quay đi thực tế làm tin tức”.

Nhà báo Hoàng Định

Viện Báo chí ngày nay và khoa Báo chí trước đây không ngừng nỗ lực nhằm đào tạo ra những thế hệ học trò tài năng. Không chỉ cung cấp cho khoa Báo chí một nguồn giảng viên chất lượng mà khoa còn đào tạo ra nhiều thế hệ phóng viên, nhà báo có năng lực. Nhà báo Hoàng Định là một ví dụ. Ông là cựu sinh viên Báo chí Khóa 18, đồng thời cũng là cựu Tổng biên tập Báo Dân tộc và Phát triển.

Nhà báo Hoàng Định 

Khi nhắc về kỷ niệm đáng nhớ với trường báo, có lẽ đó là lần trở về sau chuyến thực tập tốt nghiệp. Một bạn cùng lớp làm mất báo cáo thực tập, sau đó, cả lớp đã cùng nhau giúp bạn làm lại bản báo cáo suốt đêm. Mái trường học viện đã đem lại cho ông những kỷ niệm khó quên về tình đoàn kết, tình bạn bè.

Ông chia sẻ: “Có một chi tiết thú vị, trở thành ký ức sâu sắc với chúng tôi, ấy là sau lần thực tập tốt nghiệp, trở về Trường, một người ở trong lớp chúng tôi đi tàu hỏa đã bị kẻ trộm “nẫng” mất hành lý, trong đó có bản báo cáo thực tập tốt nghiệp (điều kiện để được thi hoặc làm luận văn tốt nghiệp), trong khi sáng hôm sau đã hết hạn nộp báo cáo thực tập. sau hội ý chớp nhoáng cán bộ lớp, chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc. Người đọc tài liệu, nhóm thảo đề cương, người chắp bút phần khảo sát, người chuyên lo phần pha trà, nấu cháo, liên hệ nơi đánh máy thâu đêm…Tôi lo phần mở đầu, kết luận, “lắp ghép” các phần thành chỉnh thể, logic, hệ thống, đúng cấu trúc, “phom” văn bản. Việc tổ chức liên hoàn, hợp lý, nỗ lực rất cao, đã đem đến kết quả mong đợi: Hơn 5 giờ sáng hôm sau bản báo cáo thực tập tốt nghiệp đã hoàn tất…”.

Nhà báo Cao Thùy Giang

Chị sinh năm 1985, tốt nghiệp ngành Báo chí Khóa 23, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện nay chị đang là phóng viên Báo điện tử Vietnamplus.vn với hơn chục giải thưởng báo chí.

Nhà báo Cao Thùy Giang 

Trong 4 năm học tập tại “trường Báo”, có lẽ rất nhiều sinh viên sẽ gắn bó với Báo chí trẻ - đặc san thực hành cho sinh viên Khoa Báo chí. Với nhà báo Cao Thùy Giang cũng vậy. Chị chia sẻ: "Có lẽ, mảnh đất màu mỡ đầu tiên tiếp bước cho tôi trưởng thành hơn trong nghề báo là những tác phẩm được đăng trên Báo chí trẻ, là khoảng thời gian tôi được tham gia vào ban biên tập Báo chí trẻ. Từ năm thứ ba, tôi và các bạn cùng khóa có cơ hội rất may mắn khi được tham gia vào khâu tổ chức sản xuất một tờ báo của Khoa từ khâu tạo dựng nội dung, lên chương trình cho từng số báo, đến khi đọc morat trước khi in báo...".

Trải qua hơn 55 năm thành lập, Viện Báo chí nói riêng và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung luôn tự hào là một trong những cơ quan đào tạo báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước. Những thế hệ sinh viên bước ra từ khoa báo chí sẽ luôn là niềm tự hào để khoa báo chí tiếp tục phát triển lớn mạnh.

Nguyễn Trang - TTĐC K38

Phản hồi