Danh mục Chủ Nhật, 05/05/2024

Cựu sinh viên - học viên \

Nữ nhà báo mang danh hiệu “Chiến binh bảo vệ môi trường”

23:13 21-04-2020
Đề tài môi trường luôn là mảng đề tài nóng hổi được nhiều người làm báo theo đuổi. Song đây cũng là một mảng đề tài nguy hiểm, có nhiều góc khuất mà những những nhà báo thậm chí phải đánh đổi bằng máu để có được những thước phim chân thực nhất cho độc giả. Họ xứng đáng được mang danh hiệu “Chiến binh bảo vệ môi trường”.

“Chiến binh” Bùi Lan Anh và cái duyên với báo truyền hình

Nhà báo Bùi Lan Anh là cựu sinh viên chuyên ngành Báo in K24 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng lại bén duyên với báo truyền hình và hiện giờ đang công tác tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Nhà báo Bùi Lan Anh - "Chiến binh bảo vệ môi trường". Ảnh: Báo Việt Nam mới 

Nhà báo Bùi Lan Anh đã từng chia sẻ, cô có những khó khăn khi mới đầu làm quen với báo truyền hình, bởi bản thân cô tốt nghiệp cử nhân báo chí chuyên ngành báo in nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của anh chị, đồng nghiệp cùng với sự tìm tòi, cố gắng không ngừng nghỉ của cô mà đã có được những thành tích đáng nể đặc biệt là các phóng sự điều tra gây tiếng vang về vấn đề bảo vệ môi trường.

Vụ Formosa tháng 4/2016

Ngày 24/04/2016, nhóm phóng viên kênh VTC14 trong đó có nhà báo Bùi Lan Anh đã lặn xuống đáy biển ghi lại hình ảnh đường ống xả thải khổng lồ của Formosa chôn dưới biển Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Đặc biệt, ngày 25/04/2016, phóng viên Bùi Lan Anh và ekip của kênh VTC14 đã được cả nước biết đến khi tìm gặp  và phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh giữa lúc sự cố môi trường xảy ra tại hàng loạt các tỉnh ven biển miền Trung.

Trả lời phóng viên VTC14, ông Chu nói rằng, chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm. Phát ngôn này của ông Chu Xuân Phàm ngay lập tức đã nhận phải sự phản ứng dữ dội của dư luận xã hội và người dân trong nước. Điều này đã thúc đẩy lực lượng chức năng vào cuộc, Chính phủ, Bộ TNMT, lực lượng chức năng điều tra gấp rút và đã tìm được nguyên nhân.

Phóng viên Bùi Lan Anh và ekip của kênh VTC14 tác nghiệp tại Formosa Hà Tĩnh vào tháng 4/2016.

Ảnh: Cắt từ phóng sự của VTC 14

Bắt quả tang doanh nghiệp Trung Quốc xả thải trên dòng Bắc Hưng Hải

Nhà báo Bùi Lan Anh cùng ekip đã có những kỉ niệm khó quên trong vụ bắt quả tang doanh nghiệp Trung Quốc xả thải trên dòng Bắc Hưng Hải. Vụ việc đã được mạng xã hội và dư luận quan tâm với một sự nể phục.

Khán giả ấn tượng ở nội dung phóng sự cùng hình ảnh nữ nhà báo với cụm từ “nhà báo tốc váy” khiến câu chuyện được lan truyền mạnh hơn. Cụm từ “nhà báo tốc váy” là một cách nói hóm hỉnh để thể hiện cái sự nhanh nhạy, gấp rút trong việc đưa tin trực tiếp từ hiện trường không quản hình tượng của bản thân để khán giả có được cái nhìn chân thực nhất về vụ việc. Đó là việc chạy đua với thời gian bởi hoạt động xả thải trộm được thực hiện quản lý khá tinh vi. Khi phát hiện có lực lượng chức năng thì nhân viên sẽ lập tức báo và cắt điện hệ thống máy bơm. Do vậy phải chạy thật nhanh ghi hình nếu không hành vi xả thải sẽ không được ngăn chặn và mọi công sức của cả ekip và lực lượng chức năng sẽ “đổ sông đổ biển”.

   Hình ảnh nữ nhà báo Bùi Lan Anh tác nghiệp trong phóng sự. Ảnh: Cắt từ video phóng sự của VTC News

Trong sự kiện Vĩnh Tân, nhà báo cũng là những người đầu tiên khảo sát hiện trường đáy biển, phát hiện ra sự khác biệt giữa những khẳng định của lực lượng chức năng và hiện trường tác nghiệp thực tế đáy biển Vĩnh Tân. Từ đó, dư luận xã hội đồng thuận lên tiếng, phản đối dự án đe dọa môi trường tại Bình Thuận, phương án khác nhận chìm đổ thải cũng đã được lựa chọn.

Cuộc chiến nào cũng có gian nan, vất vả và cuộc chiến giành công lý cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Những nhà báo trong lúc làm nhiệm vụ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: bị thu giữ phương tiện, ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, tính mạng. Khi thực hiện phóng sự phải cần độ nhạy bén không kịp suy nghĩ những nguy hiểm có thể xảy đến với mình. Nhưng vượt lên trên tất cả là lòng yêu nghề tuy đôi chân bị rướm máu do chạy trên đất giẫm phải mảnh sành, hay nỗi lo bị đe dọa khi tác nghiệp,... thì những người “chiến binh” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người nhà báo chân chính.

Cuộc chiến nào cũng luôn có kẻ thắng và người thua

Phần thưởng xứng đáng nhất chính là công lý được thực hiện, những kẻ làm sai sẽ bị trừng phạt theo luật pháp. Giá trị cao cả mà nghề báo hướng tới đó là đem những việc ở trong bóng tối ra ánh sáng. Nhà báo Bùi Lan Anh đã làm được việc đó, cô vinh dự nhận được các giải thưởng báo chí như Giải B giải báo chí Quốc gia với tác phẩm “Đánh bùn ra biển”; Giải Bạc cho phóng sự “Truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm biển miền Trung” tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2016, Giải A Phóng sự “Xẻ thịt Phú Quốc” Hội báo toàn quốc – giải thưởng về môi trường…

Phóng viên Bùi Lan Anh và ekip kênh VTC14 đã nhận giải Bạc cho phóng sự "Truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm biển miền Trung" tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2016.  Ảnh: VTC News 

Nhờ có sự vào cuộc điều tra của các nhà báo gan dạ như nhà báo Bùi Lan Anh mà lực lượng chức năng đã có thêm các chứng cứ để xử lý sai phạm của các doanh nghiệp, xử lý kiểm soát môi trường khu vực đó. Điểm hình ở đây có thể kể đến việc Formosa đã nhận trách nhiệm để xảy ra sự cố môi trường làm cá chết ở hàng loạt các tỉnh ven biển miền Trung. Formosa cũng phải cam kết 5 điểm ví dụ như: công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường,... Đây chính là món quà ý nghĩa nhất đối với công lao của các “chiến binh bảo vệ môi trường” vì đã khiến cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. 

Phạm Hằng, Minh Nghĩa - TTĐC và TTĐPT K38

Phản hồi