Danh mục Chủ Nhật, 08/09/2024

Chuyên đề \

Vắng bóng nghệ nhân trẻ đan nón làng Chuông

10:00 12-11-2023
Làng Chuông nổi tiếng với nghề làm nón lá hàng trăm năm tuổi, giờ đây đang đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu nghệ nhân trẻ.

“Chúng nó cứ thế mà rời làng”

Làng nghề truyền thống tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai đã từng và luôn được kỳ vọng là cửa thoát nghèo cho người dân. Nhưng, thực tế lại không như vậy. Chật vật tìm cách để tồn tại, nguồn thu nhập thấp, người làm nghề không sống được với nghề,… là lý do khiến cho quy mô sản xuất nón làng Chuông ngày càng bị thu hẹp. 

Theo nghệ nhân Lê Văn Tuy, mỗi sản phẩm được dao động từ 40.000 - 50.000 đồng, với những mẫu mã đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn sẽ có giá từ 110.000 - 250.000 đồng. Nhiều người thợ thủ công cho rằng, mức giá này chưa phản ánh đúng với công sức họ bỏ ra. Qua tìm hiểu của phóng viên, tiền mua nguyên liệu đầu vào ngày một đắt, dẫn đến lãi suất thu về cũng ít dần. Vậy nên, những xưởng làm nón cũng thưa dần bóng thợ. 

Bà Nguyễn Thị Bình dù hơn 70 tuổi nhưng vẫn cần mẫn đan từng vành nón. (Ảnh: Khánh Linh) 

Chia sẻ với phóng viên, Bà Nguyễn Thị Bình (70 tuổi) tâm sự: “Giờ có nhiều kiểu dáng mũ, ai còn quan tâm nhiều đến nón lá. Thu nhập quá thấp mà còn lo tiền sinh hoạt, con em ăn học. Chúng nó cứ thế mà rời làng, đi xa để còn kiếm tiền”. Chị Nguyễn Hoa (30 tuổi) cũng bộc bạch: “Giờ người trẻ mấy ai làm nón nữa, ngày xưa thì còn có, nhưng giờ bận đi làm, đi học, không có thời gian. Chính ra từ thời chị, người trẻ cũng dần thôi làm nón, ngay cả chị cũng không giỏi đan nón”. 

Sự quan tâm với nghề truyền thống của thế hệ sau cũng vơi dần, bởi họ nhìn thấy thực tế thu nhập từ nghề thủ công không đáp ứng đủ nhu cầu sống hiện đại. “Lớn lên trong tiếng đan nón, mùi nón, bản thân chúng mình thấy rõ sự phát triển chậm với nghề này hơn ai hết. Cái nghề đang gần như mai một, mất đi rồi, hầu như bằng tuổi mình ít người biết làm, chỉ biết sửa các chi tiết đơn giản” - Lê Thu Trang (20 tuổi) bộc bạch. 

  Vợ chồng ông Tuy là người cuối cùng ở lại xưởng đóng hàng gửi khách. (Ảnh: Khánh Linh)

Một trong những nghệ nhân tại làng có xưởng sản xuất nón, ông Tuy cho biết, tỉ lệ người làm việc tại xưởng hiện chỉ còn 30% so với ban đầu và đa số là người già. Nhân lực tại xưởng không nhiều và con cái cũng làm ăn xa, vậy nên việc đóng gói sản phẩm chỉ có vợ chồng ông Tuy phụ trách. Cũng theo quan điểm nghệ nhân Tuy, việc kinh doanh nhỏ lẻ dẫn đến nguồn thu không đồng đều, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển làng nghề. “Công việc hái ra tiền” ngày nào, giờ đây trở thành nghề phụ kiếm thêm thu nhập, muốn thấy thợ trẻ, phải đỏ mắt kiếm tìm.

Người trong làng sẽ đem nón ra đan khi có thời gian rảnh. (Ảnh: Khánh Linh)  

Không chỉ với công việc chuyên môn, điều mà các nghệ nhân trăn trở còn là hướng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề. Theo tìm hiểu, hoạt động du lịch hiện tại ở làng Chuông đều là tự phát, chưa có tổ chức đứng ra liên kết hoạt động để tạo thành chuỗi du lịch trải nghiệm. Du khách thường phải tự liên hệ với những địa chỉ mà họ muốn đến. Hoạt động du lịch còn thiếu đa dạng, hạn chế trong việc làm nổi bật sản phẩm truyền thống của làng. Ngoài ra, phiên chợ hàng tháng tại đây diễn ra vào lúc 4h sáng, nếu du khách muốn trải nghiệm thì phải đến từ rất sớm, thậm chí là ngủ lại qua đêm rất bất tiện. 

 Nếu có đoàn khách đến thăm thì phải liên hệ trước để ông Tuy mượn chính quyền nhà cổ của làng. (Ảnh: NVCC) 

Một vấn đề khác tại làng là thiếu không gian giới thiệu, trưng bày sản phẩm. “Bên xã nói sẽ bố trí gian hàng tại đình làng cho các nghệ nhân nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Ngay cả đi hội chợ đều là nghệ nhân bỏ tiền túi chi tiêu cho ngày hội đó chứ không có ưu tiên hay chính sách nào” - Nghệ nhân Lê Văn Tuy nhói lòng tâm sự. 

Mong mỏi có truyền nhân kế cận 

Việc duy trì nghề từ thời ông cha đến hiện tại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Những người đi trước đều mong thế hệ sau “vươn ra biển lớn”, nhưng họ cũng mong con cháu không quên, không bỏ nghề mà tiếp tục phát triển, giữ vững tinh hoa làng Chuông. Thế hệ những người thợ, nghệ nhân như ông Tuy vẫn luôn cố gắng truyền lửa nhiều hơn cho con em về cơ nghiệp và huyết mạch bao đời của người dân làng Chuông. 

Niềm tự hào của nghệ nhân Lê Văn Tuy là những chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP được treo ngay trong xưởng nón gia đình. (Ảnh: Khánh Linh) 

Là bậc cha mẹ, nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ rằng, bản thân vẫn hướng nghề cho con cháu trong nhà từ nhỏ, không thạo cũng phải biết nghề. Vào mỗi dịp nghỉ hè, ông cũng tạo điều kiện cho các bạn học sinh đến xưởng vừa học vừa làm nón. Công việc này vừa giúp các bạn kiếm thêm thu nhập, vừa tránh sa vào những trò chơi điện tử thiếu lành mạnh, đặc biệt là có cơ hội nuôi dưỡng tình yêu nón lá trong mỗi người. 

Theo nghệ nhân Tuy, người trẻ trong làng có thể vận dụng những kiến thức học được trên trường cho việc quảng bá giá trị văn hoá địa phương. Bạn Lê Thu Trang (20 tuổi) bày tỏ dự định tương lai: “Sau khi mình hoàn thành chương trình đại học, mình muốn áp dụng những kiến thức Marketing đã được đào tạo để về làm những dự án, hoạt động quảng bá nón lá làng Chuông đến cho mọi người”. 

Nghệ nhân Lê Văn Tuy tầm cuối chiều sẽ ngồi lại xưởng để kiểm tra nón lần cuối trước khi xuất xưởng. (Ảnh: Khánh Linh) 

Song, “nghệ nhân tìm truyền nhân” không chỉ đến từ phía những người dân, mà còn cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước, chính quyền địa phương. Ông Tuy cho hay, hàng năm có những chương trình của huyện và thành phố tổ chức, kêu gọi nhiều nghệ nhân tham gia để lan tỏa nét đẹp nghề truyền thống. Việc tổ chức nhiều buổi triển lãm, nhiều hoạt động giảng dạy với mục đích giúp thế hệ trẻ thấy được tầm quan trọng của nón lá làng Chuông. 

Theo Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, một số giải pháp, nhiệm vụ đã được đề ra như phát huy vai trò nghệ nhân giỏi, thợ tốt; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhận rộng; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch…

 

Trần Thị Khánh Linh - Báo In K41

Phản hồi