Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Chuyên đề \

Ngô Quý Đức: “Trân quý những bàn tay vàng”

15:00 11-11-2023
Trong guồng quay cuộc sống hiện đại, vẫn có những người trẻ dành tình yêu vô tận với tinh hoa văn hóa truyền thống. Hãy cùng phóng viên gặp gỡ anh Ngô Quý Đức - người sáng lập dự án "Về làng" để tìm hiểu rõ hơn về anh và hành trình 17 năm đồng hành cùng làng nghề Việt Nam.

Ngô Quý Đức sinh năm 1985 tại Hà Nội. Năm 2017, anh nhận danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô bởi những đóng góp đầy ý nghĩa với mảnh đất Hà thành. Dự án “Về Làng" ra mắt lần đầu vào tháng 5/2021. Trang web của dự án là nơi đăng tải những thông tin về làng nghề truyền thống, giới thiệu những sản phẩm thủ công trong nước.

 

PV: Theo em tìm hiểu, anh từng theo học ngành công nghệ thông tin. Cơ duyên nào khiến một sinh viên công nghệ thông tin quyết định thành lập và phát triển một dự án hướng về truyền thống?

Anh Ngô Quý Đức: Mình là người con của Hà Nội. Từ bé, mình đã mê những con phố cũ. Đến năm 2006, sau khi ra trường, mình làm dự án “Thư viện thông tin trực tuyến về văn hóa truyền thông Hà Nội”. Lúc đầu chỉ đơn giản là lưu giữ những giá trị văn hoá của Hà Nội. Sau này phát triển, thành lập lên dự án "My Hanoi" nhằm đưa thông tin và tổ chức các hoạt động bảo tồn trò chơi dân gian. Sau 15 năm khám phá, mình nghĩ phải làm cách nào để lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc tới nhiều người hơn nữa. Đến tháng 5/2021, dự án chính thức có tên là “Về Làng”.

PV: Đến nay dự án “Về Làng” đã hoạt động được 17 năm. Động lực gì để anh có thể kiên trì hoạt động trong thời gian dài như vậy?

Anh Ngô Quý Đức: Lúc đầu mình tìm hiểu vì đam mê thôi. Đi để xem họ làm những sản phẩm như thế nào, cuộc sống ở làng ra sao, cái nghề đấy có thể đem lại thu nhập cho họ hay không? Dần dần, càng đi lại càng thích. Mỗi khi đến một làng nghề mình lại bị thu hút bởi chính lịch sử và văn hóa nơi đó. 

Ngoài ra, mình được gặp gỡ những người thợ thủ công và tìm hiểu sâu hơn về nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam. Mình hiểu để làm ra một sản phẩm thủ công cần sự tỉ mỉ, cầu kỳ như thế nào. Những giá trị đó không thể mua được bằng tiền mà mình phải có trải nghiệm, có tiếp xúc trực tiếp mới đón nhận được. Từ những cái giá trị đó, mình càng cảm thấy trân quý và cảm phục sự tài hoa của những người thợ. Mình coi đó là năng lượng tích cực để tiếp tục làm, tiếp tục đi.

Ngô Quý Đức và chiếc đàn nguyệt do chính nghệ nhân, nhạc sư Vĩnh Tuấn chế tác trao tặng. (Nguồn: NVCC) 

PV: Trong thời gian 17 năm anh đã tìm hiểu được bao nhiêu làng nghề? Trong hành trình dài đó có câu chuyện hay kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

Anh Ngô Quý Đức: Tính đến nay tổng số làng nghề mình thu thập được đã lên đến con số 500 làng nghề. Trong hành trình của mình, đã có rất nhiều làng nghề bị mai một đi do cuộc sống phát triển, các hộ gia đình chuyển sang ngành nghề khác. Có những làng nghề trước đây khi mình đi, cả làng đều làm nghề. Nhưng bây giờ quay lại chỉ còn một vài hộ. Chẳng hạn như, trên phố cổ Hà Nội, làm mặt nạ giấy bồi truyền thống nay chỉ còn nhà bác Hòa giữ được nghề. Sau thế hệ của bác thì con cái không theo nữa. Từ khi biết đến gia đình bác, Trung thu năm nào mình cũng đến làm mặt nạ cùng. Mình thấy thực sự gắn bó, như con cháu trong nhà vậy. Hai bác còn hay bảo nửa đùa nửa thật: “Đức trở thành truyền nhân cuối cùng của nghề mặt nạ giấy bồi rồi".

Ngô Quý Đức cùng bà Sùng Thị Cờ - người nghệ nhân vẽ sáp ong. (Nguồn: NVCC) 

PV: Anh đã có những hành động gì để hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề và các nghệ nhân?

Anh Ngô Quý Đức: Hiện giờ, mình đang có nhiều hoạt động giúp đỡ cho các nghệ nhân nói riêng và cả làng nghề nói chung phát triển. Có nhiều địa danh mình đến, thấy khung cảnh đẹp, có câu chuyện lịch sử văn hóa, có hộ còn giữ nghề thì mình bắt đầu nảy ra ý tưởng. 

Mình lên kế hoạch, tổ chức nhiều chuyến đi trải nghiệm kết hợp du lịch để du khách hiểu hơn về giá trị văn hóa làng nghề. Họ được trải nghiệm, tự tay làm sản phẩm thủ công theo hướng dẫn của nghệ nhân. Chẳng hạn như chuyến đi "Về làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc", đưa du khách đến với làng Ðông Hồ để tìm hiểu nguồn gốc những bức tranh dân gian, trực tiếp in tranh. Qua chuyến đi, mình nhận thấy phản ứng của mọi người rất tốt. Họ rất thích thú, đặc biệt là du khách nước ngoài. Về phần các nghệ nhân, mình có đề xuất thêm về đổi mới tư duy và sáng tạo làm nghề. Từ đó, họ sẽ có những ý tưởng đổi mới sản phẩm để có tính ứng dụng cao hơn, trong tương lai có thể vươn ra thế giới.

Sự kiện "Rước đèn Trung thu & đón ông Tiến sĩ giấy 2023" cùng sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến do Về Làng tổ chức. (Nguồn: NVCC) 

PV: Trong khoảng thời gian sắp tới, anh có kế hoạch gì để phát triển, lan tỏa dự án đến đông đảo công chúng?

Anh Ngô Quý Đức: Mình đang xây dựng một website để giới thiệu về những câu chuyện làng nghề, giới thiệu sản phẩm. Dự án sẽ sáng tạo thêm nhiều chuyến đi trải nghiệm hướng đến mọi đối tượng. Ví dụ trung thu thì có các chương trình trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống cho các em nhỏ tham gia. 

Ngoài ra, mình còn tổ chức các buổi triển lãm để thu hút du khách, giới thiệu sản phẩm đến rộng rãi công chúng. Sắp tới gần đây nhất là sự kiện tuần Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” được tổ chức từ 17 - 26/11/2023. Mình mong muốn các giá trị văn hoá của làng quê, của nghề truyền thống, của các sản phẩm thủ công Việt được đưa đến gần hơn với cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.

PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi!

Nguyễn Vương Phương Thảo - Báo In K41

Phản hồi