Thành phố Cần Thơ nằm bên hữu ngạn sông Hậu, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Được khai phá vào năm 1739, Cần Thơ thuở ấy xuất hiện trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, vùng đất Trấn Giang đã nhiều lần thay tên đổi họ và có những khoanh vùng nhất định về địa giới hành chính dựa theo từng thời kỳ.
Thành phố với tên gọi đặc biệt, đậm chất thơ
Cần Thơ là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Về tên gọi của thành phố Cần Thơ, cho đến nay vẫn chưa có cách giải thích rõ ràng. Trong cuốn Cần Thơ xưa và nay (xuất bản 1966), nhà nghiên cứu Huỳnh Minh giải thích như sau:
Ngày xưa khi chưa lên ngôi vua, Nguyễn Ánh vào Nam đã đi qua nhiều vùng châu thổ sông Cửu Long. Một hôm, đoàn thuyền của ông đi theo sông Hậu vào địa phận thủ sở Trấn Giang (Cần Thơ xưa).
Đêm vừa xuống thì đoàn thuyền cũng vừa đến Vàm sông Cần Thơ. Giữa đêm trường canh vắng, vọng lại nhiều tiếng ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo hòa nhau nhịp nhàng. Nguyễn Ánh thầm khen về một cảnh quan sông nước hữu tình và đặt cho con sông này tên Cầm Thi giang, tức là con sông của thi ca đàn hát.
Dần dần, tên Cầm Thi được lan rộng trong dân chúng và nhiều người nói trại ra là Cần Thơ. Nhiều người nghe tên Cần Thơ hay và đẹp nên đã chấp nhận và cùng gọi là sông Cần Thơ.
Ngoài ra, còn cách giải thích khác là hai bên bờ sông Cần Thơ xưa có nhiều rau cần và rau thơm. Ghe thuyền chở nhiều loại rau cần, rau thơm qua lại rao bán đông vui từ năm này qua năm khác. Từ đó, người địa phương quen gọi sông là Cần Thơm, nói trại là Cần Thơ.
Cũng có người cho rằng, Cần Thơ xuất hiện đầu tiên dùng để chỉ con rạch có nhiều cá "Kìn Tho", một loại cá sặc rằn có nhiều ở vùng này.
Năm 1876, khi Pháp lấy huyện Phong Phú, lập ra hạt mới thì đã dùng tên sông Cần Thơ để đặt tên cho hạt Cần Thơ rồi sau đó là tỉnh Cần Thơ.
Một miền gạo trắng, nước trong
Cần Thơ là thành phố nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc hạ lưu sông Mêkông. Là thành phố hiện đại và phát triển nhất vùng, được cho là lớn thứ 4 cả nước theo quy mô dân số và thứ 5 cả nước về quy mô kinh tế. Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt khiến hệ Cần Thơ trở thành mảnh đất trù phú, cây trái sản vật tốt tươi quanh năm, người ta biết đến Cần Thơ như một đô thị miền sông nước.
Câu ca dao:
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi tới đó lòng không muốn về”
Phần nào nói về một vùng đất trù phú, sầm uất, được gọi là Tây Đô từ cuối thế kỷ XIX.
Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng là một trong số những điểm du lịch nổi tiếng của Cần thơ, thể hiện nét sinh hoạt văn hoá mang bản sắc đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Theo quy hoạch đến năm 2025, thành phố Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, y tế và văn hóa của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mêkông, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Và sẽ trở thành một thành phố phát triển khá ở khu vực Đông Nam Á.
Du lịch phát triển
Du lịch được xem là ngành kinh tế có tốc độ phát triển rất nhanh hiện nay của Cần Thơ, với mô hình du lịch thành công đó là bản sắc và sinh thái. Những thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch bản địa” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn và đang được vận dụng tại các khu du lịch đất Tây Đô.
Trong danh sách 15 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới được công bố gần đây của Getty Images có tên TP. Cần Thơ của Việt Nam. Trong danh sách này, Cần Thơ xếp thứ 5 với những sinh hoạt náo nhiệt, dân dã trên sông nước thu hút du khách quan tâm trải nghiệm; du khách sẽ được bồng bềnh trên những chiếc thuyền nhỏ trên sông, có thể mua trái cây tươi ngon, thưởng thức những món ăn sông nước miền Tây, thưởng thức cà phê lãng du…
Theo thống kê, năm 2019 ngành du lịch Cần Thơ đã đón gần 8,87 triệu khách; trong đó, số khách quốc tế lưu trú đạt gần 410.000 lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Lữ hành quốc tế đón vào đạt trên 32.000 lượt khách quốc tế, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018; đưa gần 25.000 lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 10,3% so với năm 2018. Những con số này cho thấy sự tăng trưởng của du lịch Cần Thơ, riêng với phạm vi du lịch quốc tế. Du lịch Cần Thơ cũng đã xây dựng tour, tuyến mới đưa vào khai thác trên địa bàn TP Cần Thơ: Bến Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng - trạm dừng chân Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ Ecolodge.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, qua việc định hình bản sắc riêng, sản phẩm du lịch đặc thù mà năm 2020, Cần Thơ thuận lợi hơn trong liên kết, xây dựng tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn với các tỉnh, thành phố đã ký kết hợp tác phát triển du lịch và với các tỉnh ĐBSCL. Năm 2020, ngành du lịch Cần Thơ cũng sẽ triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài phù hợp với du lịch tổng thể TP Cần Thơ. Những nỗ lực này sẽ mở rộng cánh cửa hội nhập cho du lịch đất Tây Đô.
Bức tranh kinh tế xã hội nhiều gam màu tươi sáng
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Cần Thơ có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, giao lưu thuận lợi với các địa phương khác trong đồng bằng, với các vùng trong nước và với nước ngoài (qua cảng Cần Thơ, sân bay Trà Nóc). Vì thế, đây sẽ là vùng đất có nhiều tiềm năng, thuận lợi để trở thành trung tâm logistics và công nghiệp, kéo theo sự phát triển của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ về định hướng phát triển của Thành phố thủ phủ miền Tây Nam Bộ, đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ cho biết:
“Dấu ấn nổi bật được thể hiện qua kết quả 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đó là thành phố Cần Thơ từng bước khẳng định được vai trò trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên một số lĩnh vực như: Giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, thương mại và dịch vụ… góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng và cả nước”.
Theo thống kê trong giai đoạn 2006 - 2019, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt mức hơn 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước, khoảng 3,9% GRDP của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, và khoảng 12% GRDP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 91,45 triệu đồng, gấp 7,3 lần so với năm 2005; năng suất lao động không ngừng tăng lên và dẫn đầu toàn vùng với mức 143 triệu đồng/năm.
Nhiều dự án, công trình mới được đầu tư xây dựng làm “thay da đổi thịt” Cần Thơ, khẳng định vị thế của một đô thị lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với diện mạo đô thị đang ngày càng hiện đại, thành phố Cần Thơ cũng tận dụng lợi thế trung tâm và nguồn lực đầu tư từ Trung ương để tập trung xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối giữa các địa phương trong vùng với TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Những cơ sở nền tảng đó góp phần giúp Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tạo nhiều điều kiện thuận lợi như rút ngắn đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính; thông qua cơ chế “một cửa tại chỗ” trong việc cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp chứng chỉ quy hoạch và xây dựng, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp giấy chứng nhận hàng hóa mẫu D, thẩm định thiết kế cơ sở và phê duyệt báo cáo tác động môi trường…”.
Với tiềm năng nổi bật như trên, Cần Thơ hứa hẹn sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như kỳ vọng của Trung ương đã đề ra.
Phản hồi