Bánh tét đối với người miền Nam, đặc biệt là miền sông nước Cửu Long gần gũi và thân thuộc như món cơm hàng ngày. Trong sự thân thuộc phổ biến đó cũng chứa đựng những nét đặc trưng độc đáo mà những nơi khác không có, điển hình như món bánh tét lá cẩm Cần Thơ - ghi dấu khá đậm nét trong nền ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói chung. Món ăn này được ưa chuộng và ấn tượng bởi chính sự sáng tạo về màu sắc trong quá trình tạo ra chiếc bánh.
Câu chuyện thú vị đằng sau chiếc bánh độc đáo của người Cần Thơ
Cũng giống như bánh chưng ở miền Bắc, bánh tét là món quà dân dã, yêu thương không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về ở xứ Đàng Trong. Từ bánh tét truyền thống, với sự sáng tạo không ngừng, người dân đã sáng tạo ra nhiều loại bánh tét có màu sắc và hương vị phong phú. Trong đó có bánh tét lá cẩm là đặc sản của miền sông nước Cần Thơ.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ của quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 10km, nhà họ Huỳnh với hơn hai mươi thành viên thuộc ba thế hệ theo nghề làm bánh tét. Cô Đường Thị Xinh (con gái cụ Huỳnh Thị Trọng - người sáng tạo ra chiếc bánh Tét lá cẩm đầu tiên ở Việt Nam) đã chia sẻ về sự ra đời của chiếc bánh độc đáo này. Cô Xinh kể rằng mẹ cô - cụ Huỳnh Thị Trọng đã theo nghề gói bánh tét từ thuở còn đôi mươi, trong một lần tình cờ, bà đã dùng nước lá cẩm để pha nếp với ý tưởng làm mới loại bánh vốn có màu xanh quen thuộc này. Và cũng từ đó những chiếc bánh tét lá cẩm đầu tiên được ra đời. Màu tím của lá cẩm không chỉ khiến những chiếc bánh trở nên đẹp mắt hơn, mà nó còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mãi cho đến năm 2012, khi đầu bếp nổi tiếng Martin Yan - Yan Can Cook đến quay phim thì bánh tét lá cẩm mới thực sự được đông đảo mọi người biết đến.
Bí quyết tạo nên chiếc bánh lá cẩm được lưu truyền suốt bao thế hệ
Cắn từng miếng bánh dẻo thơm lừng mùi nếp cẩm cộng thêm chút vị béo của trứng muối, thịt, đậu xen lẫn đâu đó thi thoảng có mùi của nước cốt dừa phối hợp từng thứ một lại với nhau tạo thành nhân bánh tét lá cẩm trứ danh. Hẳn ai đã từng một lần ăn món bánh này cũng tò mò về cách thức làm ra loại bánh đặc sắc này. Nguyên liệu để làm nên chiếc bánh tét vô cùng đơn giản gồm: đậu xanh, dừa nạo, lá dứa, thịt ba chỉ, lá cẩm, gạo nếp, dây buộc, hành tím, muối, dầu ăn, đường, hạt nêm.
Đặc biệt cô Xinh còn chia sẻ một số cách để tạo nên được chiếc bánh tét chuẩn vị “Bánh muốn cho dẻo, ngon, phải lựa nếp rặt, màu bánh mà muốn sáng phải chọn lá cẩm tươi rồi xào với nước cốt dừa, thịt nhất định phải tươi, đậu xanh xào, thịt, trứng muối đều phải nêm nếm, thêm thắt cho đúng chuẩn và vừa vị; khi luộc phải canh bánh và đảo đều,...". Sau vài giờ đun trên bếp than đỏ lửa sẽ cho ra lò những đòn bánh tét thơm ngon đậm vị.
Bánh tét lá cẩm - nét đẹp dung dị của người Cần Thơ
Bánh tét là thứ bánh đặc trưng của người dân Nam Bộ trong ngày tết cổ truyền và mang trong mình giá trị văn hóa to lớn của dân tộc.
Bánh tét lá cẩm thể hiện cho sự khai thác tối đa của cư dân nông nghiệp. Bởi lẽ bánh tét gói ghém trong đó cả một nền văn minh lúa nước lâu đời vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lá gói bánh là lá dong giềng có sẵn trong thiên nhiên. Gạo nếp, đỗ xanh, thịt lơn cũng là những sản phẩm của nông nghiệp. Màu của bánh được xay ra từ lá cẩm trộn đều với gạo nếp, tất cả hòa quyện tạo nên sự hấp dẫn không chỉ về màu sắc và mùi vị cho món ăn mà đồng thời còn thể hiện sự hà hòa, quyện chặt của đất trời trong từng nguyên liệu.
Từ những sản phẩm nông nghiệp mộc mạc, nhiều thế hệ người làm bánh tét lá cẩm Cần Thơ đã tạo nên một sản phẩm dân dã nhưng nổi tiếng khắp miền Tây. Những cặp bánh tét căng tròn không những thể hiện ước mong về sự ấm no, đủ đầy trong những ngày đầu Xuân mà còn gợi nhớ về những phong tục văn hóa truyền thống trong cuộc đời mỗi con người.
Nếu có dịp ghé ngang Cần Thơ nơi mảnh đất trù phú với người dân dung dị cùng văn hóa ẩm thực đa dạng, đừng quên ghé qua mua một đòn bánh tét lá cẩm về làm quà bạn nhé!
Phản hồi