Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Chuyên đề \

Chuyện "dọn rác" trên không gian mạng

22:18 04-10-2021
Vừa qua, chương trình "Đối diện: Dọn "rác" trên không gian mạng" do VTV thực hiện đã nhận được vô số ý kiến trái chiều, trở thành một chủ đề bàn luận sôi nổi, bên cạnh những thông tin về COVID-19 hiện nay.

Tối 29/9, VTV đã cho lên sóng chương trình "Đối diện: Dọn "rác" trên không gian mạng" nhằm phê phán thực trạng thông tin xấu độc được lan truyền mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, bên cạnh tin giả - vấn đề nhức nhối đang gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực hiện nay, VTV còn đề cập đến những hiện tượng gây tranh cãi khác như phát ngôn thiếu chuẩn mực hay phát tán nội dung nhảm nhí của một bộ phận người dùng mạng xã hội.

Nói về vấn đề này, chương trình đã không ngại gọi mặt điểm tên những nhân vật nổi tiếng và phê phán hành vi thiếu ý thức, gây rác cộng đồng mạng của họ trong thời gian qua, điển hình là nữ ca sĩ Phí Phương Anh với MV “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em”, hai nam rapper Torai9 và Rhymastic với màn đối đáp gay gắt bằng âm nhạc, cũng như nhiều video có nội dung nhảm nhí, độc hại cho trẻ em.

Video âm nhạc với ca từ gay gắt khiến rapper Rhymastic bị gọi tên trên sóng VTV (nguồn: VTV)

Ngay lập tức, những quan điểm mà chương trình đưa ra đã gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng, giờ đây, chia ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên ủng hộ lập trường của VTV; cho rằng Việt Nam cần học tập các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc trong việc “phong sát”, cấm sóng tất cả nghệ sĩ có hình ảnh xấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tránh gây ảnh hưởng đến người sử dụng. Bên còn lại, phần lớn là những bạn trẻ đứng trên quan điểm bảo vệ thần tượng, nói rằng việc ca nghệ sĩ phát tán nội dung gì là quyền của họ, và những sản phẩm âm nhạc với câu từ gay gắt là một đặc trưng của thể loại âm nhạc, việc trẻ em tiếp cận với những nội dung không phù hợp trên mạng xã hội là hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Đối với những người ủng hộ VTV và chương trình Đối diện, họ đang mong muốn dọn sạch những nội dung xấu trên môi trường mạng, biến nó trở nên lành mạnh và tích cực hơn. Trước vô số những vụ việc đáng tiếc gây ra bởi sự tiêu cực của mạng xã hội trong thời gian qua, như không ít em nhỏ tự làm tổn thương bản thân do nghe theo những nội dung độc hại, hay trẻ vị thành niên, vì bị bắt nạt trên không gian mạng, mà nảy sinh ý định tự tử, tâm lý cảnh giác, dè chừng, và thậm chí là muốn bài trừ của một bộ phận người dân là có thể hiểu được, bởi họ không thể biết rằng liệu một ngày nào đó con em mình có trở thành nạn nhân của những sản phẩm rác trên mạng hay không.

Bé gái thắt cổ tự tử vì học clip trên mạng (nguồn: báo Pháp luật Việt Nam điện tử)

Còn đối với những người ở phía đối diện, những bạn trẻ với xu hướng tiêu thụ nội dung trên mạng xã hội hàng ngày, và thông qua mạng xã hội thể hiện cá tính, quan điểm của bản thân, họ đang hướng tới một môi trường mạng tự do, không có bất kỳ sự giới hạn nào.

Mỗi bên có một lập trường riêng. Tuy nhiên, Internet, xét cho cùng, vẫn là một kênh truyền thông đại chúng. “Đại chúng” có nghĩa là tất cả mọi người, ai cũng có thể tiếp cận được. Nếu không thể giới hạn tối đa người xem, giới hạn công chúng trên mạng, thì những nội dung được đăng tải và phát tán trên đây cần phải được xem xét theo một tiêu chuẩn nào đó để phù hợp với tất cả. Những sản phẩm rác, những thông tin độc hại được lan truyền mạnh mẽ trên môi trường mạng, lâu dần, sẽ trở thành một điều hiển nhiên, dẫn tới những tác động tiêu cực đến văn hóa, an sinh xã hội. Và đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chính là các thế hệ tương lai

Mỗi người cần có ý thức dọn sạch không gian mạng bằng những thông điệp có ý nghĩa

(nguồn: Fanpage Việc tử tế)

Không gian mạng cũng giống như một nơi công cộng. Khi ở nhà, bạn có thể làm bất cứ điều gì mà mình muốn, nhưng điều đó là không nên khi ở ngoài. Hãy ý thức được những hành động, phát ngôn của bản thân để mọi người xung quanh, ai cũng có thể có được những trải nghiệm tốt nhất.

Trần Đức Anh - TTĐPT K40

Phản hồi