“Đào tạo” khán giả cho chính mình
Trong số các bộ môn nghệ thuật truyền thống, tuồng gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận với khán giả trẻ, bởi đây vốn là loại hình có tính bác học và ước lệ rất cao. Đặc trưng này của tuồng được thể hiện rõ nét trong tạo hình hóa trang của nhân vật, từ cách trang điểm, hình dáng đến màu sắc đều được quy định rõ ràng và chi tiết. Chỉ nét vẽ lông mày trên khuôn mặt cũng là cách để nghệ thuật truyền thống này khắc họa nhân vật của mình. Đó là những điều không phải ai cũng hiểu được nếu như chưa từng tiếp cận với bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Chính vì vậy, để thu hút khán giả đến với tuồng, điều quan trọng là phải đào tạo và phát triển tệp khán giả có khả năng hiểu ngôn ngữ tuồng. Chỉ khi hiểu được ngôn ngữ tuồng, khán giả mới hiểu được ẩn ý sâu xa đằng sau, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng và văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Trong lộ trình phát triển và đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, Nhà hát Tuồng Việt Nam đang triển khai thường xuyên Đề án “Xây dựng khán giả trẻ cho sân khấu”. Trong đó, những buổi biểu diễn tại sân khấu học đường, đặc biệt là các trường đại học được Nhà hát tích cực triển khai trong kế hoạch công tác của mình.
Đây là hoạt động đã được Nhà hát triển khai hơn 20 năm qua, vừa là phương thức giới thiệu, quảng bá nghệ thuật tuồng, vừa là cách hiệu quả để đào tạo tệp khán giả biết thưởng thức tuồng. Thấm nhuần tư tưởng rằng: nghệ thuật không khán giả là nghệ thuật không có sự tồn tại, Ông Hoàng Văn Long, Quyền Giám Đốc Nhà hát Tuồng, bày tỏ: “Nhìn xuống sân khấu biểu diễn thấy đông khán giả tán thưởng, người nghệ sĩ sẽ thăng hoa vô cùng. Cho nên, phải đào tạo khán giả từ tiểu học cho đến đại học”.
Ông nhấn mạnh, trước hết, phải “đào tạo” khán giả có sự hứng thú khi tiếp cận với nghệ thuật truyền thống. Để làm được điều đó, các chương trình sân khấu học đường phải đem đến được giá trị cốt lõi của sân khấu biểu diễn truyền thống. Những người nghệ sĩ phải đưa được giá trị nghệ thuật đến đông đảo khán giả trẻ, nhất là các em học sinh, tạo một thói quen, phong cách riêng trong thưởng thức nghệ thuật tuồng. Chính họ sẽ trở thành một thế hệ khán giả mới, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ loại hình văn hoá nghệ thuật của dân tộc trong tương lai.
“Hiểu rồi mới yêu tuồng”
Nhà hát Tuồng Việt Nam đã sớm nhận thấy nhu cầu phát triển khán giả của nghệ thuật tuồng, nhất là đối tượng khán giả trẻ. Bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước, cần tác động tới khán giả trẻ để “truyền cảm hứng tuồng”, khơi dậy tình yêu đối với di sản văn hóa của dân tộc.
Những sân khấu biểu diễn học đường tuy có thời lượng ngắn nhưng mang ý nghĩa quan trọng, bởi nghệ thuật tuồng là kết hợp của nhiều yếu tố như âm nhạc, ánh sáng, vũ đạo, diễn xuất và trang phục. Chính sự hòa quyện và đan xen của các yếu tố đó mới tạo nên một sắc thái riêng cho loại hình nghệ thuật này, đem đến một trải nghiệm thẩm mỹ độc đáo.
Chỉ khi được tham gia các sân khấu biểu diễn “trực tiếp”, khán giả mới có thể hiểu được bản chất của nghệ thuật biểu diễn tuồng. Qua đó, những sân khấu tuồng gần gũi đem đến cho lớp khán giả trẻ cái nhìn toàn diện về một hình thức nghệ thuật đã được hun đúc và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất của những sân khấu biểu diễn học đường mà Nhà hát đã triển khai trong những năm qua. Hành trình dài bền bỉ của cả tập thể nghệ sĩ và ban quản lý của Nhà hát Tuồng Việt, song những nỗ lực lâu dài này đã thực sự đem lại trái ngọt.
"Nỗ lực rất nhiều năm nhưng chúng tôi tự đánh giá, càng ngày đối tượng khán giả nhất là khán giả trẻ đang tới rất gần với chúng tôi. Những đêm diễn bán vé mà đa phần là sinh viên hết, chỉ 10% là những người lớn tuổi. Đó là những bước khởi sắc ban đầu cho việc các bạn trẻ đã quan tâm đến nghệ thuật tuồng truyền thống, cùng chúng tôi gìn giữ nghệ thuật này", ông Hoàng Văn Long tự hào chia sẻ.
Là một trong những bạn trẻ có niềm yêu thích với nghệ thuật Tuồng, bạn Vũ Phương Anh (20 tuổi, Đại học Ngoại Thương) chia sẻ: “Mình đã từng nghe và đọc qua những thông tin về tuồng. Thậm chí là xem những video buổi biểu diễn tuồng. Nhưng đúng là phải có buổi biểu diễn ngày hôm nay, khi tận mắt chứng kiến sân khấu biểu diễn tuồng mới biết đến nét đẹp của loại hình nghệ thuật này. Tuồng cũng có nhiều thứ thú vị lắm.”
Sân khấu biểu diễn học đường tuồng đã đem đến không gian trải nghiệm “thưởng thức nghệ thuật” tuyệt vời, trọn vẹn cảm xúc từ âm nhạc, diễn xuất đến sân khấu và ánh đèn cho các bạn khán giả trẻ. Những trải nghiệm đó là cơ hội quý giá để các bạn trẻ tiếp cận với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Từ đó, khơi dậy trong mỗi khán giả sự hứng thú tìm hiểu và bắt đầu hành trình yêu nghệ thuật tuồng.
Phản hồi