Danh mục Thứ Bảy, 14/12/2024

Chuyên đề \

Trò chuyện: Nghệ thuật Ý niệm và tiếng nói Nữ quyền

22:42 08-12-2024
Tối 8-12, tại Hà Nội, Viện Goethe Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình “Trò chuyện: Nghệ thuật Ý niệm và tiếng nói Nữ quyền” hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Đức.

“Nghệ thuật Ý niệm và tiếng nói Nữ quyền” là buổi trò chuyện trong khuôn khổ triển lãm nhóm của Rosemarie Trockel - một nghệ sĩ ý niệm lừng danh đến từ Đức, và Lại Diệu Hà - nghệ sĩ đương đại của Việt Nam. Chương trình được xây dựng như một cuộc đối thoại nghệ thuật đa chiều về các quan điểm xã hội thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.

Quang cảnh buổi trò chuyện. (Ảnh: Phương Hà) 

Chương trình diễn ra dưới sự dẫn dắt của giám tuyển An Paenhuysen, nghệ sĩ Lại Diệu Hà, cùng giám tuyển địa phương Nguyễn Anh Tuấn cùng với sự dẫn dắt của cây viết nghệ thuật Trương Uyên Ly. Cuộc trò chuyện chia sẻ các góc nhìn về “nghệ thuật ý niệm” và hành trình sáng tạo nghệ thuật của hai nghệ sĩ Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà đã diễn ra rất ấn tượng.

Là một trong những nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật đương đại tiên phong của Việt Nam, Lại Diệu Hà chia sẻ: "Tôi luôn tin rằng nghệ thuật không chỉ là một sản phẩm thẩm mỹ, mà còn là một phương tiện để chúng ta giao tiếp, để hiểu nhau hơn. Đặc biệt, với nghệ thuật ý niệm, tôi muốn mở ra một cánh cửa mới, một không gian để mọi người cùng nhau suy ngẫm, cùng nhau đặt câu hỏi về cuộc sống, về xã hội”.

Nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art) là thể loại nghệ thuật hiện đại, nơi ý tưởng, khái niệm đằng sau tác phẩm được coi trọng hơn nhiều so với hình thức vật chất của nó. Nói cách khác, ý tưởng chính là "tác phẩm nghệ thuật" thực sự, và vật thể chỉ là một phương tiện để thể hiện ý tưởng đó.

Cuộc trò chuyện không chỉ khám phá các giá trị nghệ thuật mà còn mở ra những vấn đề lớn của xã hội, từ bất bình đẳng giới đến những quan điểm xã hội thiết yếu, tạo ra một không gian thảo luận phong phú và sâu sắc. Trong suốt hành trình phát triển của loại hình nghệ thuật này, các nghệ sĩ đã phá vỡ khuôn mẫu của thời đại, thử nghiệm những chất liệu mới, vượt qua ranh giới truyền thống. Nghệ thuật đương đại đã trở thành cầu nối, nơi các nghệ sĩ tự do thể hiện quan điểm cá nhân và phản ánh đa dạng các vấn đề xã hội, từ giới tính, quyền con người đến các mâu thuẫn trong xã hội.

Bà An Paenhuysen đã mang đến những chia sẻ sâu sắc về ý nghĩa ẩn chứa đằng sau các tác phẩm nghệ thuật ý niệm, giúp công chúng hiểu rõ hơn về một trường phái nghệ thuật độc đáo và đầy thử thách này. (Ảnh:Phương Hà) 

Điểm đặc biệt của chương trình chính là phong cách đối thoại mở, tạo cơ hội để khán giả thảo luận trực tiếp với các diễn giả. Bà An Paenhuysen và nghệ sĩ Lại Diệu Hà không chỉ kể lại chi tiết câu chuyện phía sau những tác phẩm mang tính biểu tượng, mà còn tiếp nhận những câu hỏi và góc nhìn từ khán giả. Những vấn đề liên quan đến tính nữ, nghệ thuật ý niệm được phân tích sâu hơn và mở ra một không gian trao đổi sáng tạo.

Bạn Phạm Thảo Nguyên (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Là người yêu thích nghệ thuật và có tìm hiểu về vấn đề nữ quyền, tôi cảm thấy buổi đối thoại vô cùng sâu sắc và bổ ích. Qua những câu chuyện và trải nghiệm của những người nghệ sĩ, tôi nhận ra rằng nghệ thuật không chỉ là biểu đạt cá nhân mà còn là một công cụ mạnh mẽ để lên tiếng cho các vấn đề xã hội, trong đó có bình đẳng giới”.
 
Buổi trò chuyện diễn ra trong không khí sôi nổi, với những câu hỏi sâu sắc và những chia sẻ chân thành từ phía nghệ sĩ. Qua những thông điệp ý nghĩa trong buổi trò chuyện, tiếng nói của những phụ nữ đang đấu tranh cho quyền bình đẳng được vang lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò quan trọng của nghệ thuật trong việc tạo ra sự thay đổi xã hội.

Phương Hà - Báo In K42

Phản hồi