Danh mục Thứ Tư, 18/12/2024

Chuyên đề \

“Thổi hồn” tranh vẽ dân gian vào đời sống

08:44 16-12-2024
Trong đời sống hiện đại, tranh dân gian Việt Nam đang dần bị lãng quên và đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước tình hình đó, nhiều bạn trẻ đã “thổi một làn gió mới mới” vào tranh truyền thống thông qua các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. 

Giá trị văn hóa và thách thức bảo tồn

Nghệ thuật dân gian Việt Nam có lịch sử lâu dài và gắn bó mật thiết với đời sống của người dân. Bài nghiên cứu “Khái quát về tranh dân gian Việt Nam” của PGS.TS Trương Quốc Bình đăng tải trên Tạp chí di sản văn hóa đã chỉ ra rằng: tranh dân gian Việt Nam có những đặc trưng về phong cách và nội dung rất riêng, chứa đựng những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, sự thịnh vượng và những ước vọng tốt đẹp, gắn liền với đời sống của người dân trong suốt nhiều thế kỷ.

 Tác phẩm “Đám cưới chuột” tiêu biểu trong dòng tranh Hàng Trống. ( Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Tranh dân gian là di sản văn hóa mang đậm dấu ấn của từng vùng miền, phản ánh đời sống tinh thần, tập tục và tín ngưỡng của người dân qua các thời kỳ. Đến nay, Việt Nam có 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu, từng được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội vào tháng 8/2016, bao gồm: tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Thập Vật, tranh làng Sình, tranh Đồ Thế Nam Bộ, tranh Kính Nam Bộ, tranh Thờ miền núi, tranh Gói Vải, tranh Thờ đồng bằng và tranh Vải. Trong số đó, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng là những dòng tranh quen thuộc và được công chúng biết đến nhiều nhất. Mỗi bức tranh là một câu chuyện lịch sử, ghi lại những nét sinh hoạt, phong tục, hay các truyền thuyết dân gian của cha ông.

Từ cuối thế kỷ XX đến nay, tranh dân gian Việt Nam được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều hội thảo khoa học, hoạt động sưu tầm và trưng bày tranh tại các bảo tàng lớn đã được tổ chức. Công tác bảo tồn nghề làm tranh và các làng nghề truyền thống cũng được lồng ghép vào các dự án nghiên cứu, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế và xã hội đang thay đổi mạnh mẽ, các dòng tranh dân gian và làng nghề truyền thống đang chịu phải không ít tác động và thách thức.

Trong bài nghiên cứu “Khái quát về tranh dân gian Việt Nam”, PGS.TS Trương Quốc Bình đã nêu ra một số lý do khiến tranh dân gian dần bị mai một trong đời sống hiện nay. Theo PGS, tình trạng này một phần do tập quán chơi tranh của người Việt không còn phổ biến như trước đây khiến cho việc kinh doanh tại các làng nghề không đủ kinh phí để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, nghề làm giấy dó – nguyên liệu quan trọng để in tranh dân gian tại Yên Thái (làng Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) đang dần biến mất, khiến nguồn cung cấp vật liệu bị gián đoạn. Điều này kéo theo những thay đổi đáng kể về chất lượng tranh dân gian truyền thống. 

Hành trình “hồi sinh” tranh dân gian

Dù trong xã hội hiện đại ngày nay, tranh dân gian đang dần bị mai một và ít người biết đến nhưng những giá trị lịch sử và văn hóa mà tranh dân gian mang lại vẫn đang thu hút sự chú ý của một bộ phận giới trẻ. Một thế hệ mới với niềm đam mê và khát khao tìm lại nguồn gốc văn hóa đã bắt đầu tìm kiếm, nghiên cứu và sáng tạo để mang tranh dân gian trở lại với đời sống hiện đại. 

Dự án tiêu biểu nhằm mang tranh dân gian đến gần hơn với công chúng và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống có thể kể đến như triển lãm “Hồi âm sắc đỏ” và workshop “Họa sắc Kim Hoàng” do nhóm bạn trẻ Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật phối hợp cùng các họa sĩ, nghệ nhân tổ chức vừa qua. Sự kiện giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về dòng tranh dân gian, tạo cơ hội để họ trực tiếp trải nghiệm và sáng tạo  nghệ thuật truyền thống qua các sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Những nỗ lực tái sinh dòng tranh Kim Hoàng không chỉ góp phần bảo tồn một di sản quý báu của dân tộc mà còn khơi gợi niềm cảm hứng sâu sắc cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống.

Tranh Kim Hoàng đã được chính tay những người tham gia sáng tạo trên những chiếc túi tote. (Ảnh: Hồi âm sắc đỏ) 

Nổi bật trong số những dự án “phục hồi” tranh dân gian do người trẻ thực hiện là “Magic of Color”. Đây là dự án tập trung vào 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng của Việt Nam giúp chúng hòa nhịp với đời sống hiện đại. Chị Nguyễn Thị Hữu, người sáng lập dự án chia sẻ: “Khi tôi và nhóm của mình đi thực hiện công tác truyền thông cho các chương trình văn hóa dân gian. Tôi thấy được các bạn trẻ có nhu cầu mong muốn tìm hiểu về văn hóa dân gian, đặc biệt là tranh dân gian. Nhóm tôi đã quyết định khởi động dự án Magic of Color để thiết kế và ứng dụng hình ảnh của tranh dân gian lên các vật dụng hàng ngày để đưa tranh dân gian vào gần hơn với cuộc sống hiện đại.” 

Những chiếc đèn lồng ứng dụng hình ảnh tranh Đông Hồ đã tạo điểm nhấn độc đáo cho không gian sống. (Ảnh: Kim Dung) 

Khi đưa giá trị văn hóa của tranh dân gian vào sản phẩm, dự án cần sự hợp tác chặt chẽ với các nghệ nhân để tạo ra những sản phẩm thực sự có giá trị. Chị Hữu chia sẻ rằng, việc tiếp cận và nhận được sự đồng thuận từ các nghệ nhân không phải là điều dễ dàng, bởi họ lo ngại rằng việc ứng dụng tranh dân gian vào sản phẩm sẽ làm mai một vẻ đẹp truyền thống. Tuy nhiên, sau quá trình thuyết phục kiên trì, các nghệ nhân đã đồng ý hợp tác, cùng nhóm sáng tạo mang tranh dân gian đến gần hơn với giới trẻ thông qua những dự án đổi mới và các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.

Không chỉ dừng lại ở việc phục chế tranh cũ, “Magic of Color” còn tìm cách kết hợp với các xu hướng thẩm mỹ hiện đại, mở ra những phương thức sáng tạo mới. Điều này đã giúp tranh dân gian có thể được tái hiện trong các sản phẩm thiết kế hiện đại như đèn lồng, postcard (bưu thiếp), các món đồ trang trí. Chính sự sáng tạo này đã giúp tranh dân gian không chỉ giữ được giá trị truyền thống mà còn có thể đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay.

Những chiếc bookmark in hình ảnh múa lân dân gian được thiết kế tinh tế với sắc màu truyền thống. (Ảnh: Kim Dung) 

Những vật phẩm như cốc, bình nước, thước,... được nghệ nhân sáng tạo qua việc ứng dụng hình ảnh tranh dân gian. (Ảnh: Kim Dung) 

Nhờ sự sáng tạo và nỗ lực của những người trẻ, tranh dân gian Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn được tái sinh, mang lại giá trị văn hóa sâu sắc cho cuộc sống hiện nay, trở thành một phần của đời sống đương đại, góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa nghệ thuật.

Kim Dung - Báo in K42

Phản hồi