Chính thức mở cửa từ đầu tháng 11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý nhờ việc ứng dụng những công nghệ hiện đại bậc nhất trong lĩnh vực trưng bày và trải nghiệm. Với quy mô lớn cùng với những giải pháp công nghệ tối ưu, bảo tàng đã trưng bày gần 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia.
Ngoài ra, bảo tàng còn phát triển nền tảng số trên YooLife, một mạng xã hội thực tế ảo tiên phong của người Việt. Ứng dụng này đã thu hút hàng triệu lượt truy cập, đưa Bảo tàng Lịch sử Quân sự lên tầm cao mới khi các hiện vật và câu chuyện lịch sử được dựng lại trên nền tảng số với chất lượng cao, cho phép người xem khám phá từng chi tiết ngay cả khi ở xa.
Chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính hoặc chạm nhẹ trên màn hình điện thoại thông minh, khách tham quan có thể ”đi dạo” trong không gian số của bảo tàng. Tại đây, mọi người có thể khám phá các khu trưng bày, chiêm ngưỡng báu vật lịch sử từ nhiều góc độ, quan sát từng chi tiết và hoa văn trên hiện vật.
Theo nhóm phát triển, chương trình đã tái hiện được khoảng 50 vị trí trong bảo tàng, cùng hơn 700 hiện vật. Ngoài ra, điểm đặc biệt khi đưa lên nền tảng số là các vị trí cũng như hiện vật được liệt kê dưới dạng danh sách, để người dùng có thể truy cập nhanh khu vực muốn tham quan. Đồng thời du khách có thể lắng nghe thuyết minh kết hợp âm thanh, tạo nên một chuyến tham quan sống động và đáng nhớ.
Theo kiến trúc sư Đinh Việt Phương - người trực tiếp tham gia chế tác, sản xuất các sản phẩm sa bàn vật lý, 3D mapping và phim 3D cho dự án số hóa di sản tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự: “Công nghệ số có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và chế tác hiện vật lịch sử. Không dừng lại ở đó, nó còn giúp con người có thể tiếp cận di sản từ xa, quảng bá, lan tỏa các giá trị di sản. Tuy nhiên bảo tàng ảo vẫn không thể thay thế được hoàn toàn, nhưng sẽ có vai trò quan trọng thôi thúc khách tham quan đến trải nghiệm thực tế, tiền đề thúc đẩy du lịch”.
Khái niệm “Bảo tàng số”, “Bảo tàng thông minh”, “Bảo tàng ảo” không còn xa lạ, tuy nhiên mức độ chuyển đổi thế nào và nội dung chuyển đổi còn tùy thuộc vào từng bảo tàng ở từng lĩnh vực, địa phương. Theo cơ quan chuyên môn nghiên cứu về Bảo tàng học, một số công nghệ tiêu biểu đang trở thành xu hướng cho công tác trưng bày là: công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual Reality) và công nghệ ảo tăng cường (AR - Augmented Reality).
Bằng những phần mềm, thiết bị, các hiện vật sẽ được tái dựng một cách sinh động, không gian tham quan ngoài đời, được hỗ trợ thêm hiệu ứng âm thanh, đồ họa, video để tối ưu hóa trải nghiệm.
Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự, chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã được mô phỏng thông qua hệ thống chiếu 3D, màn hình cảm ứng, công nghệ thực tế ảo. Điều này mang lại cho người dùng những trải nghiệm, tái hiện các trận chiến lịch cùng máy bay MIG 21, số hiệu 361 tham gia quá trình tác chiến và kết thúc bằng việc bắn rơi máy bay B52.
Không chỉ vậy, chiến thắng của quân đội Việt Nam trong trận chiến sông Lô năm 1947 được tái hiện qua mô hình khẩu pháo có tỷ lệ 1:1, phác họa chân thực không gian lịch sử. Đồng thời, sa bàn mô phỏng chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được thiết kế với công nghệ 3D Mapping, mang đến những trận đánh tại đồi Him Lam, A1... với hiệu ứng khói lửa sinh động. Đội ngũ công nghệ đã thực hiện công việc tỉ mỉ, tính toán từng chi tiết và thiết kế phần mềm phù hợp với câu chuyện lịch sử, không gian trưng bày.
Là một người trẻ tham quan tại bảo tàng, bạn Võ An Chi (20 tuổi), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Sự kết hợp giữa công nghệ và bảo tàng giúp cho tôi có một trải nghiệm đa giác quan. Thay vì chỉ quan sát các hiện vật từ xa, công nghệ cho phép tôi tương tác trực tiếp với chúng. Tôi có thể xoay mặt trống đồng để xem chi tiết các hoa văn trên đó, hoặc cùng "sống lại" những khoảnh khắc lịch sử quan trọng từ các trận chiến bằng công nghệ 3D như trận Bạch Đằng, khung cảnh chiếc xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập…”
Có thể nói,việc ứng dụng công nghệ hiện đại ở lĩnh vực bảo tàng, di sản là vô cùng cần thiết trong thời đại số. Sự chuẩn hóa hệ thống dữ liệu hiện vật sẽ giúp các bảo tàng có thể kết nối, chia sẻ thông tin thuận lợi, hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn sự kết nối giữa di sản với du lịch ngày càng mạnh mẽ và mang về nguồn thu đáng kể, số hóa bảo tàng sẽ góp phần tạo nên trải nghiệm thuận tiện, dễ chịu cho du khách.
Phản hồi