Nền tảng tinh thần của người Sán Dìu
Sọong Cô không chỉ là làn điệu dân ca đặc sắc, mà còn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Theo ngôn ngữ Sán Dìu, "soọng" có nghĩa là hát, "cô" có nghĩa là ca. Loại hình âm nhạc này có lịch sử ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng. Năm 2018, Sọong Cô đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Đây là loại hình dân ca đặc sắc do chúng không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh, cũng như môi trường diễn xướng. Sọong Cô có thể hát trong một đêm hay nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làng khác để hát giao lưu, xuất hiện trong những lời ru, những lúc nông nhàn, thậm chí cả khi lao động sản xuất,…
Trước đây, Sọong Cô được bảo tồn bằng phương pháp truyền miệng. Trẻ em đồng bào dân tộc Sán Dìu lớn lên bằng giai điệu Sọong Cô bên trong những lời ru của cha mẹ. Sau đó, những giai điệu này thấm dần vào máu thịt của những người con Sán Dìu. Sọong Cô xuất hiện trong các dịp lễ hội, khi lao động sản xuất, trong tình đôi lứa, thậm chí cả trong giấc ngủ của người Sán Dìu,…
Nghệ nhân ưu tú Trần Thái Bình (Phó chủ nhiệm CLB Soọng Cô xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bộc bạch: “Ngày xưa, nghe mẹ hát ru, lớn dần thì theo trai làng đi hát ở hội, sau đó thì hát đối đáp. Buổi tối, một tốp nam sang nhà chủ có quen biết để ăn cơm, sau đó nhà chủ mời một tốp nữ trong làng đến hát đối. Có khi hát từ tối đến sáng, nhà chủ phải dậy nấu xôi cho ăn mới có sức hát tiếp. Hát đến sáng thậm chí 1-2 ngày mới về…”
Soọng Cô là làn điệu dân ca mà không phải ai cũng có thể hát được. Trẻ em từ 8 - 13 tuổi chỉ được hát cóng (hát đọc kéo dài âm lời). Những ai trên 15 tuổi mới có thể hát ênh, nâng cao hơn nữa là hát ễnh. Cùng 1 lời bài hát nhưng hát cóng chỉ mất 2 phút để hoàn thành bài nhạc, với hát ênh là 4 phút, còn hát ễnh là 8 phút. Sau khi thấm nhuần được lối hát Soọng Cô thì người hát mới được hát đối đáp, hát ứng ca, hát giao duyên.
Hát giao duyên là một biến thể mới của hát Soọng Cô. Đầu thế kỷ 19, người Sán Dìu có cơ hội để tiếp cận với văn hoá Latinh và sáng tạo nên hình thức hát giao duyên. Đến nay, hát giao duyên vẫn được duy trì, phát triển và sáng tác thêm nhiều bài hát sát với đời sống thực tại của người dân. Kiểu hát này được viết dưới hình thức lục bát để có thể tạo vần, nhịp cho người hát. Tuy nhiên, lời bài hát Soọng cô theo lối cũ được viết dưới dạng thất ngôn tứ tuyệt. Đến nay, Soọng Cô đã có hơn 1500 bài hát. Trong đó, 1000 bài theo lối cũ và hơn 500 bài đã được sáng tác thêm.
Không chỉ độc đáo trong lối hát, cách hát mà trang phục trình diễn Soọng Cô cũng rất đặc biệt. Với người diễn nam, trang phục chỉ bao gồm: áo nâu, quần nâu, dép guốc, dép cao su, mũ nồi, khăn đội… Nhưng với nữ thì cầu kỳ hơn rất nhiều với trên 10 loại phụ kiện đi kèm như: yếm, áo, xà tích, vòng tay, cạp chân, khuyên tai,…
Nguy cơ mai một
Xa xưa, người đồng bào dân tộc Sán Dìu lớn lên bằng tiếng mẹ đẻ từ những câu chuyện, từ những giai điệu Soọng Cô của ông bà, cha mẹ. Cái hay, cái đặc sắc của loại hình dân ca này đến từ những âm điệu của tiếng đồng bào dân tộc Sán Dìu. Nhưng chính tiếng mẹ đẻ cũng đang là rào cản vô hình ngăn khán giả tiếp cận với loại hình dân ca này.
Theo ông Lê Đại Năm (Chủ nhiệm CLB Soọng Cô Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc): “Hơn 30 năm trở về trước, số người Sán Dìu biết tiếng mẹ đẻ chỉ còn khoảng 70% và người biết Soọng Cô cũng chỉ còn hơn 20%, chủ yếu là người già và người trung tuổi. Nhưng đến nay, số trẻ em không biết tiếng mẹ đẻ đã chiếm hơn 60%, và chỉ 1% là biết hát Soọng Cô…”
Nói tiếng Sán Dìu đã khó, thể hiện làm sao để ra được cái hồn của Soọng Cô lại càng khó hơn. Hiện, loại hình dân ca này chỉ được trình diễn ở các dịp lễ hội chứ không còn đi vào lao động sản xuất như thời gian trước đó.
Ngoài ra, những bài hát Soọng Cô được ghi lại phần nhiều bằng tiếng Nho. Nếu không phải là người có kiến thức về chữ Nho thì rất khó có thể đọc được lời bài hát chứ chưa nói đến việc hiểu và trình diễn được. Đây cũng là một trong số những rào cản lớn đối với việc tiếp cận Soọng Cô.
Từ trong các cuộc kháng chiến, đã có những dấu hiệu cho thấy rằng nếu không được quan tâm đúng mức, Soọng Cô sẽ chỉ còn là loại hình dân ca còn tồn tại trong tâm thức của một số đồng bào Sán Dìu. Ông Năm cho biết: “Ngày xưa đi kháng chiến, không quen ai nên không thể hát được. Cái Soọng Cô này, phải biết nhau thì mới đối đáp được, mà biết nhau nhưng đối phương không biết hát thì cũng chịu không thể hát được…”
Từ năm 1985-1993, Soọng Cô rơi vào thời kỳ suy thoái sau chiến tranh biên giới phía bắc. Thời gian này, người người nhà nhà tập trung lao động sản xuất để phục hồi, phát triển kinh tế. Khi cái bụng chưa no, thì rất khó để người dân có thể nghĩ đến việc bảo tồn những giá trị văn hoá như dân ca Soọng Cô.
Từ đó, những câu lạc bộ được tổ chức nhằm bảo tồn và phát triển những giá trị vốn có của Soọng Cô cũng không thu hút được nhiều người tham gia. Điều này cho thấy, không chỉ bởi những nguyên nhân khách quan như kháng chiến, điều kiện kinh tế mà kể cả sau khi đã ổn định, chính những đồng bào dân tộc Sán Dìu cũng không còn mặn mà với Soọng Cô như thời gian trước.
Nỗ lực bảo tồn
Bằng tình yêu, sự đam mê, ông Năm đã dành nhiều công sức, tiền bạc của bản thân để hoàn thành công trình nghiên cứu về văn hoá dân tộc Sán Dìu. Ngoài nghiên cứu, ông cũng xây dựng những lớp học Sọong Cô, động viên trẻ em trong vùng đi học.
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Năm đã xây dựng phương pháp giảng dạy hiệu quả qua sách do ông tự viết và biên soạn. Ông cho biết: “Ban đầu, người học cần bắt đầu với những âm Sán Dìu dễ, sau đó đến những âm khó hơn từ 2-4 âm, tiếp theo là những câu chuyện ngắn nhằm thư giãn. Ngoài ra, những câu danh ngôn bằng tiếng Sán Dìu nhằm dạy các em làm người, cuối cùng mới đến các bài hát để tạo hứng thú cho các em, tránh gây quá tải…”
Hiện tại, những tài liệu này được ông Năm gửi cho nhiều địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Điều đặc biệt là mọi chi phí triển khai nghiên cứu đều do ông Năm bỏ tiền túi để đầu tư.
Ngoài ra, CLB Soọng Cô Đạo Trù cũng đã tổ chức những lớp học miễn phí cho trẻ em địa phương. Ông Năm đã chỉ đạo các tổ trực thuộc CLB vận động các em trên địa bàn theo học. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà lớp học hiện không thu hút được nhiều trẻ em theo học.
Nếu thầy giáo bình thường được nhận học phí từ học sinh, thì thầy Năm phải bỏ tiền túi và đồ ăn để vận động các em đến lớp. Một phần chi phí mở lớp là nguồn xã hội hóa, được chính những người dân quyên góp để triển khai. Các lớp học chỉ được tổ chức vào khoảng thời gian 3 tháng hè và tổ chức thường xuyên vào chủ nhật hàng tuần.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được những giá trị mà ông Năm mang lại. Nhiều người phản đối khi ông mang “tiền nhà” đi lo “việc làng”. Ông Năm cho biết: “Hàng xóm hay thậm chí người nhà, bảo tôi là ‘vô công rồi nghề’, hay là ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’… nhưng chịu thôi, người ta nói đúng mà…”
Trong những nỗ lực đổi mới để mang Soọng Cô đến gần hơn với khán giả, bản thân ông Năm cũng đã có những thay đổi để Soọng Cô phù hợp hơn với cuộc sống hiện tại. Ông đã tự tay viết và biên soạn nhiều bài hát về đường lối, chính sách của Đảng nhằm tuyên truyền cho những đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Ngoài ra, ông cũng lồng nhạc để Soọng Cô không bị khô và phù hợp với thị hiếu khán giả hiện nay. Không những vậy, để tiếp cận với đại bộ phận công chúng, ông Năm đã dịch nhiều câu hát sang tiếng Kinh làm cho bài hát có sự hòa quyện giữa đặc sắc của văn hoá Sán Dìu (tiếng mẹ đẻ) và cái chung của đại bộ phân công chúng (tiếng Kinh).
Không những vậy, ông Năm còn xây dựng nhiều kênh tiếp cận trên các nền tảng số nhằm tăng độ nhận diện cho dân ca Soọng Cô. Tuy nhiên, hiện hiệu quả tiếp cận không cao, khiến cho công tác truyền thông Soọng Cô đã vấp phải nhiều khó khăn.
Chính quyền địa phương huyện Tam Đảo cũng đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm giữ lại cái hồn của dân tộc Sán Dìu. Ông Vũ Huy Cường (Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Tam Đảo cho biết: “Hiện nay, địa phương cũng đã hỗ trợ kinh phí các câu lạc bộ trong việc tổ chức giao lưu các câu lạc bộ, truyền dạy, mua trang phục… Trong các đại hội Đảng bộ đã đề cập đến việc đưa nét đẹp văn hoá của dân tộc vào trong giảng dạy. Những phương pháp này ban đầu đã có hiệu quả, đặc biệt là bộ sách của nghệ nhân Đại Năm…”
Tuy nhiên, theo ông Năm đánh giá, những nỗ lực này hiện không đạt được hiệu quả cao. Bằng chứng là hiện chỉ có khoảng 35/7000 em, tương đương với 0,5% trẻ em theo học lớp học về tiếng nói và dân ca Soọng Cô. Điều đó cho thấy rằng, dù đã có những nỗ lực trong công tác bảo tồn nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. “Vẫn chỉ như muối bỏ bể”, Nghệ nhân nhân dân Đại Năm đánh giá.
Phản hồi