Danh mục Chủ Nhật, 08/09/2024

Chuyên đề \

Người trẻ “hồi sinh” cổ phục Việt

21:49 12-06-2024
Những năm gần đây, trào lưu mặc và phục dựng cổ phục đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới trẻ. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy người trẻ ngày càng có ý thức tìm hiểu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Kết nối với quá khứ

Suốt một thời gian dài, nhắc tới cổ phục Việt, hầu hết giới trẻ chỉ biết đến áo dài. Trong khi đó, kho tàng cổ phục nước ta rất đa dạng, phong phú, mang đậm dấu ấn, bản sắc của từng thời kỳ lịch sử như áo Tấc, Nhật Bình, Ngũ thân, Giao Lĩnh, Phượng bào triều Nguyễn… dường như lại đã bị lãng quên. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, với nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những người trẻ yêu lịch sử và văn hóa dân tộc, cổ phục Việt đang dần “hồi sinh” và được giới trẻ đón nhận một cách tích cực.

Hiện nay, có rất nhiều MV ca nhạc được thực hiện theo phong cách cổ trang như “Anh ơi ở lại” của Chi Pu dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám với trang phục cung đình; “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy lấy cảm hứng kịch bản và tạo hình từ chuyện tình của Nam Phương Hoàng Hậu; tiếp tục một sản phẩm khác của Hòa Minzy là “Thị Mầu” với bộ áo tứ thân; MV dựa trên câu chuyện Chí Phèo - “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc với trang phục áo dài khăn đống,...

Tạo hình với cổ phục theo nguyên mẫu Nam Phương Hoàng Hậu của Hòa Minzy trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”. (Ảnh: Internet) 

Hầu hết những MV này đều có lượt xem rất cao và nhận được đánh giá tích cực từ khán giả. Không chỉ mang giá trị nghệ thuật, những sản phẩm như trên đã cho thấy ý thức, thái độ của những nghệ sĩ trẻ trong việc tìm hiểu, tôn vinh và quảng bá văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc.

Không chỉ dừng lại trong các sản phẩm nghệ thuật, nhiều bạn trẻ tự tin diện cổ phục để xuống phố, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hay chụp ảnh kỉ niệm, ảnh kỉ yếu, hoặc thậm chí là ảnh cưới,... Cùng tập thể lớp chọn mặc cổ phục trong buổi chụp kỷ yếu cuối năm, bạn Minh Hiền (18 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Lớp em quyết định chụp kỷ yếu với cổ phục vì đây đang là một trào lưu rất hot của giới trẻ. Em thấy cổ phục rất đẹp vì nó khiến em trở nên thanh thoát và duyên dáng hơn. Em mong muốn mọi người có thể biết đến và hiểu hơn về cổ phục vì nó mang những nét văn hóa truyền thống ý nghĩa của Việt Nam.”

Minh Hiền và tập thể lớp chọn mặc cổ phục trong buổi chụp kỷ yếu. (Ảnh: NVCC) 

Hướng tới tương lai

Người trẻ thể hiện tình yêu với cổ phục không chỉ bằng cách khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mà họ còn đam mê nghiên cứu, tìm cách phục dựng lại cổ phục Việt. Tuy nhiên, việc phục dựng cổ phục gặp không ít những khó khăn khi hầu hết nguồn tư liệu tham khảo đã bị mai một hoặc mất đi theo thời gian. Việc tìm kiếm nguyên vật liệu vật phù hợp hay sản xuất những chi tiết hoa văn trên trang phục cũng đòi hỏi kỹ thuật cao và sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng khâu thực hiện. 

Khó khăn là vậy, nhưng bằng đam mê với truyền thống văn hóa dân tộc, nhiều bạn trẻ đã quyết tâm phục dựng lại cổ phục Việt và dần đạt được những thành tựu nhất định, góp phần đưa cổ phục “sống lại” và đến gần hơn với công chúng. Tiên phong trong phong trào phục dựng cổ phục phải kể đến nhóm Đại Việt Cổ Phong. Từ một diễn đàn trực tuyến ra đời vào năm 2014, Đại Việt Cổ Phong hiện có hơn 200.000 thành viên trên fanpage của nhóm, là nơi tập hợp nghiên cứu, trao đổi của các bạn trẻ đam mê văn hóa cổ Việt.

Nhóm “Đại Việt Cổ Phong” nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ với hơn 200.000 thành viên trên facebook. (Ảnh: Đại Việt Cổ Phong) 

Đại Việt Cổ Phong đã tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng đam mê cổ phục với việc phục dựng được trang phục của người Việt thời Lê và Nguyễn - áo Giao Lĩnh; thực hiện thành công nhiều dự án như “Việt Nam cổ phục”, “Hoa văn Đại Việt”, xuất bản được khoảng 250 mẫu hoa văn cổ có tính ứng dụng cao,...

Một nhóm các bạn trẻ nghiên cứu cổ phục khác đang tạo được nhiều dấu ấn trong thời gian gần đây là Great VietNam. Vốn là những “tay ngang” trong nghề, sau thời gian tìm hiểu về cổ phục, nhóm nhận thấy có một số bộ cổ phục được phục dựng theo hướng mô phỏng không hoàn toàn chính xác so với bản gốc. Great Vietnam đã thực hiện nhiều nghiên cứu, đối chiếu với các nguồn tư liệu khác nhau. Từ khâu chọn nguyên liệu đến thực hiện các kỹ thuật thêu, dệt vải, nhuộm vải, nhóm đều tìm đến những làng nghề truyền thống lâu đời như Vạn Phúc, Bưởi, Nam Cao,... để có thể tái hiện lại chính xác nhất trang phục cổ xưa.

 Great Vietnam tái hiện trang phục của triều Nguyễn. (Ảnh: Great Vietnam)

Chị Nguyễn Thị Duyên (43 tuổi, Hà Nội) chuyên thiết kế và may đo áo dài tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chia sẻ: “Người làm nghề như chúng tôi rất vui khi những bạn trẻ bây giờ có ý thức tìm hiểu và phục dựng lại những bộ trang phục truyền thống. Tôi đánh giá cao sự tỉ mỉ, tìm tòi và nhiệt huyết của các bạn với cổ phục dân tộc.”

Bên cạnh việc phục dựng, một số nhóm bạn trẻ dựa trên nguyên mẫu sẵn có để cách tân những bộ cổ phục, giúp chúng vừa mang vẻ đẹp cổ điển, truyền thống, vừa mang hơi hướng trẻ trung, hiện đại, phù hợp với xu thế thời trang chung. Dẫn đầu trong xu hướng này chính là thương hiệu thời trang cổ phục cách tân nổi tiếng V’style với hơn 90.000 người theo dõi trên Facebook. Đúng với sứ mệnh hoạt động là đưa những hoa văn, trang phục theo phong cách Việt xưa trở lại phổ biến hơn trong đời sống hiện nay, V’style đã cho ra mắt rất nhiều sản phẩm cách tân độc đáo, đẹp mắt và thu hút giới trẻ.

Trang phục áo giao lĩnh cách tân do V’Style thiết kế được nhiều bạn trẻ yêu thích vì có tính ứng dụng cao. (Ảnh: V’Style) 

Dù bằng những cách làm khác nhau, nhưng những người trẻ đam mê cổ phục Việt đều mong muốn gìn giữ và đưa cổ phục đến gần hơn với tất cả  mọi người, như một cách để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

 
Thanh Huyền - MĐT41

Phản hồi