Những bữa trưa “cầu kì”
Bữa trưa cầu kì, không phải vì nguyên liệu hay cách chế biến. Lý do chính đến từ việc nấu ăn bằng bếp củi tốn nhiều thời gian và công đoạn: gom củi, nhóm bếp… Mỗi ngày, thầy cô mất từ 2-3 tiếng để hoàn thành bữa trưa cho học sinh, ảnh hưởng nhiều đến thời gian và chất lượng giảng dạy trên lớp.
Bên cạnh đó, nấu ăn bằng củi phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Vào mùa mưa, củi ẩm ướt sử dụng đốt rất khó và mất nhiều thời gian. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, khói từ củi đun cũng là nguy cơ khiến các em học sinh mắc hen, phế quản, suy tim mạch, đục thủy tinh thể và ngộ độc khí
Trong nhiều năm qua, dự án quyên góp “Nuôi em” - nuôi cơm trưa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã hỗ trợ kinh phí về thực phẩm cho các trường học vùng cao. Tuy nhiên, cơ sở vật chất sơ sài vẫn đang là yếu tố cản trở quá trình mang những bữa cơm tới các học sinh tại các điểm trường.
Tháng 12/2020, qua khảo sát tình hình thực tế, các anh, chị nuôi trong dự án “Nuôi em” đã đề xuất việc hỗ trợ bếp ga công nghiệp cho các điểm trường giúp việc nấu nướng trở nên nhanh và dễ dàng hơn, cải thiện tinh thần của cô trò nơi vùng cao. Từ nền tảng đó, dự án quyên góp “Bếp gas công nghiệp tặng bản xa” được nhen nhóm và phát triển như ngày hôm nay.
Gập ghềnh đường đưa bếp gas về bản
Khởi nguồn dự án, nhóm phụ trách đã thử nghiệm lắp và sử dụng bếp tại một số điểm trường. Bước đầu của đội vận hành cũng gặp rất nhiều khó khăn, điển hình như chi phí cao, địa hình điểm bản khó di chuyển, đảm bảo an toàn cháy nổ…
Chị Thu Hương - chủ nhiệm dự án “Bếp gas công nghiệp tặng bản xa” bày tỏ: “Vì những yếu tố không thuận lợi, sau 4 năm triển khai, dự án mới lắp được 50% số bếp gas so với dự kiến. Chi phí để lắp bếp không quá tốn kém, tuy nhiên việc duy trì thay gas khá cao. Cả đội phải đề ra những định mức sử dụng đối với từng địa điểm, tùy theo số lượng học sinh. Theo tôi, đây là bài toán nan giải nhất với cả nhóm dự án.”
Tuy nhiên, với mong muốn thầy cô cùng các em học sinh được chuyên tâm với nhiệm vụ dạy và học, đội vận hành vẫn hàng ngày tìm kiếm giải pháp để tối ưu thời gian và chi phí lắp đặt. Những điểm trường đang chờ được lắp bếp không phải là cản trở, đối với chị Hương, đó là động lực và thách thức để cả đội cố gắng nữa mang đến nhiều hơn những bộ bếp trao tặng cho các trường bản xa.
“Nấu cho em ăn, em lấy sức nhặt từng con chữ”
Sau nhiều năm triển khai, dự án đã tiếp cận tới hàng trăm điểm trường tại các tỉnh vùng cao như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Gia Lai… mang đến những bữa cơm đảm bảo với thời gian được rút ngắn, giúp thầy cô và các em học sinh chuyên tâm với việc dạy và học.
Với nỗ lực của cả nhóm dự án, chị Hương cho biết món quà hạnh phúc nhất là được nhận những hình ảnh của thầy cô và các em học sinh gửi đến: “Thầy cô còn sáng tạo chụp ảnh đang bê bếp, đang nấu bếp mới. Tâm trạng vui vẻ, thoải mái của thầy trò trên bản xa chính là niềm tự hào của đội ngũ vận hành.”
Trong năm học mới 2024-2025, “Bếp gas công nghiệp tặng bản xa” mong muốn có thể lắp đặt bếp cho tất cả các điểm trường đang nhận hỗ trợ từ dự án “Nuôi em”, dự kiến tiến hành ở 500-600 điểm. Song song, đội vận hành vẫn sẽ hỗ trợ các thầy cô về chi phí sử dụng gas.
Chị Hương cho rằng, để dự án “Bếp gas công nghiệp tặng bản xa” lan tỏa, lớn mạnh, không thể không kể đến sự chung tay của toàn xã hội: “Với các dự án nói chung trong hệ sinh thái “Nuôi em”, một cộng đồng vài chục nghìn anh chị nuôi có thể hỗ trợ cho gần 100.000 các em nhỏ trên cả nước. Tôi tin tưởng sức mạnh của đồng bào Việt Nam không hề thua kém một quốc gia nào, nhất là với những dự án hỗ trợ trẻ em.”
“Bếp gas công nghiệp tặng bản xa” là dự án con thuộc hệ sinh thái “Nuôi em”, ra đời với mục đích chính là hỗ trợ thầy cô nấu bữa ăn trưa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa. Dự án gây quỹ với mỗi 3.750.000 đồng sẽ dành tặng 1 bếp Gas công nghiệp và 1 bình gas cho thầy cô cắm bản, cùng với đó là chi phí sử dụng gas trong 01 năm học (450 nghìn/1 bình gas - sử dụng cho 20-30 học sinh.) |
Phản hồi