Danh mục Thứ Sáu, 29/03/2024

Chuyên đề \

Làng nghề truyền thống sẵn sàng “vượt khó” lần 4 Covid-19

13:45 06-06-2021
Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự phát triển của các làng nghề truyền thống Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong đó không thể không kể đến những khó khăn của làng nghề truyền thống như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) vốn được coi là điểm đến hấp dẫn của du khách. 
Cổng chào làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. 

 

Những ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mọi người hạn chế việc đi du lịch do dịch bệnh, hầu hết các các gian hàng hai bên đường và trong chợ của làng lụa Vạn Phúc đều vắng tanh. Hàng loạt các xưởng dệt đều đóng cửa, chỉ còn một số gian hàng vẫn cố gắng mở cửa bán hàng nhưng chủ yếu là bán hàng online vì vắng khách.

 

 

 

Vốn là cái nôi gấm lụa của Việt Nam – làng lụa Vạn Phúc đang được giữ gìn và phát huy, trở thành một  điểm đến hấp dẫn cả du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng khi dịch bùng phát đã cản trở và ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hoá khiến cho công việc bị đình trệ, cầm chừng và không có du khách đến tham quan. Các đầu mối bán hàng trong nước giao dịch cũng rất chậm, những đơn đặt hàng từ nước ngoài thì bị chững lại. Công nhân nghỉ làm gần hết, sản lượng làm ra rất thấp.

 

 Sản phẩm từ lụa đầy ấn tượng được tạo nên bằng những bàn tay “lão làng”.

 

Chị Nguyễn Thị Hoa - chủ của một cửa hàng bán trang phục làm từ lụa cho biết: “Việc bán hàng trong thời gian dịch thực sự rất chán, vì không có khách du lịch nên hàng hóa không bán được”. Dịp lễ 30/4 – 1/5 là dịp mọi người ở đây rất trông mong du khách trở lại, cửa hàng nào cũng đều bày bán hàng hoá để đón khách nhưng dịch lại bùng phát trở lại khiến họ trở tay không kịp, hàng bày ra mà không có khách mua, thậm chí giảm giá sâu 50-70% trên một sản phẩm cũng không có khách mua. Từ đợt đó đến giờ cũng chẳng ai bày bán hàng nữa.

 

Những chiếc máy dệt tạm ngừng hoạt động do dịch. 

 

Người dân sinh sống ở đây cho hay, vào những ngày trước đây hay vào các dịp lễ tết, một số hộ có máy tự dệt hoặc những xưởng chuyên dệt lụa tơ tằm hoạt động rất năng suất, tiếng khung cửi dường như là âm thanh đặc trưng chỉ có ở nơi đây. Thế nhưng, dịch ập tới, một số hộ dệt nhỏ không còn hoạt động đều đặn như bình thường, tiếng máy thưa thớt dần.


Khách tham quan làng Vạn Phúc cũng vãn hơn, không còn cảnh tấp nập người qua lại, người xem hàng nữa. Những món hàng từ lụa mỗi ngày được bỏ ra, cất vào trong sự buồn bã của những chủ cửa hàng. Vốn là điểm thu hút khách du lịch bởi những nét trang trí độc đáo, tươi tắn, trẻ trung từ những chiếc ô trải dài khắp đường đi, âm thanh sống động của khung cửi, người qua lại, tiếng xe cộ ồn ào... Nhưng thời điểm COVID 19 “ghé thăm” là thời điểm nơi đây nhuốm một màu tâm trạng buồn bã. Khung cửi của một số hộ dân gác lại trong thầm lặng. Người dân đi lại hạn chế hơn vì lệnh giãn cách, xe cộ cũng không còn ồn ào. Trên những gương mặt vốn tươi tắn, hồng hào của những người bán hàng đã thấm đẫm những nét u sầu, thể hiện tràn trề những sự thất vọng khi các sản phẩm được bày bán mà không còn ai “ngó ngàng” tới nữa. Nhiều hộ dân nơi đây cũng bày bán các mặt hàng do mình sản xuất lên các trang Facebook, Zalo… hoặc những trang mua bán Thương mại điện tử như Shopee, Lazada nhưng lượng tiêu thụ hàng hóa cũng chẳng đáng là bao.


Nhưng với tâm thế sẵn sàng chiến thắng đại dịch, các chủ cửa hàng luôn trang bị đầy đủ kiến thức về đại dịch cũng như trang bị các phương án, trang thiết bị như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, để dù là chỉ 1-2 khách vào xem hàng, mua hàng cũng được khử khuẩn, không làm lây lan dịch bệnh. Bởi khoảng cách từ Làng Vạn Phúc tới Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (ổ bệnh COVID mới được phát hiện) là không bao xa, khả năng lây lan dịch bệnh khá cao.. Các nguồn nguyên liệu, nhân lực làm việc cũng được sắp xếp và bố trí hợp lý, đáp ứng đúng quy định 5K của Bộ Y tế, tránh tập trung sản xuất đông người, giữ đúng khoảng cách giữa người với người.Với ý thức đó, mọi người dân nơi đây đã giảm thiểu đáng kể khả năng phát tán bệnh, đảm bảo sức khỏe an toàn cho cả bản thân, khách hàng và cả nguồn nhân lực phát triển. Có thể thấy, làng nghề truyền thống Lụa Vạn Phúc luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu và “vượt khó” để đầy lùi virus COVID 19.

 

 Người nghệ nhân dệt một mình bên khung cửi.

 

Có thể thấy trong bối cảnh chung của dịch bệnh như hiện nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của làng lụa Vạn Phúc nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Khách tham quan vãn dần, người dân không bán được hàng. Kinh tế làng lụa ngày một đình trệ, cuộc sống người dân tuy không phải khó khăn nhưng ít nhiều cũng mang đến những nỗi khủng hoảng không hề nhỏ cho những hộ dệt tại nơi đây.

Tô Mộc Mộc

Phản hồi