Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Chuyên đề \

Nghệ nhân nhân dân Trần Thị Phụng - Nghệ nhân cuối cùng chơi Quan họ cổ

08:41 04-04-2024
Ở tuổi 102, điều cụ Phụng nuối tiếc không phải là giọng ca đã “héo như sắc thu tàn” mà vì không còn ai "chơi" Quan họ như xưa nữa.

“Chơi” Quan họ gần một thế kỷ

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” (102 tuổi), cụ Trần Thị Phụng (102 tuổi, Hoài Trung, Tiên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh) lưng đã còng, mái đầu đã bạc, gương mặt đã điểm những những vết đồi mồi. Mắt có thể kém, tai có thể hơi lãng và da có thể đã nhăn nheo, nhưng giọng hát “đặc sệt chất Diềm” của cụ vẫn còn vang và khỏe. Nếu không được trực tiếp thấy cụ mà chỉ nghe tiếng, nhiều người vẫn có thể nhầm tưởng cụ chỉ mới bảy mươi, tám mươi tuổi. Thời gian có thể bào mòn đi ngoại hình, giọng ca của cụ. Tuy nhiên, những ký ức về Quan họ trong cụ Phụng vẫn còn vẹn nguyên.

“Dạo này khỏe các anh ạ! Nhớ dạo trước tưởng về với Vua Bà rồi nên gọi Thắng (Dương Đức Thắng - CLB Quan họ Hoài Trung) tới đưa đưa cả quần áo, bao lưng, nón quai thao và mấy cái đồ đi chơi Quan họ về để cất giữ”, cụ cười bảo.

Từ khi còn rất nhỏ, cụ Phụng đã được nghe Quan họ vì cô ruột của cụ là một chị cả có nhà chứa Quan họ. Cụ Ngô Thị Nhi, người em họ và cũng là bạn hát cặp ăn ý với cụ Phụng sau này, được vinh danh là “Báu vật nhân văn sống”. Cụ “thấm nhuần” cái chất Quan họ đến mức Quan họ là cuộc sống của cụ.

Dù tuổi đã cao nhưng cụ Phụng vẫn còn minh mẫn, những mảnh ký ức về Quan họ vẫn còn vẹn nguyên. (Ảnh: Minh Toàn)

Khoảng 14 tuổi, cụ và em gái đã được theo các chị trong nhóm đi chơi Quan họ. Mỗi tối, mười mấy chị em trong nhóm đến nhà cụ Nhi để ngủ qua đêm và tập hát cùng nhau. Nhóm của cụ đã kết bạn ở dưới Bịu Sim (Hoài Thị). "Hễ cứ có công việc gì là lại rủ nhau hát, chủ yếu là hát canh theo lề lối suốt mấy ngày mấy đêm cho đến khi hội tan mới về. Thời đó, mấy chị em chúng tôi rời làng chỉ đi tới Hoài Thị thôi. Ngoài ra thì chẳng đi đâu hết", cụ Phụng chia sẻ.

Sau này khi lập gia đình, chồng cụ không phải là người chơi Quan họ nhưng cũng không cấm cản gì. Cụ nói rằng người chơi Quan họ quý mến nhau nhưng không được phép kết hôn, vì nếu như vậy thì không thể hát được nữa, nên không có gì để chồng con phải lo lắng.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là sau nhiều năm đầu ấp tay gối, cụ Phụng biết rằng mình không thể sinh được con, liền sắm sửa trầu cau, đích thân đi hỏi cưới vợ bé cho chồng. Bà hai sinh được ba người con, nhưng lại vụng về, nên các con đều được cụ Phụng nuôi lớn. Vì vậy, ba người con ấy luôn coi cụ như mẹ đẻ.

 Căn nhà cổ của cụ Phụng nằm sâu trong một con ngõ tại Làng Diềm. (Ảnh: Minh Toàn)

Trong những năm tháng chiến tranh, có lúc phải đi tản cư, nhưng cụ không bao giờ bỏ Quan họ. Tay nải của cụ lúc nào cũng đầy ắp những nhạc cụ quen thuộc cho các màn trình diễn Quan họ. Mặc dù không thể đi chơi Quan họ, nhưng mấy chị em vẫn hát với nhau. Mạch nguồn Quan họ vì thế cũng không thể đứt rời.

Năm 1957, tiếng súng đã dần bớt, câu hát Quan họ được cất vang trở lại, cụ Phụng được Viện Âm nhạc mời sang để thu âm các bài Quan họ, dù mới chỉ 34 tuổi - điều không phải nghệ nhân cùng thời nào cũng vinh dự có được. Các anh chị được mời đi cùng cụ Phụng, chủ yếu là những nghệ nhân lớn tuổi, những bậc tiền bối, bậc cha chú của cụ Phụng. Những tài liệu ghi chép về cụ đã có từ những năm 1956 và hiện tại vẫn còn được anh Dương Đức Thắng (CLB Quan họ Hoài Trung) lưu giữ tại "Phòng trưng bày Quan họ xưa và nay" tại Hoài Trung.

Đã xa cái thời đẹp đẽ…

Thấm thoát đã gần 100 năm, cụ Phụng được hít thở trong bầu không khí của Quan họ, cụ hiểu hơn ai hết những tinh hoa của việc hát Quan họ. Cụ cho biết, Quan họ là lối chơi cao sang, nghĩa tình, lịch lãm bậc nhất.

Năm 2009, khi Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân Trần Thị Phụng là một trong số ít những liền anh, liền chị am hiểu và có khả năng hát Quan họ theo lối cổ (chơi theo nhóm). Ở tuổi 102, cụ Phụng là người duy nhất còn sót lại từ thế hệ nghệ nhân Quan họ thuở ấy.

Cụ Phụng là người nghệ nhân cuối cùng có thể “chơi” Quan họ cổ. (Ảnh: NVCC) 

Dù tuổi cao và giọng hát không còn vang như xưa, nhưng trong trái tim cụ vẫn luôn ấp ủ niềm tiếc nuối về "cái thời đẹp đẽ ấy" đã xa. Cụ trăn trở về sự mai một dần dần của lối hát Quan họ cổ truyền và trăn trở khi không có người kế thừa xứng đáng.

Bài Quan họ "Sông rồi sông lại sang sông" theo lời cổ: "Sông rồi sông lại sang sông/ Bắt con đò kẻ cháy sang sông sáu đầu/… Em kể cái doan sự tình, cho đôi ba người nghe/ Cái cỗ sênh tiền, em đóng bằng tre/ Trên thì gỗ táu, dưới đè tấm ván gỗ lim…" hiện chẳng mấy người biết hoặc hát theo kiểu mới, chứ kiểu như cụ thì không còn ai hát được. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy việc sự hưng thịnh của Quan họ cổ đang dần đi đến hồi kết.

Cụ Phụng cả đời biết mấy trăm bài, "bây giờ già rồi cũng quên khối", nhưng nếu có người bên cạnh nhắc cho thì có khi hát tới ba ngày ba đêm vẫn chưa hết. “Ca đến đâu thì nhớ đến đấy, chứ một lúc thế này sao mà nhớ nổi”, cụ Phụng cười nói.

Anh hai Thắng ngồi bên cạnh là người thân tình lâu năm với cụ nên biết nhiều chuyện. Anh Thắng gợi chuyện đến đâu, cụ nhớ lại và kể tới đó. Càng kể, cụ càng cười nhiều hơn, như được sống lại những năm phồn thịnh nhất của Quan họ.

Thuở ấy, những người như cụ Phụng cứ đi chơi Quan họ là chơi tới vài ba ngày. Chẳng những hát mà còn tâm tình, rồi hỏi thăm sức khỏe thầy mẹ. Hết hội, vài ba ngày sau vẫn cứ nhớ nhung, chẳng làm được gì. Có khi mà cầm cái muôi trên tay rồi lại đi tìm muôi. Mà nhớ nhung quá thì chúng tôi có một cái điểm hẹn ở phiên chợ, vờ là đi chợ thôi chứ mục đích chính là đi gặp bạn. Gặp rồi lại mời nhau về, sắp nước hát canh cả đêm tới sáng.

“Ngày ấy, các chị dạy bảo lễ nghĩa, nghiêm khắc lắm! Muốn nói chuyện với các anh hai thì phải ý tứ, nói một câu phải thưa gửi một câu, phải năm thưa mười dạ đấy. Ví dụ, bên muốn nói thì phải ‘Dạ, chúng em xin có nhời’. Rồi bên kia cũng lại đáp ‘Dạ, chúng em xin đỡ nhời’. Nguyên tắc của ngày xưa độc đáo, khó đấy, nhưng đã ngấm rồi, quen rồi thì rất dễ”, cụ Phụng cười. 

Cụ Phụng không chỉ là nghệ nhân nhân dân mà còn là “thầy” của nhiều nghệ sĩ Quan họ Bắc Ninh nổi tiếng. (Ảnh: Minh Toàn)

Trước đây, trong các bữa "cỗ Quan họ", Quan họ chủ thường không dám ngồi chung mâm với Quan họ khách. Lý do là vì họ e ngại rằng nếu ngồi chung, Quan họ khách sẽ ngại mà không dám ăn. Phong tục này khác biệt so với Quan họ ngày nay, nơi Quan họ chủ và khách ngồi đối diện nhau một cách thoải mái.

Trong bữa ăn, Quan họ chủ thường xuyên di chuyển xung quanh để quan tâm, hỏi han và chủ động mời Quan họ khách thêm đồ ăn nếu cần thiết. Khách mời, theo phép tắc, sẽ không bao giờ tự ý xin thêm. Tuy nhiên, thông thường, các món ăn trong mâm cỗ Quan họ đều được chuẩn bị đầy đủ và dư dả, thể hiện sự chu đáo và mến khách của gia chủ. Mâm cỗ thường có ba tầng, và hiếm khi có trường hợp ăn hết sạch một tầng nào.

Cuộc đời của nghệ nhân Vũ Thị Phụng gắn liền với niềm say mê vô bờ bến dành cho dân ca Quan họ. Âm hưởng Quan họ đã vang danh khắp năm châu bốn biển, và chính những câu hát mà cụ Phụng dày công truyền dạy đã góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ Quan họ Bắc Ninh đời đầu như Thúy Cải, Tự Lẫm, Minh Phức hay Quý Tráng.

Với những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc dân tộc, cụ Phụng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân (2011), Nghệ sĩ Nhân dân (2015) và Nghệ sĩ Nhân dân (2019). Không chỉ tự hào, cụ còn vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã dành cho mình, tạo điều kiện để cụ an hưởng tuổi già và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Quan họ.

Niềm đam mê âm nhạc và tinh thần truyền lửa cho thế hệ trẻ chính là động lực giúp cụ Phụng luôn giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân ca Quan họ. Câu hát của cụ sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau tiếp nối và gìn giữ di sản văn hóa độc đáo này.

Minh Toàn - BMĐT K41

Phản hồi