Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Chuyên đề \

Đam mê cả đời góp nên bộ sưu tập 500 nhạc cụ dân tộc

10:08 02-04-2024
Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 15km, tại làng Đông Lao, tồn tại một “bảo tàng” nhạc cụ dân tộc. Đây là nơi tụ họp quen thuộc của các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình dân ca khác nhau.

"Tới nhà tham quan mới thấy hết được cái hay của Tiến", đó là những gì soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng - Trưởng phòng Dân ca, Đài Tiếng nói Việt Nam nói khi PV dạm hỏi về anh Trần Đức Thành (43 tuổi, thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) hay thường gọi với cái tên Tiến Đông Lao. Cái "hay" mà soạn giả Mai Văn Lạng nói là sự quý trọng và nể phục dành cho anh Tiến Đông Lao, bởi tình yêu cháy bỏng của một người bình thường, giản dị đối với dân ca, nghệ thuật truyền thống nói chung và nhạc cụ dân tộc nói riêng.

Anh Tiến kể về quá trình tìm lại nhạc cụ bị thất lạc. (Ảnh: Minh Ánh) 

Bảo tàng 500 nhạc cụ

Gần 30 năm mày mò sưu tầm, bộ sưu tập nhạc cụ dân gian của anh Tiến “Sáo” đã lên tới hơn 500 nhạc cụ. Khởi nguồn từ hình ảnh nhạc cụ được vẽ tay bởi cậu bé 12 tuổi trên các tấm bìa carton, tới nay bộ sưu tập của anh đã được trưng bày bằng hiện vật hiện hữu khắp mọi ngóc ngách trong căn nhà ba tầng rộng chừng 60m2.

Không gian trong nhà được anh Tiến tận dụng triệt để để trưng bày nhạc cụ. Từ phòng khách, bậc cầu thang cho đến ô cửa nhà, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của các nhạc cụ truyền thống. Anh chia sẻ: “Nhiều lúc đi làm về mệt mỏi mà nhìn thấy nhạc cụ của mình ở nhà cũng thấy thoải mái hơn nhiều. Về vấn đề kinh tế thì nó cũng không mang lại lợi ích gì nhưng chủ yếu quan trọng ở sức mạnh tinh thần…”

Vách tường nhà anh Tiến được lấp đầy bởi các nhạc cụ do anh sưu tầm. (Ảnh: Minh Ánh) 

Để tạo dựng không gian trưng bày ấn tượng với số lượng nhạc cụ đồ sộ như hiện tại, anh Tiến đã nhận được nhiều món quà quý giá từ các thầy, các bạn đồng nghiệp. Đối với những nhạc cụ không thể mua được, anh tự mày mò chế tác, ví dụ như chiếc đàn T’rưng được hoàn thành vào 2 giờ sáng ngày mùng 1 Tết. Niềm đam mê và sự kiên trì của anh đã góp phần tạo nên sự độc đáo cho bảo tàng của mình.

Nhạc cụ là linh hồn, là lẽ sống của cậu bé 12 tuổi ngày đó cho tới bây giờ. Dù có nhận được bao nhiêu lời đề nghị mua nhạc cụ cổ với giá cao anh cũng không bán bởi đó là tâm huyết, là niềm tin của người tặng đối với anh.

Không gian trang trọng nhất ở tầng 2 được anh dành để trưng bày chiếc đàn nhị được cụ ngoại anh Tiến truyền lại cho dàn nhạc bát âm của làng. Cây đàn có tuổi đời 120 năm tuổi và đã từng bị thất lạc. Sau này, khi tìm lại được, anh luôn coi đó là báu vật gia truyền, dù trả giá cao đến đâu cũng không đành lòng bán đi.

Ngoài ra, anh Tiến đã thiết kế một không gian rất đặc biệt dành cho những “người bạn” đồng hành cùng anh trong sự nghiệp “phục vụ nhà Thánh”. Một giá treo hình khuông nhạc mà chính những chiếc sáo đã cũ hoặc không còn khả năng sử dụng được anh Tiến tận dụng làm nốt nhạc. Tính riêng bộ sáo phục vụ công việc hát chầu văn, anh Tiến đã có khoảng 20-30 chiếc.

Hơn 100 loại nhạc cụ đều được anh xếp ngay ngắn vào đúng loại hình nghệ thuật sử dụng hoặc của từng vùng miền. Từ tầng 1 lên tầng 3 là những khu vực trưng bày của các loại hình như chèo, cải lương, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật hát xẩm, hát chầu văn, nhạc cụ của người dân Tây Nguyên hay cả những nhạc cụ độc đáo của dân tộc Khmer như Rô-Niết-ek (đàn thuyền dẫn đầu), Rô-Niết-thung (đàn thuyền),...

Hơn 500 nhạc cụ là hơn 500 câu chuyện khác nhau. Có nhạc cụ được tặng, có nhạc cụ anh mày mò chế tác hàng tháng trời mới mô phỏng được, có loại tưởng chừng đã vĩnh viễn mất đi lại được tìm về nhờ sự vô tình. Có cái còn mới, có cái lên đến hơn 100 năm tuổi, tất cả đều là một phần không thể tách rời trong cuộc sống thường ngày của gia đình anh.

Đam mê sưu tầm nhạc cụ

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, bố mẹ đều không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng từ năm 12 tuổi, anh đã theo ông ngoại tham gia vào phường bát âm ở địa phương. Từ đó, cậu bé Tiến đã theo đuổi sự nghiệp “phục vụ nhà Thánh” rồi tiếp đó là phục vụ quê hương, phục vụ bà con khắp mọi miền Tổ quốc.

Anh Tiến khoe về bộ sáo theo anh trong các buổi làm việc. (Ảnh: Minh Ánh) 

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội với tấm bằng loại Giỏi, nhưng căn bệnh vôi hoá cột sống đã khiến chàng thanh niên không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành người nghệ sĩ . Dù căn bệnh vôi hoá cột sống ngăn cản giấc mơ chuyên nghiệp, nhưng anh Tiến  đã vượt qua trở ngại để tìm con đường mới trong hành trình gìn giữ và phát triển những tinh hoa của nhạc cụ dân tộc.

Đam mê sưu tầm là một phần, phần còn lại mang tính chất tâm linh. Anh Tiến bộc bạch: “Những nhạc cụ này tôi đều gọi là nhạc khí tâm linh. Chúng đều được các thầy, các anh em đồng đạo quý tặng sau một thời gian dài phục vụ ở các buổi lễ tại đình, đền. Anh em nghệ sĩ đã biểu diễn ở nơi tâm linh thì khi nó cũ hoặc hỏng nếu vứt đi thì không phải mà để tặng lại thì rất ý nghĩa”.

Hiện tại, ngoài tham gia các đoàn hát chầu văn, gia đình anh còn làm thêm hoa tươi phục vụ lễ hiếu, hỷ để trang trải cuộc sống. Dù ít hay nhiều, anh vẫn luôn dành một phần để phục vụ cho đam mê của mình. Anh Tiến cho biết: “Ví dụ mình làm được 10 phần thì dành 7 phần để chăm lo cho cả nhà, còn 3 phần sẽ dành cho bộ sưu tập nhạc cụ”.

Nhà hát chèo Quân đội ghé thăm và giao lưu. (Ảnh: NVCC) 

Nỗi trăn trở duy nhất của anh Tiến là làm sao phát triển không gian rộng rãi hơn để phục vụ miễn phí cho các đoàn học sinh tham quan trong hoạt động trải nghiệm thực tế. Anh tiếc nuối vì đôi ba lần buộc phải từ chối lời đề nghị tham quan của các trường tiểu học, trung học xung quanh vì không gian nhỏ hẹp không đủ điều kiện để đón tiếp số lượng lớn các em học sinh.

Tình yêu dành cho nhạc cụ của anh Tiến đã ít nhiều ảnh hưởng tới các thành viên trong gia đình. Anh chia sẻ: “Thấy bố trưng bày thì hai đứa cũng trân trọng, giữ gìn lắm. Ngày Chủ nhật rảnh rỗi là luôn cùng bố lau chùi các loại nhạc cụ.” Anh Tiến cũng nhận định con trai anh có khả năng âm nhạc rất tốt. Mấy năm nay cậu bé luôn cùng bố đi biểu diễn khắp các hội lớn, hội nhỏ ở làng. Tương lai anh cũng muốn chuyển giao bộ sưu tập nhạc cụ cho con trai để cậu bé tiếp tục hành trình gìn giữ và phát triển.

Ba bố con anh Tiến biểu diễn khúc nhạc Lưu Thuỷ trong hát chầu văn. (Ảnh: Minh Ánh) 

Với anh, được theo đuổi đam mê trong sự ủng hộ và trân trọng của gia đình, bạn bè là điều vô cùng may mắn. Anh cũng mong lớp trẻ càng phải yêu lấy âm nhạc dân tộc nhiều hơn để gìn giữ bản sắc dân tộc. Lớp trẻ yêu nhạc nước ngoài rồi thì quay trở lại yêu lấy âm nhạc dân tộc nhiều hơn vì đó là bản sắc, là cái hồn cái cốt của dân tộc ta. Anh Tiến luôn đau đáu phải làm sao để gìn giữ và phát triển âm nhạc nước mình vươn tầm thế giới.

Minh Ánh - BMĐTK41

Phản hồi