Trong bối cảnh Covid diễn biến phức tạp, người dân tại phường Tây Mỗ vẫn nỗ lực tổ chức các hoạt động nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Nổi bật trong đó là cuộc thi “Quê hương Tây Mỗ qua nét vẽ trẻ thơ”. Chúng tôi đã may mắn có dịp gặp gỡ và phỏng vấn những con người đã góp phần tạo nên sự thành công của cuộc thi.
Dùng nghệ thuật để giáo dục tình yêu quê hương
- Thưa anh, anh thấy thế nào về tầm quan trọng của việc giáo dục tình yêu quê hương đối với thế hệ trẻ như thế nào ạ?
Anh Trần Anh Tuấn: Thế hệ trẻ nói chung và các bạn trẻ Tây Mỗ nói riêng đang trong thời đại 4.0, các bạn trẻ có quá nhiều thứ để quan tâm, giải trí và cũng có rất nhiều thứ để theo đuổi, đam mê, các công cụ và hình thức giáo dục tình yêu quê hương truyền thống giờ hoặc không phát huy tác dụng hoặc ít phát huy tác dụng. Do vậy, việc giáo dục tình yêu quê hương đối với thế hệ trẻ bây giờ vẫn giữ nguyên tầm quan trọng nhưng cần phải có công cụ và hình thức giáo dục mới. Các bạn trẻ cần được tiếp cận các thông tin về quê hương một cách mới mẻ và hiện đại để từ đó nảy sinh tình yêu đối với quê hương.
- Vậy tại sao nó lại là cuộc thi vẽ tranh mà không phải là một cuộc thi khác vậy ạ?
Anh Trần Anh Tuấn: Vẽ tranh phù hợp với lứa tuổi học sinh và là công cụ tốt nhất để các bạn trẻ thể hiện các cảm nhận và tình cảm đối với quê hương.
- Thưa anh, mục đích khi tổ chức cuộc thi vẽ tranh là gì ạ?
Anh Trần Anh Tuấn: Một phép thử về mức độ quan tâm và tình yêu quê hương của lứa tuổi học sinh ở quê hương Tây Mỗ, một phép đo lường về sự quan tâm của các bạn học sinh đối với quê hương Tây Mỗ.
-Vậy ban tổ chức đánh giá thế nào về chất lượng các thí sinh tham gia cuộc thi vẽ năm nay ạ?
Cô Đỗ Thị Thanh Hương: Nhìn chung thì các thí sinh rất tài năng và số lượng bài dự thi khá đông. Chứng tỏ các bạn ấy rất yêu quê hương và rất tự hào về nét đẹp của quê hương mình. Qua các tác phẩm cũng tìm ra được các tài năng xuất sắc đặc biệt có những bạn còn bé học cấp 1 nhưng sự cảm nhận về quê hương thể hiện qua các nét vẽ rất là tốt.
Khi lớp trẻ tiếp nhận phương thức giáo dục mới
- Các em lấy cảm hứng từ đâu để có thể vẽ được bức tranh vô cùng đẹp và ý nghĩa như vậy?
Em Trần Ngọc Minh Châu: Em từng được mẹ đưa đi xem lễ hội rước xôi của làng mình và đặc biệt nhớ về màn múa sư tử. Sau đó em đã vẽ bức tranh và tô màu dưới sự hướng dẫn của cô giáo ạ.
Em Nguyễn Hà Trang: Từ hồi em còn bé sáng nào em đi học cũng qua chợ đình và em thực sự ấn tượng với vẻ đông đúc nhộn nhịp, các cô bác bán hàng thoăn thoắt. Cảnh họp chợ đã làm em rất tượng và em muốn tái hiện lại qua bức tranh của mình.
- Trong lúc vẽ bức tranh em có gặp khó khăn gì không?
Em Trần Ngọc Minh Châu: Em không ạ. Em được cô giáo hướng dẫn để vẽ bức tranh. Em vẽ viền bằng bút màu. Và em rất thích tô điểm nhiều màu sắc cho những bức tranh của mình.
- Qua cuộc thi, các em có cảm thấy yêu quê hương mình hơn không?
Em Trần Ngọc Minh Châu: Dạ em có ạ! Em cảm thấy yêu và trân trọng quê hương hơn ạ.
Em Nguyễn Hà Trang: Nếu có thể thì em cũng muốn được trở thành 1 hoạ sĩ để vẽ thêm nhiều nét đẹp của quê hương em. Em rất yêu quê hương Tây Mỗ của mình.
Những dự định nối tiếp thành công của cuộc thi vẽ
- Sau khi tổ chức thành công cuộc thi, các thành viên ban tổ chức có dự định gì tiếp theo không ạ?
Cô Đỗ Thị Thanh Hương: Sắp tới cô dự định sẽ phối hợp cùng các thành viên khác của Ban tổ chức tiến hành các cuộc thi, các sự kiện khác nhằm mục đích quảng bá và bảo tồn truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
- Vậy thì ban tổ chức có thể bật mí trước về những dự án tiếp theo không ạ?
Cô Đỗ Quỳnh Hương: Cô cùng các thành viên ban tổ chức đang ấp ủ cho mình rất nhiều những dự án. Đầu tiên là buổi triển lãm ảnh “Lang thang ở Tây Mỗ” của nhiếp ảnh gia người Pháp Daniel Frydman. Lẽ ra buổi triển lãm đã được tổ chức những do dịch bệnh nên đã phải hoãn lại.
- Vậy thưa cô, sau khi dịch bệnh kết thúc, ngoài hoàn thành buổi triển lãm, cô có định tiếp tục thực hiện thêm dự án nào khác không ạ?
Cô Đỗ Quỳnh Hương: Nối tiếp cuộc thi vẽ và buổi triển lãm ảnh là dự án về thư viện sách dành cho thiếu nhi và kêu gọi các bạn thanh niên tình nguyện đến làm thủ thư tại nơi đặt tủ sách. Ngoài ra, cô còn chuẩn bị cho một dự án là Bảo tàng Tây Mỗ. Đó sẽ là nơi lưu giữ hình ảnh về những con người nổi tiếng của quê hương Tây Mỗ, những hiện vật lâu đời hay những thông tin làng nghề truyền thống đang dần mai một hoặc đã biến mất ở Tây Mỗ. Cô còn muốn liên kết với một trang thông tin du lịch để có thể quảng bá rộng rãi về nét đẹp của Tây Mỗ đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Tất cả những dự án đó đều sẽ được sử dụng để phục vụ cho việc bảo tồn giá trị văn hóa của quê hương cô đồng thời là để giúp ích cho việc trùng tu giếng làng vốn mất rất nhiều thời gian công sức và phải qua rất nhiều thủ tục.
Những con người đến từ mọi lứa tuổi, giới tính nhưng họ đều có chung tình yêu sâu sắc đối với quê hương Tây Mỗ. Họ đã góp một phần sức mình vào công cuộc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, để những giá trị ấy được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Phản hồi