Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Chuyên đề \

Làng nghề gốm Gia Thủy - Ninh Bình: Góc nhìn từ làng nghề truyền thống

22:32 30-05-2021
“Việc theo nghề gốm đều xuất phát từ đam mê. Gia đình, bố mẹ bác đưa nghề từ Thành Hóa ra, một phần là sự kế nghiệp, tiếp nối truyền thống gia đình, nhưng động lực khiến bác theo đuổi nghề chính là đam mê”- ông Trịnh Văn Dũng- nghệ nhân làng nghề gốm Gia Thủy chia sẻ về những tình cảm của mình dành cho làng nghề và công việc mà mình đã gắn bó nhiều năm nay.

Người thợ gốm khéo léo, miệt mài để cho ra tạo hình của gốm.

Ninh Bình không chỉ được biết đến là một mảnh đất phong cảnh hữu tình với những địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước mà còn là một vùng đất với những giá trị lịch sử, truyền thống lâu đời, những làng nghề truyền thống mang nét đẹp hoài cổ. Dưới đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo, kiên trì, chăm chỉ trong lao động, những người nghệ nhân nơi đây đã thổi hồn vào từng sản phẩm, tạo nên những nét đẹp riêng biệt, đậm đà bản sắc vùng miền, dân tộc.

Lần đầu được chạm tay vào những sản phẩm gốm mộc mạc, không có một lớp men tráng bóng bề mặt, chỉ đơn thuần là những sản phẩm từ đất, mang màu sắc nâu cháy và hơi thở của đất quê, cùng với những nét vẽ uốn lượn tinh tế về một nhành mai, một bức tranh phong cảnh hay vài nét hoa văn mang đậm đường nét Việt, tôi chợt nhớ tới nghệ thuật tối giản, rồi nghĩ về một tương lai có thể đi xa hơn của làng nghề gốm Gia Thủy.

Làng nghề có tuổi đời hơn 50 năm

Làng nghề gốm Gia Thủy là một trong những làng nghề truyền thống ở Ninh Bình với những nét đẹp chân thực và mộc mạc. Nằm trên địa phận xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, làng nghề gốm truyền thống đã có tuổi đời hơn 50 năm. 

Nằm trên con đê liên xã, nối hai xã Gia Thủy và Gia Lâm thuộc huyện Nho Quan, làng gốm nằm trơ trọi giữa một vùng đồng ruộng. Phía trước làng nghề là con sông Vang, một nhánh sông nhỏ bị chặn lại, giờ chỉ còn lại chút ít nước với những cỏ lác và phù sa lộ vết chân chim, chân cò. Tôi đến làng gốm vào một sáng muộn, khi những người thợ gốm của làng đang tấp nập ra vào chuẩn bị cho một mẻ lò mới mà theo cách gọi của người trong nghề là “ vào lò”. 

Tôi đến gặp ông Trịnh Đình Dũng - chủ nhiệm Hợp tác xã gốm Gia Thủy để tìm hiểu về làng nghề. Vừa rót trà vào chiếc chén gốm nâu nhỏ- sản phẩm của chính làng nghề làm ra, ông Dũng đưa tay lau vài giọt mồ hôi lấm tấm trên trán vì vừa đứng chỉ đạo mấy người thợ “ vào lò”. Ông cho biết, làng gốm ra đời năm 1959, phát sinh từ Thanh Hóa. Khi ấy, một số thợ gốm từ Thanh Hóa đã di cư về đây và mở một số lò gốm nhỏ làm các vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt trong gia đình như nồi, niêu, chum, vại...Dần dần, do chất lượng sản phẩm tốt, sự yêu mến của nhân dân trong vùng đối với sản phẩm, các lò gốm gia đình được mở rộng, làng nghề gốm cũng ra đời từ đó.

Nét riêng từ cách làm và nguồn nguyên liệu đặc biệt

Sản phẩm của làng nghề gốm Gia Thủy chủ yếu là những sản phẩm mộc mạc như nồi, chum, vại, bình, đĩa gốm với các loại hoa văn, phong cảnh làng quê Việt được thể hiện một cách tự nhiên, tinh xảo qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân nơi đây. Ông Dũng cho biết, làng nghề cơ bản sản xuất chum, sành không tráng men, nơi đây khác với các nơi khác ở chỗ toàn bộ sản phẩm đều là men tự phát.

Sản phẩm được phơi khô và đang đợi đến công đoạn nung gốm 

Mỗi sản phẩm đều là thành quả của sự miệt mài sáng tạo, thành quả gắn bó của cả một tập thể bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người thợ của làng nghề. Từng nét vẽ mang đậm những dấu ấn vùng miền, đời sống của con người Bắc Bộ. Không bóng bẩy như gốm Bát Tràng, gốm Gia Thủy mộc mạc, chân phương, chan chứa hồn người, hồn đất.  Nét đặc trưng, điều làm nên sự khác biệt của gốm Gia Thủy so với các làng nghề gốm truyền thống khác là cách làm và nguồn nguyên liệu độc đáo. 

Bên chiếc bàn tiếp khách nhỏ được đặt trong căn phòng toàn những sản phẩm chum, vại, bình gốm mới chuốt đang đợi khâu vào lò tiếp theo, ông Dũng chia sẻ:“Nguồn đất sét ở miền Bắc Việt Nam chỗ nào cũng làm nguyên liệu được, tuy nhiên đặc thù tốt nhất, riêng biệt nhất vẫn là đất sét từ những vùng lân cận, đây là những vùng đặc thù với nguồn nguyên liệu tốt có thể làm ra những hàng sành gốm truyền thống như bây giờ. Đó là nét truyền thống xa xưa của các cụ và được tiếp nối đến ngày nay, mọi người ở đây vẫn tiếp tục khai thác và tiếp tục nghiên cứu mở rộng”. 

Nói về đặc thù nguồn nguyên liệu, các sản phẩm gốm của làng nghề đều được làm từ nguyên liệu đất sét có màu nâu vàng, loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt. Đất khi lấy về sẽ được phơi khô, đập nhỏ rồi cho vào bể ngâm, tất cả đất đều được ngâm ở hai chiếc bể to phía ngoài cổng đi vào. Sau đó, người thợ gốm sẽ dùng máy khuấy đều rồi múc lọc qua sàng, tiến hành gạn bớt nước phía trên, lấy phần đất đông đặc rồi mang ra phơi khô, đến khi đất đủ tầm dẻo là mang ra làm được. 

Việc phơi đất là một khâu vô cùng quan trọng, đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận, bởi nếu để đất khô quá hoặc ướt quá thì sẽ rất khó tạo hình cho sản phẩm như mong muốn.

Trong một căn nhà khác là mấy người phụ nữ đang tất bật với chiếc bàn xoay và đất sét. Trông thấy người thợ gốm vần xoay từng miếng đất sét trên chiếc đá, tôi thấy lạ nên thắc mắc. Bà Vũ Thị Xuyến, người nghệ nhân gốm lâu năm tại làng nghề đang nặn tạo hình một chiếc chum mới, trên chiếc bàn xoay. Dù tuổi đã cao nhưng bà làm việc rất khéo léo, đôi tay bà thoăn thoắt, nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ lực tạo nên phần đáy chum vừa vặn. Vừa chăm chú làm việc, bà vừa chỉ sang phía người thợ làm đất gần đó và nói. 

Những người thợ gốm gắn bó lâu năm với làng nghề luôn đau đáu một nỗi niềm về sự sống còn của nghề truyền thống.

Khâu nào trong quá trình làm gốm cũng quan trọng hết, ngay cả công việc làm đất kia. Đừng nhìn vậy mà thấy nó đơn giản, công việc đòi hỏi sự dẻo dai, bền bỉ, đất phải ở độ vừa phải, không quá khô hay quá ướt, như vậy mới dễ nặn chum, nặn vại...Bà làm gốm đã nhiều năm rồi, từ bé đã bầu bạn với đất quê, sau lớn lên bố mẹ truyền cho cái nghề để kiếm sống. Công việc tuy mệt nhọc, có vất vả nhưng không làm là thấy thiếu thiếu gì đó, không dứt ra được...

Việc tiếp củi vào lò nung cũng rất quan trọng. Để ra được sản phẩm đẹp, chất lượng mà theo người trong nghề như ông Dũng, đó phải là sản phẩm “ đủ chín, chất gốm vàng, đều màu” thì công đoạn nung sản phẩm đóng vai trò quyết định. Nếu trong quá trình nung, người thợ không điều chỉnh lửa, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp thì sản phẩm sẽ cong, vênh hoặc rạn nứt…

Ông Dũng nói vui, người thợ ở khâu nung gốm là những người nghệ nhân thực thụ,giống như có phép thuật, họ chỉ cần nhìn lửa là biết khi nào gốm đã “chín tới”, ngọn lửa như thế nào là đủ để cho ra một mẻ gốm đẹp, đó là cách nắm bắt ngọn lửa. Tôi thầm nghĩ, chẳng có phép màu gì cả, chỉ đơn giản họ đã làm việc bằng cái tâm cùng với một vốn kinh nghiệm dày dặn mà thôi. Bởi vậy, trong mỗi quy trình, ở mỗi người thợ lành nghề phải đòi hỏi độ tỉ mỉ, kiên trì, sự kinh nghiệm và hết lòng với nghề. 

Mỗi mẻ gốm ra lò mất tới gần một tháng trời, từ khâu lấy đất, đập, ngâm đất đến việc tạo hình, nặn và chuốt gốm, và cuối cùng là công đoạn cuối cùng đầy khó khăn, nhọc nhằn khi vào lò. Tất cả các quy trình trên đòi hỏi những người thợ, người nghệ nhân trong một lò gốm phải bền bỉ, kiên trì và có sự giúp đỡ, gắn kết lẫn nhau để cho ra một sản phẩm truyền thống với chất lượng tốt nhất.
 
Làng nghề trong thời kì hội nhập, hướng đi nào cho những người ở lại?
 
Năm 2007, làng gốm Gia Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống. Dưới sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và tỉnh Ninh Bình, làng nghề gốm được nhiều người biết tới. Thêm vào đó là chính chất lượng, mẫu mã của sản phẩm mà các sản phẩm của làng nghề được mọi người yêu mến và tin tưởng. 

Một vài người trẻ ở lại làng, gắn bó với nghề như một mối duyên lưu giữ nét hồn thiêng của gốm.

Đối tượng khách hàng của làng nghề cũng khá đa dạng, từ khách hàng trong nước, đến những khách hàng nước ngoài như Lào, Campuchia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc làm ăn phát triển, thuận lợi như vậy là câu chuyện của những năm trước, còn mấy năm trở lại đây có chút thay đổi.  

Ông Dũng cho hay, việc làm ăn mấy năm gần đây  thực sự rất khó khăn. Trước kia chỉ có một HTX gốm, giờ có nhiều cơ sở nhỏ lẻ mọc lên ở những xã lân cận, về mô hình, sản phẩm đều giống như gốm Gia Thủy, tuy nhiên những người trong nghề lâu năm như ông vẫn cố gắng tạo điều kiện, đảm bảo  duy trì và tạo đồng lương cho người lao động, cũng như giữ vững cái nghề của ông cha. 
“Mình muốn cạnh tranh phải làm tốt sp của mình, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân,... trong lao động, mấy năm vừa rồi thật sự khó khăn, có bão hòa, nhưng chính vì bão hòa mà mình phải vươn lên khẳng định mình, nói chúng là phải cố gắng. Đối với sự phát triển của làng nghề, cơ quan nhà nước có sự hỗ trợ về pháp nhân, pháp lý, định hướng đầu tư về máy móc và nhà xưởng, còn về vật chất thì phải tự mình cố gắng và vươn lên thôi”- ông Dũng chia sẻ thật lòng về việc duy trì và phát triển nghề gốm trong những năm gần đây.

Nâng niu chén trà trên tay, ngắm nhìn chiếc chén vẫn giữ được cái màu nâu đượm cháy của đất, đơn giản, mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo, tôi băn khoăn về tương lai của làng nghề truyền thống này. Nhìn đi nhìn lại khắp các xưởng gốm cũng chỉ thấy toàn những người thợ trung tuổi, mấy người nghệ nhân già, người trẻ nhất cũng đã ngoài 30 tuổi. 

Phía sau mỗi một sản phẩm là cả một quá trình sáng tạo miệt mài qua bao giai đoạn của những người thợ gốm.

Những năm nay, làng gốm vắng hơn, những thợ gốm đa phần kiếm sống bằng nghề khác. Có những người thợ trước đây làm gốm, nhưng vì thu nhập bấp bênh, nên đã từ bỏ nghề và đổ dồn về các khu công nghiệp để làm thuê. “Lớp trẻ lớn lên, đứa học tiếp lên đại học, hoặc đi làm xa xứ, còn những người trẻ ở lại đa phần đi làm ở các khu công nghiệp mới mở gần đó, thu nhập cao mà sạch sẽ, thanh niên giờ chúng nó muốn thoát ly đồng ruộng, ai lại muốn trở về làm cái nghề gắn liền với bùn đất, củi lửa thế này” – một người thợ gốm đã già với mái tóc hoa râm chia sẻ mà không khỏi bùi ngùi.

Nắng tháng mười dịu nhẹ, hanh hao với những làn gió heo may se lạnh, làng nghề gốm truyền thống Gia Thủy nằm tĩnh mịch giữa một khoảng đồng bao la thẳng cánh cò bay. Những ngày cuối năm bận rộn, đơn hàng đặt nhiều thêm, mọi người tất bật với mẻ gốm mới ra lò, tiếng cười nói vui vẻ. 

Những chiếc chum, bình mới ra lò còn giữ nguyên nét hồn mộc mạc, nguyên sơ của đất và lửa, đượm vàng dưới ánh nắng đầu đông. Với những người dân nơi đây, nghề gốm không chỉ là sinh kế, mà còn là tình yêu nghề, sự tiếp nối truyền thống cha ông để lại, nơi mảnh hồn của đất được thổi bừng trong màu gốm mộc, giản dị mà tinh tế.
 

Trần Thị Đào - TTĐPT38

Phản hồi