Danh mục Thứ Năm, 25/04/2024

Chuyên đề \

Bình yên nơi Lóng Luông

22:44 29-05-2021
Bản Lóng Luông là một bản nhỏ thuộc xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc người H’Mông. Từng được biết đến như một điểm đen ma túy ở Tây Bắc với những bản doanh của các trùm ma túy nhưng Lóng Luông ngày nay là xứ sở của mận tam hoa và đào.

Bản Lóng Luông nằm dọc quốc lộ 6, một bên là triền núi cao dựng đứng, một bên là thung lũng nhỏ nhưng tương đối bằng phẳng. Đường vào bản là con đường nhỏ chạy xuyên qua bản. Cứ thế trong sắc hoa của đào, hoa mận, cuộc sống của người H’mông diễn ra thật bình yên, giản dị. Tôi tới gặp gia đình Vàng A Páo, một gia đình người H’Mông nghèo nhất trong bản.

Người phụ nữ H’Mông đi lấy củi đang trên đường về nhà khi chiều xuống.

Ngoài 30 nhưng A Páo trông khá già, răng đã rụng, khuôn mặt lộ rõ vẻ khắc khổ. Trời rất lạnh nhưng trên người anh chỉ độc một chiếc áo chàm mỏng, chân quấn vải cho đỡ lạnh. Hiện gia đình anh đang ở trong căn nhà tình thương do Nhà nước cấp. 
Chia sẻ niềm vui, A Páo nói: “ Nhà nước thương nên tặng cho cái nhà, mình vui lắm, nhà cũ sắp đổ rồi, không ở được nữa”. Hai đứa con của A Páo ngồi ngoài hiên thêu váy với mẹ, cô chị 14 tuổi nhưng không đi học, đứa em nhỏ ngồi bẽn lẽn núp sau lưng mẹ. Sau nhà là vườn mận tam hoa đã bắt đầu ra những hoa trái mùa. “Vườn mận đó làm kinh tế, Nhà nước khuyến khích trồng. Năm ngoái anh em du lịch về vào chụp ảnh thích lắm”- Vàng A Páo vui mừng chia sẻ.

Cuộc sống bình dị dưới những căn nhà gỗ

Ba mẹ con người Mông đang ngồi trước hiên nhà thêu chiếc váy thổ cẩm truyền thống. Trong cái lạnh se sắt những ngày cuối năm, tôi đi khắp bản làng của người Mông ở Lóng Luông, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông từ trẻ đến già, trên tay là những mũi kim chăm chút thêu những hoa văn vào chiếc váy của mình.

Ba mẹ con người H’Mông đang thêu váy trước hiện nhà.

Phụ nữ Mông cho rằng từng đường kim mũi chỉ là cả một sự tâm huyết. Cô bé người Mông xinh xắn, mới 14 tuổi nhưng em không đi học vì nhà quá nghèo, ngồi chăm chú thêu từng đường kim mũi chỉ, bẽn lẽn cười khi tôi nói chuyện với em. 

Cô con gái của A Páo năm nay mới 14 tuổi, không đến trường, em ở nhà phụ giúp bố mẹ.

Chiều Lóng Luông ít mây, gió nhè nhẹ và nắng vàng như mật ngọt, nắng đượm màu trên con đường đất đỏ dẫn vào những ngôi nhà gỗ mái ngói phủ dấu thời gian, gió chờn vờn trên những nụ cải trắng có mấy con ong mật quay vòng. Cái nắng đầu đông trong ánh nhìn trong trẻo, hồn nhiên của mấy đứa trẻ tinh nghịch leo trèo vào đâu đó sau dãy núi, vài tia nắng yếu ớt cố vượt qua khe núi, chiếu xuống thung lũng những những mảng màu tươi đẹp. 
Đến Lóng Luông, chúng tôi cứ vậy mà quên đi những ồn ào, chật chội của phố thị, sống chậm lại ở một thung lũng xa xôi được bao quanh bởi núi đá và dưới tán những rừng mận, rừng đào. bên các gốc đào, gốc mận, tiếng cười trong không mảy may những cơm áo, gạo tiền... 

Đứa bé người Mông bẽn lẽn, e thẹn khi được người lạ cho quà. 

Nắng ửng hồng trên đôi má cô bé dân tộc tôi gặp có nụ cười hồn hậu, nắng in bóng bà cụ già người Mông mặc chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ, vai đeo một gùi củi bước đi phăng phắc về phía ngôi nhà nhỏ khuất sau những đào, những mận... Cuối ngày, mặt trời lẩn khuất vào đâu đó sau dãy núi, vài tia nắng yếu ớt cố vượt qua khe núi, chiếu xuống thung lũng những những mảng màu tươi đẹp. Đến Lóng Luông, chúng tôi cứ vậy mà quên đi những ồn ào, chật trội của phố thị, sống chậm lại ở một thung lũng xa xôi được bao quanh bởi núi đá và dưới tán những rừng mận, rừng đào.

Những đứa trẻ người H’Mông ở Trường Tiểu học Lóng Luông 

Những đứa trẻ của bản tới học tại điểm trường Lóng Luông. Tôi ghé thăm trường khi các em đang học tiết học thể dục. Mấy đứa trẻ mắt trong veo, miệng tủm tỉm cười khi có người lạ tới thăm. Thầy giáo trẻ người dân H’Mông dạy các em bài tập thể dục, “các em ở đây rất ngoan, chúng còn ngây thơ lắm, suy nghĩ chưa vượt quá con dốc vươn ra quốc lộ nhưng như vậy lại hay, chẳng có internet, chỉ có tuổi thơ vui vẻ bên gốc mận, gốc đào và tràng cỏ xanh mướt”- thầy giáo Vàng A Dìn chia sẻ. 

Tôi thầm nghĩ, cuộc sống bình yên nơi đây có lẽ đang bao bọc, nuôi dưỡng tâm hồn các em, tâm hồn mộc mạc, thanh sơ mà chân thành, tình nghĩa của con người miền sơn cước.

Mấy em nhỏ ở điểm trường Lóng Luông.

Những em học sinh nhỏ ngoan ngoãn tập luyện theo tiếng hô của thầy giáo. 

Đến với Lóng Luông là đến với thung lũng ngập tràn sắp đào, sắc mận. Tháng 12 dương lịch, gần với cái Tết truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, cả bản làng bừng sáng trong sắc mơ, sắc mận tinh khôi, trắng ngần. 
Vào cuối đông, đầu xuân, những vườn hoa đào đã bắt đầu nở rộ. Trong nắng ấm mùa xuân, sắc đào tươi thắm thay lớp áo mới cho bản làng. Từ con dốc đầu bản nhìn ngược lên các triền núi, sắc đào điểm xuyết trên nên xanh thẫm của núi già, thung lũng nhỏ như tràn trề nhựa sống. Cạnh những nếp nhà gỗ đậm dấu vết thời gian, cành đào xuân tỏa rộng, phủ kín trên những mái rêu. Thỉnh thoảng làn gió xuân thổi qua, cánh hoa đào xoay xoay trong gió, nhẹ nhàng đáp xuống bên những bậc thềm. 

Sắc đào, mận khoe sắc mỗi độ cuối đông, đầu xuân trên dọc con đường vào bản 

Bên bậu cửa gỗ, cô gái người H’Mông ánh mắt trong veo, khuôn mặt tươi trẻ như đóa hoa của núi rừng ngồi thêu váy, đưa mắt nhìn ra vườn hoa cải trước nhà. Bầu trời cao, trong veo, tiếng nhạc, tiếng khèn hòa quyện, ngưng đọng với thời gian. Bên những gốc đào, gốc mận cổ thụ, những đứa trẻ người H’Mông tinh nghịch leo trèo, tiếng cười trong veo, hồn nhiên như điệu khèn môi ai thổi...

Trần Thị Đào - TTĐPT38

Phản hồi