Vài năm trở lại đây, phường Tây Mỗ đang bước vào thời kì đô thị hoá mạnh mẽ, đặc biệt là có sự tham gia xây dựng của tập đoàn Vinhomes. Việc này khiến cho dân số trên địa bàn phường thay đổi rất lớn. Nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng đổi mới hiện đại thu hút người dân đến sinh sống tại đây. Sự thay đổi về cơ cấu dân số tác động, khiến cho việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương bị ảnh hưởng ít nhiều.
Trước xu hướng phát triển nhanh chóng trong thời kỳ hội nhập quốc tế của đất nước, tuy mang lại nhiều giá trị tích cực cũng như thuận lợi, còn tồn tại những mặt tiêu cực đó là nguy cơ xói mòn, phai nhạt và biến dạng giá trị trong bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ, những mầm non tương lai của đất nước lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cô Trần Thị Ngọc Oanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Mỗ chia sẻ: Việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh thực sự có vai trò rất quan trọng. Với các em bậc tiểu học, đây là lứa tuổi mà nhận thức của các em còn non nớt và cần được bồi dưỡng rất nhiều. Trong mỗi tiết học, các cô sẽ khơi gợi cho các em trí tò mò về những sự kiện liên quan gắn liền với di tích lịch sử đó. Việc giảng dạy bằng máy chiếu cũng trở lên phổ biến để cho các em học sinh thấy được những hình ảnh trực quan, sinh động, giúp các con thêm hứng thú, say mê với bài giảng và tiếp thu bài học một cách dễ dàng hơn.
Vừa qua, Nhà trường đã phát động cuộc thi vẽ tranh “Quê hương Tây Mỗ qua nét vẽ trẻ thơ”. Hội thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tập thể cán bộ giáo viên và gần 1600 em học sinh của nhà trường tham gia dự thi. Thông qua cuộc thi nhà trường cùng với ban tổ chức cuộc thi muốn lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, giáo dục thế hệ trẻ về việc bảo tồn lưu giữ những giá trị truyền thống của quê hương Tây Mỗ.
Với người dân Tây Mỗ, việc lưu giữ văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ. Nền văn hóa, văn hiến lâu đời mà cha ông để lại như những gì tinh túy nhất mà thế hệ trước chắt chiu dành dụm cho con cháu. Cũng vì thế nên từ các cấp bộ ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương, nhà thờ họ, tổ dân phố cho tới từng cá nhân người dân đều coi văn hóa Tây Mỗ như một phần máu thịt của mình.
Ngoài vai trò của nhà trường, giá trị giáo dục từ gia đình cũng rất quan trọng và có cần sự liên kết chặt chẽ với nhau. Các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm tới việc học của con em mình, đó cũng là nguồn động viên rất lớn đối với các em, bởi ngoài sự giáo dục của nhà trường thì gia đình chính là nơi ảnh hưởng đến nhận thức của con trẻ rất nhiều.
Muốn giữ gìn truyền thống, bản sắc của quê hương, không riêng ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc của tất cả các tầng lớp nhân dân và chính quyền địa phương. Giá trị văn hóa không chỉ nằm ở những di tích lịch sử mà còn ở truyền thống văn hiến lâu đời của quê hương Tây Mỗ. Đặc biệt là truyền thống hiếu học, đề cao vai trò giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho người dân sẽ có tác động tích cực tới việc bảo tồn, lưu giữ văn hóa cổ truyền.
Phản hồi