“Viên ngọc quý”
Hát Dô là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, phát tích ở vùng đất Lạp Hạ ven sông Tích, nay là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội gắn với lễ hội đền Khánh Xuân (còn gọi là hội hát Dô). Làn điệu dân ca này gắn liền với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thần đứng đầu “Tứ bất tử” trong đời sống văn hoá của người Việt Nam. Năm 2023, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô của xã Liệp Tuyết được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Theo NNND Nguyễn Thị Lan, điệu hát dô bắt nguồn từ câu chuyện do Thánh Tản truyền dạy cho người dân Liệp Tuyết. Tích xưa kể lại, trong một lần ngao du, Thánh Tản Viên qua vùng ven sông Tích, thấy đất ruộng phì nhiêu, con người chăm chỉ đã bày cho cách gieo lúa trồng ngô trên những thửa ruộng có phù sa bồi đắp. Thánh dạy người dân đắp đê, làm thuỷ lợi. Sau đó Thánh rời đi để lại lời hứa sẽ quay lại vào mùa lúa chín.
Từ đó trở đi, mùa lúa chín năm nào người dân xã Liệp Quyết cũng mong chờ ngày ân nhân trở lại. Đúng 36 năm sau, Thánh trở lại nơi xưa thấy cuộc sống người dân đã biết bảo ban nhau làm lụng, mùa màng bội thu. Năm ấy dân làng múa hát tưng bừng, xây lên đền Khánh Xuân để thờ Thánh và mở hội hát mừng Ngài. Thánh lại dạy họ cách hát bài bản, từ đó điệu hát Dô ra đời.
Trong đội hình múa hát dô, có một đến hai người nam làm “cái” lĩnh xướng, từ 8 đến 20 nữ làm “con hát” và múa phụ họa. “Cái” xướng và điều chỉnh bằng tiếng phách, “con hát” vừa hát vừa múa phụ họa nội dung từng đoạn như chèo đò, hái hoa, dệt vải... Lời ca cầu thánh ban phước lành, kể chuyện thiên nhiên, mô tả cảnh sinh hoạt...
Theo tục lệ xưa, không phải ai cũng có thể biểu diễn hát Dô. Người hát Dô phải là người được lựa kỹ càng. Bà Lan chia sẻ: “Phải là trai tân gái tơ và gia đình không có “bụi” tức là để tang người thân thì mới được hát…”.
Nhớ ơn vị thần mang lại cuộc sống no đủ, cư dân trong vùng lập đền thờ, duy trì tập tục 36 năm mở hội một lần. Trong dịp đó, không thể thiếu nghi thức hát Dô ca ngợi công đức Tản Viên Sơn Thánh, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần cộng đồng của người dân vùng lúa nước như đời sống của người dân Liệp Tuyết, tình yêu nam nữ.
Trong dịp đó, không thể thiếu nghi thức hát dô ca ngợi công đức Tản Viên Sơn Thánh, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần cộng đồng của người dân vùng lúa nước như đời sống của người dân Liệp Tuyết, tình yêu nam nữ,...
“Trăm năm bách phấn đề thơ
Lấy ai thì lấy chớ chờ năm canh
Mẹ già ra ở nhà gianh
Đói no chẳng quản, rách lành ai hay”
Sau dịp này, cháp được đóng lại, tài liệu cũng ngủ yên theo, không được hỏi tới.
Chính vì tục lệ 36 năm mở hội một lần cùng lời nguyền “người hát Dô nếu hát lại lời hát sẽ bị bệnh tật quấn thân, bị cấm khẩu… thậm chí là mất mạng”, bởi vậy hát Dô chỉ được lưu truyền trong ký ức của lớp người đã tham gia hội hát chứ không được lan rộng trong vùng. Bà Lan không đành lòng để cái hay, cái đẹp của hát Dô bị mai một. Bà quyết tâm vượt qua “lời nguyền”, làm “sống” lại làn điệu dân ca của quê hương một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Vượt qua cổ tục
Khi tư liệu đã được khôi phục, sóng gió một lần nữa đến với hành trình của bà Lan. Một phần do dân làng còn nghi ngại “lời nguyền” nên không dám để con cháu theo học hát Dô. Thậm chí, chính những học trò đã chia sẻ rằng “lời nguyền” làm họ bất an và không dám theo học hay đi diễn nữa.
Thuở đầu bà Nguyễn Thị Lan (Chủ nhiệm CLB hát Dô Liệp Tuyết) phải đến từng nhà động viên phụ huynh và con em trong làng theo hát. Khi đủ “học sinh” người đàn bà này bắt đầu các lớp học và trình diễn hát Dô. Phương pháp dạy của bà Lan khác với cách bà được các cụ dạy khi xưa. Bà Lan đã có đủ tư liệu, tài liệu để dạy các em một cách bài bản.
Năm 1990, CLB Hát Dô thành lập với 30 thành viên đầu tiên, mang theo hy vọng về sự hồi sinh của loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, con đường phía trước không hề bằng phẳng. Sau một thời gian, số lượng thành viên CLB giảm dần, chỉ còn 16 người, rồi chẳng còn ai. Lại một lần nữa, “lời nguyền 36 năm” cản bước hành trình khôi phục hát Dô của bà Lan.
Nỗi buồn, sự thất vọng lại ập đến, nhưng bà không hề nản lòng. Bà đi khắp nơi, gõ cửa từng nhà thuyết phục cho con cái theo học hát Dô, lấy minh chứng bản thân hàng ngày tập hát vẫn không sao. Dần dần mọi người hiểu ra, mới từng bước ủng hộ, không còn ngăn cấm thế hệ trẻ tham gia nữa.
Hồi tưởng lại những ngày tưởng như hành trình “thổi hồn mới” vào làn điệu Dô sẽ thất bại, niềm tin tưởng lung lay, bà gần như muốn buông xuôi. Nhưng rồi, trong một lần đi diễn ngoài xã, bà lại được tiếp thêm sức mạnh tinh thần.
Bà kể: “Hôm đấy, trong đầu tôi cứ đinh ninh đó là lần cuối đi diễn rồi. Lạ thay, tôi lại cứ để ý đến đôi bướm nâu xuất hiện ở hai bên sóng của sân khấu. Ban đầu cũng không để ý nhiều, nhưng đôi bướm cứ ở đó mấy ngày liền, như muốn nhắn nhủ điều gì. Thế là tôi làm cái lễ xin được tìm hiểu, khôi phục các bài hát Dô lên đền Khánh Xuân. Hôm sau ra thì đôi bướm đó biến mất. Nói thường thì là các thánh đã cho phép khôi phục thì mới được làm”.
Sự việc kỳ lạ này như một lời khẳng định, tiếp thêm sức mạnh cho bà. Bà tin rằng đây là lời nhắn nhủ từ tổ tiên, rằng Hát Dô cần được gìn giữ và phát huy. Niềm tin được tiếp thêm, bà quyết tâm tiếp tục hành trình gian nan của mình.
Từ đó, bà Lan lại tiếp tục miệt mài với công việc truyền dạy Hát Dô. Bà dành toàn bộ tâm huyết cho việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu, và trực tiếp giảng dạy cho các thế hệ trẻ.
Phản hồi