Phóng viên đã có buổi trò chuyện với Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi - Phó trưởng phường múa rối nước Đào Thục, người đã có gần 20 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề về cách thức đổi mới trong việc tổ chức lớp đào tạo thế hệ nghệ nhân kế cận từ người trẻ hiện nay.
PV: Theo ông, giới trẻ hiện nay có sự quan tâm như thế nào về nghề múa rối nước?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Ngày nay, các bạn trẻ rất quan tâm đến nghệ thuật múa rối nước không chỉ bởi sự đầu tư và quảng bá của Nhà nước mà bản thân các bạn trẻ cũng nhận thấy đây là di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Làng Đào Thục thường xuyên tiếp đón các đoàn bạn trẻ tới tham quan và tìm hiểu về múa rối. Trong năm nay chúng tôi đã hoàn thành một khóa giảng dạy truyền nghề múa rối bao gồm 40 bạn trẻ.
PV: Ông có thể chia sẻ về những lớp học “truyền nghề” cho thế hệ trẻ mà Làng nghề múa rối nước Đào Thục đang triển khai hiện nay?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Hiện nay, làng nghề đang duy trì mở khóa học dạy nghề cố định trong năm. Trong đó, mỗi khóa học sẽ bao gồm 3 lớp: Lớp bé, lớp bình thường và lớp cuối cùng là nâng cao với thời gian học trung bình mỗi lớp là hơn một tháng.
Với lớp học đặc biệt dành cho các bạn nhỏ, điều quan trọng nhất là giảng dạy “trí thức” nghệ thuật múa rối để các em hiểu về tầm quan trọng của giá trị văn hóa. Sau khi hoàn thành lớp học “trí thức” đầu tiên, các bạn sẽ được nâng lên theo học lớp kỹ năng thực hành múa rối cơ bản. Cuối cùng là lớp nâng cao, các bạn sẽ bắt buộc theo học đúng lộ trình của khóa học. Lớp nghệ nhân trẻ hiện nay đã sẵn sàng tiếp nối truyền thống múa rối ở Đào Thục.
PV: Theo ông, việc tổ chức các lớp học về “trí thức” nghệ thuật múa rối có tác động như thế nào đến việc khơi dậy tình yêu của các bạn trẻ đối với nghệ thuật truyền thống?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Mỗi tích trò trong múa rối lại gắn liền với những câu chuyện quen thuộc của đời sống sinh hoạt. Bởi đó, hiểu về “trí thức” múa rối cũng là cách để người trẻ hiểu biết và trân trọng văn hóa của dân tộc.
Khi Phường múa rối quyết định mở lớp dạy nghề, mục tiêu quan trọng nhất không phải để đào tạo tất các bạn trở thành nghệ nhân. Mà đội ngũ làng nghề mong muốn hơn là bồi đắp cho mỗi bạn trẻ những sự hiểu biết về nghệ thuật múa rối. Bởi khi đã có “trí thức” về nghệ thuật múa rối, mặc dù hiện tại các bạn có thể chưa có điều kiện tham gia biểu diễn nhưng cũng chính là những người gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
PV: Với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, ông có thể chia sẻ thêm về những định hướng phát triển mới cho nghề múa rối trong tương lai không?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Hiện nay, do nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên công tác giảng tác ngày càng được đầu tư có quy mô bài bản hơn. Cụ thể, trong quy định của nhà nước mới đây cần phải là nghệ nhân có bằng chứng nhận mới được phép đứng lớp dạy nghề múa rối.
Và định hướng quan trọng hiện nay là phát triển du lịch văn hóa. Nếu trước đây người nghệ nhân chỉ cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng biểu diễn thì bây giờ mỗi nghệ nhân cần phải đóng vai trò là một hướng dẫn viên du lịch. Nghệ thuật tới đây cũng phải kết hợp với yếu tố đương đại, sáng tạo trong việc chuyển tải đưa những câu chuyện hiện đại vào trong tích trò múa rối. Để thực hiện được những mục tiêu đó, việc cần thiết phải làm là đổi mới trong việc đào tạo thế hệ nghệ nhân “kế cận” trong tương lai.
PV: Vậy theo ông, thế hệ trẻ có vai trò như thế nào trong sứ mệnh “tiếp nối” nghệ thuật múa rối của làng nghề?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Văn hóa nghệ thuật muốn phát triển phải có sự tiếp nối, đặc biệt là nghệ thuật dân gian. Bởi tính chất truyền miệng và truyền tai để trao truyền “nghệ thuật” qua các thế hệ. Sự tiếp nối đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị di sản. Làng nghề múa rối Đào Thục đã có cách đây 300 năm rồi, đó cũng là do lớp trẻ “tiếp nối” đến tận thời điểm bây giờ.
Để phát triển nghệ thuật dân gian đương đại, sự tham gia của lớp trẻ là vô cùng cần thiết. Họ chính là thế hệ "tiếp nối", mang đến những sáng tạo mới mẻ, phong phú từ chính cuộc sống của mình, đồng thời quảng bá rộng rãi hơn đến với công chúng. Khác với thế hệ đi trước, lớp trẻ ngày nay không chỉ gìn giữ nghề truyền thống mà còn chủ động quảng bá múa rối đến cộng đồng rộng lớn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Chính vì vậy, không chỉ nghệ nhân Đào Thục, mà tất cả các bạn trẻ đều đang góp phần gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc.
PV: Trong quá trình học và làm nghề múa rối nước, theo ông, thế hệ trẻ có thể sáng tạo ở những khía cạnh nào mà vẫn đảm bảo giữ được bản sắc truyền thống?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Các bạn trẻ ngày nay có thể tự do sáng tạo nhưng cần phải đảm bảo những giá trị cốt lõi để khán giả vẫn có thể cảm nhận được tinh hoa của nghệ thuật múa rối. Việc sáng tạo hiện đại phải dựa trên những nền tảng gốc rễ truyền thống, muốn làm được điều đó thì bắt buộc cần phải hiểu rất rõ về nghệ thuật dân gian.
Chất đương đại thể hiện ở việc sử dụng dùng nghệ thuật múa rối để tạo nên vở mới, trò mới hoặc sáng tạo ở trang phục hay trang trí cho con rối. Nhưng nghệ thuật dân gian của múa rối nằm ở bản chất con rối được làm bằng chất liệu gỗ và không được sử dụng bất kỳ yếu tố pin điện nào ngoài hình thức truyền thống giật dây trong việc điều khiển con rối. Đó là câu chuyện của nghệ thuật dân gian đương đại.
PV: Theo ông, thế hệ trẻ có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Nghệ thuật múa rối là giá trị văn hóa truyền thống của cả dân tộc. Bởi vậy mà tất cả các bạn trẻ bằng mọi cách phải cố gắng giữ gìn và phát triển di sản văn hóa mà cha ông đã để lại. Đặc biệt, với những bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở Đào Thục, họ còn cần phải có trách nhiệm trong việc thừa hưởng và tiếp nối sự nghiệp của thế hệ đi trước.
Nghệ thuật múa rối đã được xây dựng bền bỉ và sáng tạo mạnh mẽ ngay trong chính điều kiện cuộc sống nghèo nàn và khó khăn của cha ông ta. Bởi vậy mà mỗi chúng ta bây giờ, khi ngày càng được nhà nước tạo điều kiện để lan tỏa di sản thì càng cần phải trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của nghệ nhân!
Phản hồi