“Khai Sắc Tuồng Thanh” - Dấu ấn người trẻ trong nghệ thuật tuồng
Những năm qua, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống từng vắng bóng đã được “hồi sinh” mạnh mẽ, “khoác” lên mình hơi thở hiện đại qua lăng kính sáng tạo của thế hệ trẻ. Với niềm đam mê và trách nhiệm gìn giữ di sản văn hóa, giới trẻ không chỉ nỗ lực bảo tồn nhiều loại hình nghệ thuật đang dần bị mai một mà còn lan tỏa mạnh mẽ những giá trị văn hóa cốt lõi của đất nước.
Nổi bật trong số những dự án văn hóa “Khai Sắc Tuồng Thanh”. Đây là sự kiện văn hóa nghệ thuật đồng tổ chức bởi Nhà hát Tuồng Việt Nam và nhóm sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. “Khai sắc tuồng thanh” cũng là một trong những hoạt động mở màn Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng Tạp chí Kiến trúc phối hợp tổ chức.
Xuất phát từ ý tưởng “Giải mã vẻ đẹp của Tuồng”, sự kiện đem đến những hoạt động thú vị nhằm kết nối giới trẻ với Tuồng - loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống độc đáo của dân tộc.
Đến với “Khai Sắc Tuồng Thanh”, khán giả sẽ được khám phá và hiểu rõ hơn cái hay, cái đẹp ẩn sâu trong tính ước lệ của Tuồng, qua đó phần nào rút ngắn khoảng cách giữa Tuồng và thế hệ trẻ. Đồng thời, họ sẽ được tiếp thêm cảm hứng để hiểu, để yêu và tự hào về di sản văn hóa quê hương.
Hào hứng tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ dự án, khán giả Thủy Sophia - một Tiktoker GenZ bảy tỏ: “Đây là lần đầu tiên mình xem diễn Tuồng và cảm thấy thực sự rất hay, rất cuốn hút. Mình thấy trên sân khấu không có quá nhiều đạo cụ, chỉ có hai người diễn viên, mà nội dung được truyền đạt đầy đủ qua động tác của các nghệ sĩ và âm thanh của dàn nhạc. Mình có thể hiểu khoảng 85% nội dung của trích đoạn này”.
Sau hơn 1 tháng được “ấp ủ” và “nuôi nấng” bởi các bạn sinh viên, dự án “Khai Sắc Tuồng Thanh” đã khép lại với nhiều dư vị cảm xúc khó tả, thành công để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Đại diện dự án, Trưởng ban tổ chức, sinh viên khóa 41 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hoàng Thị Ngọc Hà mong rằng dự án “Khai Sắc Tuồng Thanh” không chỉ là một trong những sự kiện mở đầu đưa nghệ thuật Tuồng tới gần hơn với công chúng mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ đóng góp nhiều hơn vào công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị giàu đẹp của nghệ thuật truyền thống.
Hoàng Hà tin rằng, “Khai Sắc Tuồng Thanh” không chỉ dừng chân là một dự án nhỏ nữa, mà sẽ đại diện cho tình yêu của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống. Bạn tự hào khi là người trẻ Việt, được làm nghệ thuật truyền thống Việt, lan tỏa giá trị tới mọi người.
“Chèo nảy Chèo nay” - Nhịp xưa hòa sắc mới
Bên cạnh “Khai Sắc Tuồng Thanh”, một minh chứng khác cho thấy sự nỗ lực của người trẻ trong hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống là dự án truyền thông về nghệ thuật hát chèo mang tên “Chèo nảy Chèo nay”. Dự án được đồng tổ chức bởi nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đồng thời nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Với thông điệp 'Chèo nảy nhịp xưa, nay hòa sắc mới', dự án hướng đến việc khơi dậy sức sống mạnh mẽ của một nét văn hóa truyền thống nay hòa quyện cùng hơi thở mới của thời đại. Dự án “Chẻo nảy Chèo nay” đã trở thành cầu nối sáng tạo, đưa các bạn trẻ đến gần hơn với Chèo, tìm hiểu những nét đẹp riêng biệt của Chèo cũng như nhiều câu chuyện đặc sắc phía sau sân khấu.
Với tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống nói chung và loại Hát Chèo nói riêng, những người làm dự án mong muốn lan tỏa những giá trị của loại hình văn nghệ lâu đời này đến đông đảo giới trẻ. Từ đó, người trẻ sẽ nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm bảo tồn và phát triển Chèo, để bộ môn này không chỉ là biểu tượng trường tồn của tinh hoa văn hóa Việt mà còn được nối tiếp trong dòng chảy nghệ thuật đương đại.
Sau hơn 2 tháng đồng hành đưa Chèo đến gần với các bạn trẻ, “Chèo nảy Chèo nay” đã khép lại bằng “Không gian trải nghiệm nghệ thuật” và Vở diễn “Thị Mầu Xuyên không”, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Chia sẻ cảm xúc khi tham gia Workshop, bạn Khánh Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) thể hiện sự hào hứng: “Mình thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa, mình đã có cơ hội được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống của ông cha. Đã lâu rồi mình chưa vẽ nên khi được tự tay trang trí từng nét màu, đường sơn trên quạt là một trải nghiệm rất thú vị với mình”.
Tự hào về thành công rực rỡ của “Chèo nảy Chèo nay”, bạn Trần Thanh Giang - Trưởng Ban sự kiện xúc động bày tỏ: “Chèo nảy Chèo nay” không chỉ đơn thuần là một dự án truyền thông mà còn là cách gen Z đang gìn giữ và bảo tồn văn hóa theo cách của riêng mình. Thế hệ Gen Z là những người giúp cho giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển hơn nữa, phù hợp với xu hướng của hiện đại thông qua lăng kính sáng tạo, năng động cùng với sự kết nối giữa quá khứ và tương lai một cách hòa quyện”.
Có thể thấy, thế hệ trẻ hôm nay đã gắn kết với nhau bằng trí tuệ và đam mê sáng tạo. Thông qua từng hành động, dù nhỏ hay lớn, họ đang thực hiện sứ mệnh cao cả, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa Việt Nam.
Phản hồi