Nhận được thông báo trúng tuyển vào ngôi trường đại học hằng mơ ước, sinh viên năm nhất lòng đầy phấn khởi với bao dự định mới, trái tim tràn ngập những giấc mơ. Đối với các em, học đại học là sẵn sàng đứng lên làm chủ cuộc đời.
Thế nhưng, với những sinh viên xa nhà lần đầu vắng bóng vòng tay chăm sóc của gia đình, bước đầu vào đại học chắc hẳn không phải là điều dễ dàng. Sự thay đổi về môi trường và cách thức học tập, rèn luyện khiến sinh viên năm nhất không tránh được những lo âu, bối rối. Vui buồn không biết kể cùng ai, rồi cảm giác nhớ nhà ập đến, các em chỉ muốn về với gia đình yêu thương.
Hơn thế, năm học 2019-2020 càng khó khăn hơn khi đại dịch COVID-19 vừa mới tạm lắng xuống, cuối hạ đầu thu mùa lũ lụt lại về. Mảnh đất miền Trung nắng gió gồng mình chống chọi với đợt lũ lịch sử. Những tổn thất nặng nề về người và của diễn ra khi niềm vui đỗ đại học vừa mới chớm nở.
Tại các trường đại học trên cả nước nói chung cũng như Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng, rất nhiều sinh viên đến từ miền Trung đã vượt lên khó khăn trong mùa mưa lũ để tiếp tục việc học ở mái trường đại học.
Bạn Trần Thị Thanh My, lớp Báo in K40, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một sinh viên năm nhất có câu chuyện đặc biệt trong đợt lũ vừa qua. Thanh My đến từ gia đình thuần nông ở Quảng Trị - nơi chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi đợt lũ lụt 2020 lịch sử.
Thanh My chia sẻ: “Phía trước nhà mình có con sông chảy qua, mưa to nhiều ngày khiến nước dâng cao gây ngập. Bố mẹ mình không thể đi làm và rau, sắn nhà trồng đều bị thiệt hại nhiều. Xa nhà đúng đợt mưa lũ làm mình rất lo lắng, Mỗi ngày mình đều theo dõi tin tức và thường xuyên gọi về nhà để hỏi thăm tình hình, chỉ hy vọng bố mẹ bình an và miền Trung sớm vượt qua lũ lụt”.
Vào sự kiện chào tân sinh viên của Viện Báo chí, khi nhận được học bổng hỗ trợ sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Thanh My đã vô cùng xúc động. Với My, thật cảm kích khi được nhà trường quan tâm, giúp đỡ dù bạn chỉ vừa mới bước chân vào trường.
Bên cạnh đó, trận mưa bão lịch sử cũng gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều bạn sinh viên khác đến từ miền Trung. Dù là sinh viên năm hai, năm ba đã thích nghi với môi trường học tập, tự lập hơn trong cuộc sống xa quê nhà, nhưng những cản trở gây ra bởi mưa lũ vẫn rất lớn.
Bạn Nguyễn Thị Thìn, lớp Truyền thông Đại chúng K38, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Gia đình mình có sáu người, thu nhập ở mức trung bình, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào mẹ. Đợt mưa lũ vừa rồi nhà nằm ở vùng thấp nên bị ngập hết, chăn nuôi bị ảnh hưởng, việc làm nông nghiệp của bố mẹ bị trục trặc”.
Tuy nhiên, hiện tại nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ yêu thương của mọi người, nhà Thìn đã khắc phục được thiệt hại và bố mẹ có thể làm việc trở lại bình thường. Đồng thời, khi nhận được học bổng hỗ trợ của trường đại học trong lúc nhà gặp bão lũ khó khăn, cô rất biết ơn và cảm động.
Cùng với các bạn sinh viên có gia đình chịu thiệt hại nặng nề sau trận lũ lụt lớn vừa rồi, một số sinh viên khác cùng đến từ miền Trung may mắn hơn khi cuộc sống không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Chia sẻ với phóng viên, bạn Trần Nhật Long, sinh viên năm hai trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp tâm sự: “Nhà mình ở thành phố, vì vậy mặc dù mưa bão vô cùng lớn nhưng may mắn không bị thiệt hại nhiều, chỉ có những cản trở về di chuyển. Đi học xa nhà, mình cũng khá lo lắng về gia đình và họ hàng ở miền quê Nghệ An. Thời điểm này, ai cũng hướng về miền Trung cả”.
Thanh My, Nguyễn Thìn, Nhật Long cũng như bao sinh viên khác, ai cũng sẽ phải trải qua những bước đi đầu đời chập chững, đầy bỡ ngỡ. Đặc biệt, trong năm học 2020 - 2021, khó khăn càng tăng thêm gấp bội với ảnh hưởng của bão lũ, dịch bệnh. Song, trong hoàn cảnh khó khăn chúng ta càng thấm thía tình người ấm áp đến từ những điều nhỏ bé, bình dị nhất.
Phản hồi