Danh mục Thứ Tư, 27/11/2024

Tiêu điểm \

Tọa đàm Quyền sở hữu trí tuệ trong các ngành công nghiệp sáng tạo: Đảm bảo quyền lợi của người nghệ sĩ

00:09 25-04-2024
Chiều ngày 24/04, tọa đàm Quyền sở hữu trí tuệ trong các ngành công nghiệp sáng tạo được tổ chức thành công tại Trung tâm Hoa Kỳ Hà Nội với sự góp mặt của nhiều diễn giả đặc biệt.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Sở Hữu Trí tuệ Thế giới 26/4, Trung tâm Hoa Kỳ Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với mục đích nâng cao nhận thức về Quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời chỉ ra những thách thức và đưa ra những giải pháp đảm bảo quyền lợi của các nhà sáng tạo. Sự kiện hướng đến đối tượng là những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội; giới văn - nghệ sĩ, người tổ chức sự kiện và những khán giả quan tâm đến vấn đề này. 

Tọa đàm thu hút đông đảo sự quan tâm của những người làm công việc sáng tạo. (Ảnh: BTC) 

Sự kiện có sự góp mặt của Luật sư Phạm Duy Khương - người sáng lập và điều hành ASL LAW, GS. TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Không gian ươm tạo và đổi mới sáng tạo trường Đại học Ngoại thương (FIIS), giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà tư vấn về Sở hữu trí tuệ, Đổi mới và Thương hiệu. Tọa đàm còn có sự tham dự của nữ ca sĩ Gen Z Mỹ Anh. 

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Duy Khương chia sẻ: “Cái khó nhất của nghệ sĩ bây giờ là biết trong tay mình có những gì để mình bảo vệ và kiểm soát quyền”. Trong sự kiện, GS.TS Lê Thị Thu Hà đã phân tích những khó khăn phổ biến của các nhạc sĩ và nhà sáng tạo ở Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như nguồn lực hạn chế, hành vi xâm phạm quyền quá nhiều và khó kiểm soát,...

Luật sư Phạm Duy Khương nhấn mạnh các nghệ sĩ cần có đầy đủ kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ để đưa ra chiến lược lâu dài nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. (Ảnh: BTC) 

Diễn giả Lê Thị Thu Hà nhấn mạnh thách thức đầu tiên của những nhà sáng tạo là tốc độ lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng công nghệ và môi trường Internet. (Ảnh: BTC) 

Ca sĩ, nhạc sĩ Mỹ Anh bày tỏ sự lo ngại về hiện tượng cover AI trên thị trường âm nhạc. (Ảnh: BTC) 

Ngăn chặn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công cuộc đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên. Theo luật sư Phạm Duy Khương, các nghệ sĩ cần biết cách đưa tác phẩm lên một cách hợp pháp và lưu lại bằng chứng. GS.TS Lê Thị Thu Hà cho biết, cần ngăn chặn các sản phẩm “ăn theo” những tác phẩm có đăng ký bản quyền mà chưa xin phép chủ sở hữu. Trong trường hợp nghi ngờ một sản phẩm do AI tạo ra có sử dụng tác phẩm của mình, nghệ sĩ có thể khởi kiện hoặc yêu cầu gỡ bỏ. 

Một khán giả chia sẻ về cách các trường đại học ở Úc áp dụng các tiêu chuẩn riêng trong phần mềm để kiểm tra đạo văn cho các bài luận của sinh viên. (Ảnh: BTC) 

Tại buổi tọa đàm, mini show trình diễn nhạc Jazz với sự thể hiện của nhóm The Little Kings, ca sĩ Nguyễn Phương Hoa và Ban nhạc Bùng Binh đã mang đến một không gian nghệ thuật ấn tượng. Những ca khúc được thể hiện với nhiều màu sắc khác nhau, kết hợp với sự hòa âm phối khí tinh tế đã thổi hồn vào những giai điệu cổ điển, khi thì trầm lắng lãng mạn, lúc lại mãnh liệt phóng khoáng.  

Điểm nhấn văn nghệ tại hội thảo là bữa tiệc nhạc Jazz được chuẩn bị kỹ càng, công phu từ phần nghe đến phần nhìn. (Ảnh: BTC) 

Kết thúc sự kiện, bạn Hà Trang - sinh viên ngành truyền thông của  Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ “Đến với buổi tọa đàm mình mới thấy được tầm quan trọng trong việc nắm rõ những quyền lợi của các sản phẩm sáng tạo. Mình sẽ tìm hiểu sâu thêm về vấn đề để bảo vệ quyền lợi của mình trong tương lai”. 

Huyền Dịu - CJC

Phản hồi