Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Tiêu điểm \

Tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi trong ký ức Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu

12:06 01-06-2024
70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức tuổi thơ bên Bác Hồ của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng vẫn còn nguyên vẹn. Những chia sẻ của ông đã tô đậm thêm bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại nhưng đối với các em thiếu nhi lại như một người ông kính yêu và hiền hậu.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu từng nhiều lần được gặp Bác Hồ khi còn nhỏ. (Ảnh: Thúy Ngân)

Phóng viên: Được biết, Thiếu tướng sống trong gia đình có truyền thống được làm việc và ở cạnh Bác Hồ. Chắc hẳn ông từng được nghe ông, cha mình kể nhiều chuyện về Bác. Và được gặp trực tiếp Bác khi còn rất nhỏ tuổi, ông thấy Bác Hồ có gì giống và khác so với tưởng tượng?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Gia đình tôi có may mắn 4 đời được gặp Bác Hồ. Cụ tôi là bạn đồng môn với cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cụ tôi gặp Bác Hồ năm 1903, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc trên đường đi ra Hà Nội, dừng lại ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) và ngủ ở nhà tôi ít hôm. Ông nội tôi gặp Bác Hồ khi ông nội tôi 16 tuổi. Còn bố tôi là Hồ Viết Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa II, cũng đã có cơ hội được gặp Bác Hồ.

Những năm 1954 nhà tôi rất nghèo, nên bố tôi quyết định mang tôi lên Việt Bắc để chia sẻ nỗi vất vả với mẹ tôi. Tôi đi lên Việt Bắc đã được gặp Bác Hồ. Cái háo hức được gặp Bác Hồ là điều dễ nhận thấy đối với mọi đứa trẻ ngày ấy. Thế nhưng, khi được gặp Bác Hồ trực tiếp, thực sự tôi cảm thấy Bác Hồ như là một người ông vậy.

Mỗi chiều thứ bảy, tôi hay lên nhà Bác chơi. Rất nhiều lần tôi được Bác dặn dò, được Bác cho ngồi vào lòng và chỉ cho xem phong cảnh bên ngoài. Tôi cứ nhớ mãi theo tay chỉ của Bác, có núi rừng, nương ngô bên dòng suối, sương chiều… Tóm lại, ấn tượng của tôi đối với Bác Hồ lúc trẻ thơ là Bác như người ông của tôi vậy.

Hồ Sỹ Hậu (cậu bé trong ảnh) lọt vào bức ảnh Bác Hồ trò chuyện với 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ do nhiếp ảnh gia Vladimir Isurin chụp năm 1954. (Ảnh: Tư liệu) 

Phóng viên: Trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc, được quan sát cách Bác Hồ sống và làm việc, ông đã học được từ Bác những điều gì?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Những chuyện về Bác Hồ đã để lại trong tôi những kỉ niệm sâu sắc. Chỉ đến sau này tôi mới thấy tầm vĩ đại của nó. 

Hồi đó, nhà trẻ chúng tôi nằm trên đường từ nhà sàn đến đến nơi làm việc của Bác. Bác rất thích trẻ con, cứ chiều đi làm về lại sẽ ghé qua nhà trẻ thăm chúng tôi. Có một hôm, bạn Tộ ở lớp tôi gây sự và đánh nhau bạn khác nên cô Bắc (tên cô giáo) phạt hai bạn úp mặt vào tường.

Khi thấy Bác đi qua, bạn Tộ úp mặt vào tường một cách rất khắc khổ để tạo sự chú ý với Bác. Bác thấy vậy, hỏi chuyện cô, hiểu ra vấn đề rồi nói với cô giáo: “Bây giờ Bác bảo hai bạn xin lỗi nhau thì cô có tha cho hai bạn không?” Cô Bắc đồng ý. Thế là Bác gọi hai bạn vào, bảo: “Các cháu đánh nhau thế là sai rồi. Hai bạn bắt tay xin lỗi nhau đi”. Vậy là hai bạn làm hòa với nhau. 

Với một cậu bé 8 tuổi như tôi hồi đó, đây chỉ là một câu chuyện rất bình thường. Nhưng khi lớn lên, tôi mới thấy là cái tầm của Bác. Dù là một lãnh tụ nhưng khi nói chuyện với cô trông trẻ và các bạn nhỏ, Bác không hề tỏ ra một người ở địa vị cao hơn ra lệnh cho người có chức vụ thấp hơn, mà luôn nhẹ nhàng, quan tâm đến mọi người bằng cả cái tâm của mình.

Một câu chuyện khác, là vào ngày 19-5-1945. Hôm đó sinh nhật Bác, Bác cho chúng tôi uống thứ siro màu xanh, vị ngọt. Bác bảo: “Hôm nay là ngày vui của Bác nên Bác cho các cháu uống một chút, nhưng về không được bảo với bố mẹ là Bác cho uống nhé, uống rượu là xấu”. Tức là trong mọi hoàn cảnh, Bác luôn chủ động nhắc chúng tôi những gì nên làm, những gì không nên làm.  

Vẫn trong buổi sinh nhật Bác, một lúc sau, có một số đồng chí Điện Biên lên báo công, Bác không hề ngồi chỗ cao hơn các đồng chí ấy, mà lấy một cái ghế ngồi giữa các đồng chí để trò chuyện.  

Hôm ấy, có một anh quay phim đến quay lại quá trình làm việc của Bác. Thế là tôi được chụp ảnh chung với Bác và các chiến sĩ Điện Biên. Quả là một kỷ niệm không thể nào quên được! Sau này, khi Bác rời Việt Bắc về tiếp quản Thủ Đô, mỗi bữa cơm Bác đều gọi chúng tôi lên ăn cho vui, vì Bác quý trẻ con lắm!

Hồ Sỹ Hậu (cậu bé trong ảnh) cùng 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ chụp với Bác Hồ và các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Liêm. (Ảnh: Tư liệu) 

Phóng viên: Cậu bé Hồ Sỹ Hậu 8 tuổi ngày ấy đã từng mong muốn sau này sẽ gặp lại Bác với tư cách là “Anh hùng chiến sĩ thi đua”. Vậy ông đã hiện thực hóa ước muốn ấy như thế nào?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Sau khi tôi tốt nghiệp đại học thì chiến tranh nổ ra, tôi lên đường nhập ngũ. Đêm ngày 5-9-1969, biết tin Bác mất, tôi hết sức bàng hoàng. Lúc đó tôi chỉ có một ý nghĩ là muốn gặp Bác thôi. Nhưng với tư cách là “Anh hùng chiến sĩ thi đua” thì phải ở lại mặt trận nên tôi biết là hy vọng đó đã không còn. 

Rạng sáng ngày 6-9-1954, đơn vị của tôi bị máy bay B-52 ném bom, thương vong rất nhiều. Trên đường di tản, tôi gặp một anh thương binh đang nằm trên cán. Anh bị thương rất nặng. Tới trạm phẫu thuật, đau quá không chịu được nữa, anh gào lên: “Chắc tôi không qua khỏi rồi các đồng chí ơi! Bác mất rồi, nhưng chúng ta vẫn còn Đảng, còn quân đội, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng! Các đồng chí đừng nản chí nhé!”  Sau đó thì anh ấy hy sinh. Câu chuyện này, mỗi khi nhắc lại tôi lại không cầm được nước mắt. Chính ký ức ấy đã thôi thúc tôi tiếp tục chiến đấu và rèn luyện bản thân mình sau này. 

Phóng viên: Từ quá trình học tập và rèn luyện theo Bác suốt cuộc đời mình, ông có điều gì nhắn nhủ tới thế hệ trẻ và đặc biệt là các em thiếu nhi, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Với tư cách là một người lính đã đi qua chiến tranh, tôi chỉ muốn dặn dò các cháu rằng: Hãy học lịch sử, để không bao giờ quên một thế hệ cha ông đã hiến dâng trọn thanh xuân, trọn đời người cho độc lập dân tộc. Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu!

Nhóm sinh viên Báo Phát thanh K41

Phản hồi