Danh mục Thứ Ba, 17/09/2024

Tiêu điểm \

Ký ức khó phai của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tại “vùng lửa đạn” Trung Phi

11:10 31-05-2024
Cộng hòa Nam Sudan là quốc gia non trẻ nhất tại châu Phi và đang trực tiếp chịu tổn thương vì xung đột vũ trang. Theo nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã cử đoàn bác sĩ bệnh viện Quân Y 103 tới hỗ trợ khu vực trong 15 tháng. Trung úy Nguyễn Sỹ Công là một trong những đồng chí trẻ tình nguyện có mặt tại Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Phóng viên: Nhắc đến chiến sĩ mũ nồi xanh, nhiều người còn chưa rõ về tính chất công việc của các chiến sĩ. Anh hãy giải thích thêm về nhiệm vụ của mình? 

Trung úy Nguyễn Sỹ Công: Căn cứ theo Luật pháp Việt Nam, lính mũ nồi xanh là lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nhằm mục đích duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia và khu vực xảy ra xung đột trên thế giới. Lực lượng này được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đặt dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc.

Về nhiệm vụ chung, những sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình phải có năng lực thực hiện nhiệm vụ trong môi trường đa quốc gia, phải hiểu biết sâu, rộng về đối ngoại quốc phòng, có khả năng hợp đồng với sĩ quan nước khác cũng như quân đội, chính quyền, nhân dân nước sở tại. Do đó, dù là chiến sĩ thuộc bất kỳ binh chủng nào tại Việt Nam nhưng khi tới Nam Sudan sẽ đều thực hiện theo yêu cầu của Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, dù xuất thân là một bác sĩ Quân Y, nhưng tại khu vực này, tôi có thể linh hoạt nhiều vị trí cùng lúc, không chỉ riêng là nhiệm vụ làm bác sĩ. 

Phóng viên: Lần đầu tiên tham gia chuyến công tác cách quê hương gần nửa vòng trái đất, anh có cần nhiều thời gian để thích nghi? 

Trung úy Nguyễn Sỹ Công: Trước khi đến Nam Sudan, tôi cũng như tất cả đồng chí khác trong đoàn đều hoàn thành khóa huấn luyện đặc biệt về chuẩn bị kỹ năng sinh tồn và bảo vệ bản thân. Đồng thời, tôi cũng là bộ đội đã được huấn luyện chính quy tại cơ sở nhiều năm nên về cơ bản khi đến đây, thể trạng không khá ổn định. 

Tuy giữ được sức khỏe không đau ốm, bệnh tật nhưng tôi cũng khá chật vật để làm quen với đồ ăn tại khu vực. Đồ ăn chủ yếu do Liên Hợp Quốc cung cấp và hoàn toàn là đông lạnh. Chúng được chuyển từ kho thực phẩm ở châu Âu sang Ai Cập và tiếp tục từ Ai Cập vận chuyển đến Nam Sudan, cuối cùng mới chuyển vào căn cứ. Ví dụ như thịt bò, dù hình thức bên ngoài bắt mắt nhưng khi ăn thì toàn là bột, nhìn chung là cực kỳ khó ăn. 

Phóng viên: Trong 15 tháng công tác tại Nam Sudan, anh đã trải qua tình huống nào đặc biệt?

Trung úy Nguyễn Sỹ Công: 15 tháng không quá ngắn nhưng cũng chẳng quá dài, vì vậy tôi có khá nhiều kỷ niệm. Đó là những ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Nam Sudan. Và trong một lần đi thăm quan xung quanh khu căn cứ, tại một nhà ăn, tôi nhìn thấy lá cờ Việt Nam đang bị buộc lại, trong khi lá cờ của các nước khác vẫn bung ra bình thường. 

Tôi trực tiếp đi vào và gỡ nút cờ Việt Nam. Sau đó, tôi lịch sự xin lỗi các đồng chí quốc tế vì nếu có làm phiền tới họ. Đồng thời, tôi cũng nói với những người phục vụ rằng tôi không biết các bạn vô tình hay cố ý nhưng lá cờ này là đại diện cho Quốc kỳ của đất nước chúng tôi, xin hãy tôn trọng. 

Bung lá cờ Việt Nam là chuyện nhỏ nhưng để cờ Việt Nam sánh ngang vai với cờ các nước khác lại là chuyện lớn. Do đó, thay vì bỏ qua hay làm ngơ trước sự việc này thì tôi quyết định phải hành động sao cho xứng đáng với danh xưng “Bộ đội cụ Hồ”. 

Phóng viên: Người ta nhớ về một Hồng Quân Liên Xô anh dũng đương đầu với bè lũ phát xít tàn bạo và họ cũng ấn tượng về binh chủng xứ Mặt trời mọc với tinh thần Samurai thượng võ. Vậy, hình ảnh những anh “Bộ đội cụ Hồ” trong mắt bạn bè quốc tế như thế nào, thưa anh? 

Trung úy Nguyễn Sỹ Công: Tại khu căn cứ, ngoại trừ những người đã biết về đất nước ta ở thời điểm hiện tại thì hầu hết họ chỉ biết về một Việt Nam thời còn chiến tranh. Với riêng những người dân Nam Sudan, họ rất ngưỡng mộ chủ tịch Hồ Chí Minh, họ học hỏi về cách mạng Việt Nam, về những bước đi tạo nên chiến tích lịch sử của toàn dân tộc. Sự xuất hiện của lính mũ nồi xanh Việt Nam hiện diện tại Nam Sudan ngày hôm nay chính là động lực để họ tiếp tục hy vọng về một tương lai tươi sáng. 

Bên cạnh những người dân bản địa, tôi có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với nhiều chiến sĩ quốc tế đến từ Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc,... Những người bạn đến từ các quốc gia lớn dù biết Việt Nam đã kết thúc chiến tranh nhưng họ vẫn đinh ninh nước ta còn nghèo, lạc hậu và kém phát triển. 

Mỗi khi gặp tình huống như vậy, một người lính cụ Hồ như tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của một chiến sĩ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là “bảo vệ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”. Khi đó, tôi sẽ minh chứng cho bạn bè quốc tế thấy rõ sự thay đổi và phát triển của Việt Nam ngày nay. Sự ngạc nhiên của họ khiến tôi càng muốn chia sẻ rộng rãi hơn nữa về hình ảnh mới của đất nước mình. 

Trung úy Nguyễn Sỹ Công (chính giữa ảnh) luôn tự hào khi với danh xưng “bộ đội cụ Hồ” khi đứng cùng các đồng chí quốc tế. (Ảnh: Nvcc)  

Phóng viên: “Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau” - tôi nhớ mãi câu nói ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về một tình quân - dân Việt Nam thắm thiết qua bao đời. Tình cảm này với nhân dân ở Nam Sudan có gì khác biệt, thưa anh?

Trung úy Nguyễn Sỹ Công: Khác với khi ở Việt Nam, sau giờ làm tôi có thể giải trí bằng nhiều cách nhưng ở bên này sóng thì yếu, mạnh cũng kém thế nên tôi chọn đi ra ngoài gặp gỡ, giao lưu với người dân bản địa nhiều hơn. 

Thời tiết, khí hậu ở Nam Sudan vào mùa khô thì nắng và gió mạnh. Còn những ngày mưa bão thì đường đất trơn trượt, đi lại rất khó khăn. Vì vậy, người dân ở đây không hề thuận tiện trong việc trồng trọt và chăn nuôi. Biết được hạn chế của vùng đất này, tôi đã thử nghĩ cách xem có giống cây nào ở Việt Nam có thể thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây. May mắn là cây mồng tơi đã vượt qua bài kiểm tra. Sau đó, tôi đã hướng dẫn nông dân bản địa cách trồng. Họ rất thích và khi thu hoạch thành công, họ đem rau đi khoe khắp nơi. 

Bên cạnh việc giúp đỡ người dân Nam Sudan tăng gia sản xuất, tôi cũng có những khoảnh khắc khó quên cùng các bạn nhỏ ở gần khu căn cứ. Dù gặp rào cản về tiếng nói nhưng chúng luôn sẵn sàng bắt chuyện. Tôi giao tiếp với lũ trẻ ở đó bằng ngôn ngữ cơ thể, đoán ý hoặc nhờ chiến sĩ địa phương phiên dịch. 

Ngày đầu giới thiệu tên mình, từ “Công” khiến bọn trẻ ngắc ngứ mãi không thể phát thành âm hoàn chỉnh. Nhưng thật tình cờ, hôm đó tôi mặc áo cờ đỏ sao vàng Việt Nam, thế là tôi chỉ bọn trẻ phát âm hai tiếng “Việt Nam”. Cho đến những ngày sau gặp lại, bọn trẻ khi nhìn thấy tôi từ xa đều sẽ hô to và vẫy chào: “Việt Nam, Việt Nam”. Khoảnh khắc tên đất nước mình được xuất hiện và biết tới nhiều hơn tại một nơi xa lạ khiến tôi xúc động vô cùng!

Ngoài hai tiếng “Việt Nam”, tôi dần dần giới thiệu cho các bạn ấy nhiều hơn về văn hóa bản địa. Tôi chỉ cho bọn trẻ một vài bài hát đơn giản như: Cháu yêu bà, Ba ngọn nến lung linh, Bốn phương trời,...Đặc biệt là bài Cháu yêu bà, bọn trẻ rất thích và hát rất chuẩn lời. 

Bằng trái tim ấm áp và hành động thân thiện, trung úy Công nhận được nhiều tình cảm mến chân thành của trẻ em Nam Sudan. (Ảnh: Nvcc)  

Phóng viên: Có thể thấy, anh Trung úy 29 tuổi thương nhớ gia đình đến nhường nào qua lời bài hát mà anh ngân nga cùng trẻ trẻ nơi đây. Với anh, gia đình có ý nghĩa như thế nào trong suốt quá trình anh làm nhiệm vụ công tác? 

Trung úy Nguyễn Sỹ Công: Sự thật là không có cha mẹ nào muốn con cái phải chịu vất vả. Đặc biệt, khu vực Nam Sudan còn là một đất nước đang sa lầy trong xung đột nội bộ. Mặc dù nhiều cường quốc đang nỗ lực hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn, song tình hình vẫn chưa có tín hiệu tích cực, giao tranh vẫn diễn ra triền miên. Tuy nhiên, khi tôi thuyết phục gia đình với lý do hỗ trợ nước bạn đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hoàn thành nhiệm vụ của một người lính Việt Nam, cả nhà đã thông cảm và ủng hộ quyết định của tôi. 

Tôi nhớ trong một lần nghỉ phép về nước, mẹ đã chuẩn bị thêm nhiều quần áo trẻ con, đồ chơi, đồ ăn khô vào hành lý để tôi mang về Nam Sudan làm quà cho bọn trẻ. Đặc biệt nhất có lẽ là niềm tự hào và hãnh diện của ông bà tôi khi có đứa cháu là một người lính. Ngay từ khi còn nhỏ, ông bà đã luôn dạy tôi về những trận chiến lịch sử, về những sự hy sinh anh hùng, bất khuất. Vì vậy, chuyến công tác tại Nam Sudan như một cách để tôi cảm nhận rõ hơn một phần cực nhọc của những tháng năm ác liệt ấy. Dù cuộc sống nơi đây có khó khăn nhưng tôi luôn cảm thấy tràn đầy động lực để hoàn thành nhiệm vụ. 

Phóng viên: Chẳng hay điều này thuộc về bí mật quân đội, nhưng tôi vẫn tò mò rằng sắp tới chiến sĩ Nguyễn Sỹ Công sẽ có những dự định gì?

Trung ý Nguyễn Sỹ Công: Trong thời gian tới đây, Cục gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục có đợt tuyển quân tiếp tục viện trợ nhân lực cho Nam Sudan. Vì tinh thần yêu nước của một người lính cụ Hồ, vì lời hứa sẽ trở lại với các bạn nhỏ, tôi đã sẵn sàng hành trang để trở lại vùng đất đó.  

Bên cạnh đó, là một dự định tôi đã ấp ủ từ hồi còn ở Nam Sudan, tôi sẽ ra mắt cuốn sách nói về quá trình bản thân thực hiện nhiệm vụ của một người chiến sĩ bảo vệ hòa bình quốc tế. Cuốn sách có tên “Chiến sĩ mũ nồi xanh - người gieo hạt hòa bình” dự kiến sẽ xuất bản tại Sài Gòn vào đúng dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước tới đây. Tôi hy vọng, cuốn sách sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều độc giả.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nhóm sinh viên Báo Phát thanh K41

Phản hồi