Anh Nguyễn Văn Điển sinh ra và lớn lên tại thôn Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) trong gia đình có truyền thống ba đời làm nghề thêu. Gắn bó với nghề truyền thống từ khi còn nhỏ, anh đã tiếp cận và phát huy cơ nghiệp, nỗ lực mang văn hóa dân tộc đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế. Năm 2019 là cột mốc quan trọng trong quá trình cống hiến với nghề, anh đã giới thiệu bộ sưu tập “Khăn chầu áo ngự” trên sàn diễn thời trang của Tuần lễ thời trang và làm đẹp quốc tế Việt Nam. Đó là cột mốc tự hào và là động lực để anh cố gắng với những dự án lớn hơn nữa.
PV: Chào anh, là một người con làng nghề, tiếp xúc với nghệ thuật thêu tay truyền thống, cảm xúc của anh như thế nào khi là người đầu tiên giới thiệu nghệ thuật thêu tay truyền thống và trang phục “Khăn chầu áo ngự” trên một sàn diễn có ảnh hưởng quốc tế?
Nguyễn Văn Điển: Tôi rất vui mừng khi lần đầu tiên các trang phục hầu đồng được lên sân khấu trình diễn. Đây cũng là điểm mới của những mẫu trang phục này. Thời gian chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, tôi đã mất khoảng trên ba tháng. Tuy sản phẩm mình có rồi nhưng các công đoạn chỉnh sửa, chăm chút lại cũng mất khá nhiều thời gian để đưa tới cho khán giả cái nhìn cận nhất, chi tiết nhất về sản phẩm tâm huyết của mình. Sau sự kiện đặc biệt này, khán giả cũng như khách hàng của tôi cũng phản hồi rất tích cực, mong muốn sản phẩm được công bố rộng rãi hơn tới người dân trong nước cũng như quốc tế, để nước ngoài người ta biết tới nhiều hơn nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Tôi mong muốn không những bản thân mình mà những bạn trẻ, những thế hệ tiếp nối sẽ cống hiến hết mình cho Việt Nam, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, làm ra những sản phẩm tốt hơn để bạn bè quốc tế biết tới.
PV: Nghề thêu tay cần rất nhiều công sức từ người thợ thêu, đặc biệt với những trang phục phục vụ tín ngưỡng thờ Mẫu. Vậy anh có thể chia sẻ những nét đặc trưng về trang phục này và cảm hứng thiết kế nên sản phẩm độc đáo?
Nguyễn Văn Điển: Nét đặc trưng của những trang phục này là nó sẽ có nhiều màu khác nhau như: xanh, đỏ, tím, vàng. Từng trang phục đấy mình lại phải sử dụng hoa văn khác nhau, trang phục của hàng quan lớn mình lại phải thiết kế các chi tiết liên quan tới rồng, trang phục của các chúa chầu lại là sự kết hợp củ hoa, phượng, và các vân mây, hoa văn mềm mại hơn.
Cảm hứng thiết kế trang phục tôi thường tìm hiểu qua sách báo, tư liệu cổ ngày xưa, một phần cũng được lưu truyền từ các đời trước. Các mẫu hoa văn trên trang phục lấy cảm hứng từ cung đình Huế kết hợp với các mẫu hoa văn của Trung Quốc để tạo nên một sản phẩm hài hòa mang nét riêng của mình.
PV: Đối với trang phục thêu tay thể hiện tinh thần văn hóa tín ngưỡng dân tộc, anh có những yêu cầu gì khi thực hiện từ bước ban đầu đến khi hoàn thiện sản phẩm?
Nguyễn Văn Điển: Để có thể hình thành nên một bộ trang phục như thế này cần trải qua nhiều bước có độ chính xác cao. Bước đầu tiên mình cần thiết kế nên bản vẽ trước sau đó in lên chất liệu mình muốn thêu như gấm hoặc lụa. Công đoạn tiếp theo là bắt tay vào thêu từng chi tiết, cuối cùng là cắt nên thành áo. Trung bình một sản phẩm phẩm hoàn thành trong vòng một tháng rưỡi đến hai tháng. Có những bộ trang phục cầu kỳ thì lên tới nửa năm. Trang phục mà tôi tâm huyết nhất và cũng tốn nhiều công nhất, tôi làm mất khoảng tám tháng là áo long bào của vua trong cung đình Huế. Còn có những mẫu họa tiết, thiết kế đặc biệt chỉ riêng tiền nhân công thực hiện cũng đến 80 triệu.
Thêu tay cần độ tỉ mỉ và chính xác cao, từng công đoạn được đầu tư rất nhiều công sức, khắt khe với từng đường nét, và kiểm tra kỹ lưỡng quy trình làm việc của thợ may, đường nét phải tương đối chính xác. Cũng có nhiều lần mình thiết kế ra mẫu nhưng thợ thêu lại không làm đúng theo ý tưởng của mình thì cũng không sử dụng được. Tôi cũng từng phải bỏ rất nhiều sản phẩm vì nó không đảm bảo chất lượng.
PV: Hiện nay, các trang phục sử dụng thêu máy xuất hiện rất nhiều với giá cả cạnh tranh, điều này có tạo cho anh nhiều trở ngại? Anh nhận xét về những trang phục sử dụng máy móc để thêu như thế nào?
Nguyễn Văn Điển: Xã hội ngày càng phát triển hơn, xuất hiện nhiều công nghệ mới nên điều này cũng phụ thuộc vào kinh tế cũng như nhu cầu của khách hàng nhưng riêng tôi thì tôi vẫn giữ gìn cách thức làm sản phẩm thủ công 100% của các cụ ngày xưa
Sản phẩm thêu tay thủ công và sản phẩm thêu máy trên thực tế là khác nhau hoàn toàn, từ đường kim mũi chỉ, cách pha màu, lên màu, bản vẽ phối lên chi tiết sắc nét, có hồn và tinh tế hơn. Trang phục thêu bằng máy có thể nhanh hơn nhưng không thể so sánh được với đồ thêu tay. Bằng mắt thường, người ta cũng có thể nhận thấy sự chênh lệch tương đối nhiều
Với những họa tiết khó như mặt, mắt của rồng, phượng, công, con mắt là cửa sổ tâm hồn, mình vẽ làm sao để lên được khuôn mặt, đôi mắt làm sao cho có hồn. Thêu máy khó thể hiện được điều này
Để làm nên sản phẩm này có rất nhiều mẫu vải khác nhau có thể đáp ứng như gấm, lụa hoặc nhiều chất liệu mới bây giờ. Tuy nhiên, mỗi loại chất liệu lại cần độ tỉ mỉ, quan sát khác nhau để thêu tốt hơn. Mỗi nền vải khác nhau lại có một cách thêu khác để phù hợp hơn.
PV: Trong thời gian sắp tới, anh có những dự định gì để lan rộng nét văn hóa thêu tay và giới thiệu tín ngưỡng văn hóa rộng rãi hơn?
Nguyễn Văn Điển: Dự định trong tương lai, tôi ấp ủ mở rộng thêm các văn phòng triển lãm trang phục hầu đồng để cho khách hàng của tôi trong nước cũng như là quốc tế đến thăm quan và tìm hiểu về sản phẩm cũng như nét đẹp trong văn hóa thêu tay của Việt Nam. Sắp tới, tôi cũng đang xin Bộ Văn hóa để mở thêm các lớp dạy nghề để cho các bạn trẻ biết về nghề. Thời gian trước tôi cũng đã mở lớp rồi và hy vọng trong thời gian tới tôi có thể mở thêm để nghề này phát triển hơn.
Hiện tại tôi đang có ba cơ sở kinh doanh, với khoảng 80 thợ thêu. Trang phục hầu đồng mấy năm nay đang được nhiều người biết tới và chú ý, vậy nên số lượng sản phẩm cung cấp mới chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu thị trường, tôi đang muốn mở rộng thêm nữa để đáp ứng giữa chất lượng và số lượng làm sao cho tốt nhất. Đem đến cho khách hàng và khán giả sản phẩm độc đáo và mang tính bền vững.
PV: Cám ơn anh về những chia sẻ vừa rồi.
Phản hồi