Danh mục Thứ Bảy, 18/05/2024

Tiêu điểm \

"Ông tổ" nghề làm tranh kính Việt Nam  

23:34 03-05-2024
Là người mở đường cho nghề làm tranh kính nghệ thuật ở Việt Nam, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Hồng Vinh (Sơn Tây, Hà Nội) đã dành hơn 35 năm miệt mài nghiên cứu và xây dựng thành công thương hiệu Vinh Coba - thương hiệu tranh kính nghệ thuật mang đậm dấu ấn dân tộc. 

Chặng đường theo đuổi đam mê

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh (63 tuổi, Sơn Tây), hay thường được biết đến với tên gọi Vinh Coba, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ Phần Kính nghệ thuật COBA. Ông bắt đầu sự nghiệp từ niềm đam mê với gốm sứ và không ngừng sáng tạo, biến những ý tưởng chưa ai có thành hiện thực, khiến tranh kính Vinh Coba trở thành một biểu tượng nghệ thuật độc đáo.

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã tiên phong trong việc ứng dụng màu men gốm ceramic vào tranh kính, để tạo ra những tác phẩm kính nghệ thuật độc đáo. Ông đã sáng tạo ra vô số tác phẩm ấn tượng từ kính, làm đẹp cho nhiều công trình kiến trúc, nhà thờ, khách sạn trên khắp cả nước. Những thành tựu này đã giúp tranh kính Vinh Coba nhận được nhiều giải thưởng danh giá, khẳng định tài năng của ông trong ngành nghệ thuật thủ công.

Năm 2023, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh vinh dự nhận giải thưởng tại cuộc thi sáng chế quốc tế tổ chức tại Liên bang Nga. (Ảnh: Bảo Khanh)  

Năm 1988, ông Vinh bắt đầu bén duyên với nghệ thuật gốm sứ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990, ông đã chuyển hướng sang nghiên cứu lĩnh vực mới - nghệ thuật kính. Sau thời gian dài nghiên cứu, liên tục thử nghiệm các kỹ thuật mới, ông bắt đầu sản xuất tranh kính đá mài (sản phẩm tranh kính đời đầu), tạo ra những tác phẩm tranh kính đá mài độc đáo. Năm 1994, ông Vinh chế tạo thành công máy phun cát đầu tiên. Một thời gian sau, ông đã thành công trong việc ứng dụng màu men gốm vào tranh kính, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của mình. 

Theo ông Vinh, khó khăn lớn nhất đối với ông bấy giờ là không có người “cầm tay chỉ việc". Nghề này không có ai đi trước để hướng dẫn, các kiến thức chỉ được nghe hoặc nhìn qua trên Internet, mà thậm chí giai đoạn đó Internet còn chưa phát triển như hiện nay. 

Dù con đường hành nghề gặp vô vàn khó khăn, nhiều lần bị phá sản, tinh thần sáng tạo và niềm đam mê với nghệ thuật kính vẫn thôi thúc ông Vinh tiếp tục tìm tòi, thí nghiệm các kỹ thuật mới. “Tôi vừa làm vừa tự nghiên cứu, không có thầy, và tự tìm ra một lối đi mới, cách làm mới trong nghề về tranh kính. Tôi luôn muốn làm và tìm ra những cái mới mà trên đời chưa ai làm thì tôi làm” - nghệ nhân Phạm Hồng Vinh chia sẻ. 

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh thực hiện công đoạn mài cho tác phẩm “Lá Bồ đề" hoa văn rồng Lý đạt giải thưởng OCOP. (Ảnh: NVCC)  

Với hành trình nghiên cứu dày công của mình, năm 2012, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã được cấp bằng độc quyền sáng chế về quy trình sản xuất tranh kính. Đến năm 2021, ông được trao tặng bằng khen và cúp vàng người có công lao đóng góp nghiên cứu sáng tạo và phát triển nghề Tranh kính siêu bền tại Việt Nam. 

Độc đáo tranh kính nghệ thuật Vinh Coba

Tranh kính Vinh Coba là tác phẩm nghệ thuật thủ công độc đáo được tạo ra qua 8 công đoạn. Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh cho biết, đầu tiên phải bắt đầu bằng việc phác thảo trên giấy và vẽ phối cảnh để tạo hình cơ bản. Tiếp theo, người thợ sẽ thiết kế đồ hoạ và cắt vi tính. Sau đó sẽ bắt đầu dán bịt vi tính (đề can) lên kính để chuẩn bị cho công đoạn phun cát áp lực, nhằm khắc các nét vẽ lên kính. Công đoạn tiếp theo là mài để tạo hình nhám sần trên bề mặt và hoàn chỉnh các chi tiết điêu khắc, khi hoàn thành sẽ tiến hành phun sơn màu và cho vào lò nung. 

Với nhiều công đoạn cầu kì, tranh kính Vinh Coba được định giá theo kích thước từng bức tranh. Những bức tranh có hoạ tiết đơn giản có giá 2 triệu đồng/mét vuông, còn những bức tranh có hoạ tiết phức tạp hơn, như các bức tranh kính nhà thờ, có giá 6 triệu đồng/mét vuông.  

Công đoạn bịt vi tính bức tranh kính với hoạ tiết gà. (Ảnh: Bảo Khanh)  

Tranh kính Vinh Coba có 2 loại là tranh kính có màu và tranh kính không màu. Đối với những bức tranh kính không màu, công đoạn khó thực hiện nhất theo ông Vinh là công đoạn thiết kế đồ hoạ và tạo hình. “Tạo hình đẹp thì bức tranh sẽ đẹp, chỉ cần tạo hình tốt thì không cần màu bức tranh kính vẫn sẽ gây ấn tượng" - ông Vinh khẳng định.  

Còn đối với những bức tranh kính màu, khi bắt đầu công đoạn phun màu, cần phải lật ngược bức tranh đã dán đề can, sau đó phun đến mảng màu nào mới bóc mảng đề can màu đó. “Đây là công đoạn khó nhất trong tất cả các khâu bởi nó đòi hỏi người thợ phải “vẽ ngược”, vẽ mà không nhìn thấy gì ở dưới cả. Để thực hiện kỹ thuật “vẽ ngược” này, người làm cần phải “thuộc” bức tranh. Mỗi khi phun màu thì phải quyết định được trình tự phun các mảng màu với nhau. Mọi người trong xưởng sẽ làm theo tôi chỉ đạo” - nghệ nhân Phạm Hồng Vinh cho biết.  

Nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà - học trò của ông Phạm Hồng Vinh thực hiện công đoạn phun sơn màu. (Ảnh: Bảo Khanh) 

Điểm độc đáo của sản phẩm tranh kính Vinh Coba còn nằm ở việc ứng dụng các công nghệ tân tiến trong sản xuất. Ông Phạm Hồng Vinh cho hay, cách đây khoảng một thập kỷ, ông đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ Gluchip vào sản xuất tranh kính. Công nghệ này cho phép tạo ra những đường vân trên kính một cách tự nhiên và tinh tế, giống như hình dáng của lá sen, tạo nên các sản phẩm kính nghệ thuật rất đặc sắc. “Đây là một trong những “đặc sản” của sản phẩm nhà tôi" - ông cho hay. 

Ngoài ra, sản phẩm tranh kính Vinh Coba còn có khả năng thấu quang, khiến cho ánh sáng đi qua tranh tạo ra màu sắc rất đẹp mắt. Điều này giúp tranh kính của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh được ứng dụng vô cùng đa dạng. Hiện tranh kính của ông có hơn 40 ứng dụng mỹ thuật công nghiệp trong đời sống, từ bát, đĩa, ấm, chén… đến các kiến trúc nội ngoại thất như vách kính, tranh kính nhà thờ… Người nghệ nhân này tâm sự, hiện ông đã làm tranh kính cho gần 100 nhà thờ ở các tỉnh miền Bắc. 

Các sản phẩm tranh kính Vinh Coba sau khi nung khuôn được ứng dụng làm đèn và các vật dụng khác. (Ảnh: Bảo Khanh)  

Chia sẻ về mong muốn phát triển nghề trong tương lai, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh trăn trở: “Tôi đã suy nghĩ vấn đề này lâu rồi. Dù được UNESCO Việt Nam công nhận là nghề nhưng hiện nay số người làm còn ít lắm. Tôi mong nhà nước và các hiệp hội làng nghề đưa nghề này vào giảng dạy để nghề phát triển.” 

Ấp ủ khát khao đó, người nghệ nhân ngoài 60 tuổi vẫn ngày đêm say mê nghiên cứu nghệ thuật, luôn tìm tòi, đổi mới và sáng tạo, đồng thời kiên định gìn giữ những giá trị truyền thống trên từng tác phẩm, mong mỏi đưa những dấu ấn đặc trưng của Việt Nam vươn xa hơn ra thị trường thế giới. 

Bảo Khanh - MĐT K41

Phản hồi