Danh mục Chủ Nhật, 06/10/2024

Tiêu điểm \

Nữ họa sĩ Thanh Huyên kể chuyện sử qua từng nét vẽ

08:00 23-06-2024
Đặng Thị Thanh Huyên, một nữ họa sĩ trẻ đã thành công làm nên tên tuổi cùng 2 đứa con tinh thần mang tên “Việt sử diễn họa” và “Hào khí ngàn năm”. Tình yêu của nữ họa sĩ dành cho lịch sử nước nhà được gửi gắm qua từng dự án tâm huyết.

Bước chuyển mình định mệnh

Dù bắt đầu tình yêu với hội họa từ những năm tháng còn học lớp 7 nhưng nữ họa sĩ không được bố mẹ ủng hộ đi theo con đường này. Thanh Huyên kể lại bố từng khuyên con gái nên tìm một công việc nhà nước ổn định. 

Cô nàng theo học ngành quản lý đất đai, nhưng khi ra trường vẫn quyết tâm theo đuổi hội họa cho tới ngày nay. Thanh Huyên bắt đầu nhận ra niềm đam mê với lịch sử từ thời điểm đi làm tại một công ty sản xuất phiên hoạt hình. Chính tại nơi này cũng đã giúp nữ họa sĩ có sản phẩm đầu tiên mang tên “Hào khí ngàn năm”. 

Thanh Huyên bắt đầu nhận ra tình yêu dành cho Lịch sử vô cùng tình cờ. (Ảnh: NVCC)

Nữ họa sĩ bắt đầu kiểu nghiên cứu lịch sử để phục vụ cho công việc của hội họa của mình trong dự án phim “Hào khí ngàn năm”. Nhưng cơ duyên này đã đưa Thanh Huyên chạm tới đam mê với lịch sử. “Với mình, nghiên cứu lịch sử không chỉ là công việc mà giờ còn là tình yêu, đam mê của mình”. 

Giữa nhiều nguồn nội dung, Thanh Huyên lựa chọn khai thác nội dung về lịch sử qua tranh vẽ vì thị trường truyện tranh lịch sử dành cho thiếu nhi còn khá hẹp. Nếu có thì sẽ được thể hiện bằng những rất nhiều chữ, điều này không phù hợp với trẻ em. Vì thế, Thanh Huyên quyết định ấp ủ và thực hiện thành công, xuất bản “Việt sử diễn họa”. 


Lịch sử nước nhà trở nên gần gũi hơn qua từng nét vẽ trong “Việt sử diễn họa”. (Ảnh: Comet Withouse)

Sáng tạo bằng “ngọn lửa” tình yêu lịch sử 

Trong quá trình khai thác các đề tài hay tìm cảm hứng sáng tác, nữ họa sĩ trải qua không ít khó khăn vì đây là một trong những mảng đề tài khó. Được biết dự án “Việt Sử diễn họa” là đứa con tinh thần chị dành nhiều tâm huyết. Trong quá trình nghiên cứu, tìm tài liệu, nữ họa sĩ đã tìm đọc nhiều tư liệu chữ Hán, chữ Nôm xưa và tới Bảo tàng để xem và quan sát những trưng bày cổ. Đôi khi, Thanh Huyên còn phải tìm và dịch tài liệu từ Trung Quốc và đối chiếu với thời kỳ của Việt Nam, xem có điểm giống và khác nhau. 

Việt Nam là một nước có bề dày lịch sử vẻ vang và nhiều giá trị. Trong quá trình tìm kiếm chất liệu tạo nên cuốn “Việt sử diễn họa”, Thanh Huyên được tìm hiểu thêm quy chuẩn ăn mặc, quy chuẩn lễ phục của vua, chúa và quan.

“Việt sử diễn họa” là một trong những đứa con tinh thần Thanh Huyên dành nhiều thời gian ấp ủ. Nữ họa sĩ nói: “Giai đoạn đầu, khi chuẩn bị là giai đoạn khó khăn nhất”. Việc đầu tiên là tìm tài liệu. “Khi tìm kiếm, mình sẽ nghiên cứu xem vào thời kỳ trước Ngô Đinh Trần Lê mình sẽ mặc trang phục gì, kiến trúc ra sao hay đến thời Lý, Trần, Lê, thời Nguyễn sẽ thiết kế như thế nào?”. 

Khi đã có chất liệu để sáng tạo, cô nàng trải qua quá trình tái hiện và biến những hình ảnh lịch sử mang thêm hơi thở của thời đại và gần gũi với thiếu nhi qua từng nét vẽ. Thanh Huyên cảm thấy vô cùng bất ngờ về tình cảm của độc giả, công chúng đón nhận hai sản phẩm. “Rất may mắn khi sách xuất bản xong, tác phẩm nhận được nhiều sự đồng tình và yêu mến từ phía công chúng”, Thanh Huyên nhớ lại kể.

Là một người trẻ lựa chọn đi theo con đường sáng tạo nội dung về lịch sử, Thanh Huyên trăn trở và ấp ủ nhiều về những dự án về lịch sử tiếp theo trong tương lai làm sao để gần gũi và dễ tiếp cận tới các bạn trẻ hơn nữa. Cô nàng bật mí về dự án game tái hiện về thời nhà Nguyễn sẽ được ra mắt sớm trong năm 2024 này. 


Mỗi chi tiết, hình ảnh đều được Thanh Huyên cố gắng truyền tải dễ hiểu nhất. (Ảnh: NVCC)

Lịch sử vốn là một trong những nội dung khó tiếp cận với người trẻ. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều bạn trẻ theo đuổi con đường này và truyền cảm hứng tới mọi người. Là một họa sĩ cũng đang trên con đường theo đuổi đam mê dành cho Lịch sử, Thanh Huyên gửi gắm tới các bạn trẻ có chung niềm yêu thích với cô: “Hãy luôn tìm tòi, hoàn thiện và phát triển bản thân thì một ngày gần nhất, bạn sẽ nhận lại những gì hoàn toàn xứng đáng”.

Minh Anh, Gia Linh - MĐT K41

Phản hồi