Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

NSNA Trần Hồng: “Nhà báo không làm nên lịch sử nhưng không có họ thì lịch sử không được ghi lại”

15:41 20-06-2024
Ở tuổi 77, Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cho biết, ông vẫn luôn cống hiến, theo đuổi “sở thích” chụp ảnh của mình và chưa từng từ bỏ nó.

 Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng. (Ảnh: NVCC)

Đại tá Trần Hồng (SN 1949) là nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh gắn với đề tài chiến tranh. Ông là người con của vùng quê Hà Tĩnh. Sự nghiệp của Đại tá Trần Hồng chính là hàng nghìn bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của những người lính ở tuyến đầu, khai thác hình ảnh những người mẹ hy sinh thầm lặng ở hậu phương và đặc biệt hơn chính là "thước phim" đời thường quá đỗi chân thực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá có biệt danh là “Người kể chuyện bằng hình ảnh”, không biết cơ duyên nào ông chuyển sang mảng hình ảnh báo chí, Báo ảnh Việt Nam?

Để mà nói về cơ duyên thì không có, chỉ là mình nhận được sự phân công của tổ chức nên làm theo. Hồi đó, Bộ quốc phòng về Hà Tĩnh chọn 60 người từ các trường phổ thông, cấp ba; lấy những người giỏi nhất thì may mắn thế nào lại có tên trong danh sách. Không phải lý tưởng hay gì, Tổng cục Chính trị khuyến khích những người học xong làm phóng viên chiến trường và tôi thấy yêu thích với việc chụp ảnh nên theo. 

Sau đó về làm cho báo Quân đội nhân dân một thời gian ngắn, các sếp thấy có “nhiệt huyết” nên chuyển cho sang làm phóng viên đặc biệt cho báo ảnh Việt Nam - tờ báo đối ngoại duy nhất lúc ấy. Chuyển sang đó được 8 năm từ 1973 đến 1981, đó là 8 năm tuyệt vời trong cuộc đời làm nghề của tôi.

Nhà báo có 1 kho tàng 2000 ảnh đồ sộ về Đại tướng kính yêu Võ Nguyên Giáp, cơ duyên nào để ông được Đại tướng đồng ý cho chụp ảnh? 

Bình thường, chỉ có duy nhất 1 phóng viên điện ảnh của Thông tấn xã Việt Nam là được đi theo chụp. Còn Báo Quân Đội khi có sự kiện gì liên quan đến quốc phòng cũng chỉ có 1 phóng viên ảnh và thường là trưởng hoặc phó ban mới được đi chụp bác Giáp. Còn như tôi thì còn lâu, không biết được bao giờ mới có thể tiếp cận được. 

Tháng 10 năm 1994, khi Đại tướng Võ nguyên Giáp hỏi: “Cậu vào đây để làm gì” thì tôi có trả lời rằng: “Dạ tôi vào đây để xin phép được chụp ảnh Đại tướng”. Khi ấy tôi có cái nhìn trực diện với Đại tướng thì tôi thấy đó là một “thông điệp” rất tuyệt vời mà không phải người nào cũng có thể làm được như vậy. Và Đại tướng nói rằng: “Hãy để cho đồng chí phóng viên Trần Hồng báo Quân đội nhân dân này vào gặp tôi bất kỳ lúc nào”. Sau ngày hôm đó, tôi ở cùng Đại tướng từ 5 giờ sáng tới 21 giờ 30 phút tối và là ngày thu hoạch được nhiều ảnh nhất. 

Khi tiếp xúc, chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều như vậy, ông có kỉ niệm nào đáng nhớ với Đại tướng không?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ông rất tôn trọng sự thật dù sự thật ấy có khó tin hay gồ ghề thế nào đi chăng nữa. Ông từng nói rằng: “Hồng ơi, khi em quan sát 1 sự kiện, 1 con người, em phải quan sát tới cùng để tìm được cái bản chất thật”. Vậy nên tôi là người rất tôn trọng sự thật. 

Năm 1992, khi mở triển lãm tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội, sau khi xem ảnh. Bác Giáp có hỏi: “Đồng chí phóng viên báo ảnh Quân đội nhân dân, hãy cho tôi biết đâu là bức ảnh đẹp nhất trong 87 bức ảnh này?”. Đó là điều rất khó trả lời nhưng tôi đã dõng dạc nói: “Thưa Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, 87 bức ảnh này của tôi, tôi thích tất cả vì tất cả đây là của tôi”. Chắc có lẽ vì “cá tính” của tôi nên Đại tướng mới đồng ý cho tôi được đi theo và chụp ảnh.

 Một số ảnh lưu niệm tại góc làm việc của nhà báo Trần Hồng. (Ảnh: PV)

Lúc đi tác nghiệp, đi lấy tin chiến trường chắc chắn có những khó khăn, gian khổ vậy đã bao giờ ông suy nghĩ lại về quyết định ban đầu của mình?

Là một chiến sĩ trong quân đội thì việc suy nghĩ lại là việc không cho phép. Bất kỳ ai, không phải thích hay không thích nhưng khi đã mặc quân phục rồi, anh phải buộc thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên đó là quan trọng nhất. Và khi tôi trở thành sĩ quan rồi thì việc đó lại càng phải rất nghiêm túc, không được có sự do dự hay hối hận. 

Trở thành phóng viên mặt trận chiến trường rất nguy hiểm vì chưa nói đến là có chụp được ảnh đẹp hay không, nhưng nếu không đủ “thông minh” sẽ rất dễ thiệt mạng. Nơi chụp ảnh đẹp nhất là nhìn chính diện từ trên cao để thấy bao quát được cả chiến trường, nhưng đó cũng là nơi nguy hiểm nhất mà địch dễ dàng nhìn thấy và tiêu diệt. Chụp ở dưới thấp thì ảnh lại không đẹp, không thấy được toàn cảnh. Đó là sự xung khắc kinh khủng giữa tính mạng và nghề nghiệp.
 

Bức ảnh nổi tiếng "Quân ta xông lên kẻ thù đổ gục" của nhà báo Trần Hồng. (Ảnh: NVCC) 

Đất nước bây giờ đã vào thời bình, ông còn đi theo chủ đề khai thác chụp ảnh lúc ban đầu không?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thế giới bên kia được 12 năm rồi, nhưng tôi vẫn đang được chụp ảnh và khám phá thêm rất nhiều về Đại tướng. Dù không được chụp trực tiếp nhưng chụp về những gì liên quan đến bác thì cũng như đang chụp người. 

Về chân dung các bà mẹ thì tôi không buông bỏ được. Cách đây 2 tuần, tôi có về Quảng Trị và chụp được hai bà mẹ rất tuyệt vời. Được chứng kiến cảnh các mẹ dũng cảm, mất đi tất cả các con nhưng vẫn sống thọ tới hơn trăm tuổi, chia sẻ với tôi rằng mẹ phải sống thay cho con của họ. Lắng nghe câu chuyện như vậy cũng khiến tôi như được tiếp thêm một nguồn năng lượng vô hình, tiếp tục chủ đề này. 

Là một phóng viên, đặc biệt là phóng viên chiến trường Đại tá có lời khuyên nào cho các phóng viên trẻ về cách gìn giữ, tuyên truyền lịch sử của dân tộc Việt Nam không?

Tôi không khuyên gì, vì mỗi giai đoạn có 1 hoàn cảnh riêng, suy nghĩ và điều kiện làm việc riêng. Thế nhưng đã làm báo thì cần tôn trọng sự thật. Sự thật là thiêng liêng nhất, bất di bất dịch và trong hoàn cảnh nào cũng không thể bẻ cong được. Ngày nay vẫn có 1 số nhà báo xuyên tạc sự thật, tôi mong rằng họ sẽ quay về lại đúng con đường. Vì mục đích của 1 nhà báo là phải tuyên truyền, bảo vệ sự thật và đưa đến trước công chúng.

Xin cảm ơn Đại tá vì buổi trò chuyện ngày hôm nay!

Ánh Dương

Phản hồi