Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

Thế hệ trẻ đang cá nhân hóa ngành Mỹ thuật như thế nào?

18:44 19-06-2024
Mỹ thuật ứng dụng hiện đại ngày càng đem lại cho giới trẻ nhiều cơ hội phát triển và nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên thực tế không phải ai cũng có khả năng trở thành một danh họa nổi tiếng.

"Mỹ thuật không đơn giản chỉ nằm trên giấy, nó đem lại nhiều giá trị cao và rất cao", chị Lan Anh (23 tuổi, Hải Dương) hiện là Master, giảng viên đào tạo ngành nails - mi tại Laven Beauty & Academy chia sẻ. "Ước mơ làm họa sĩ từ nhỏ nên sau này mình học vẽ và thi vào chuyên ngành thiết kế đồ họa. Tuy nhiên với mong muốn vừa làm đẹp, vừa sáng tạo, mình quyết định "đá chân trái" sang ngành nails".

 Trần Lan Anh (23 tuổi, Hải Dương) hiện là Master, giảng viên đào tạo ngành nails - mi tại Laven Beauty & Academy. (Ảnh: NVCC)

"Không đơn giản như vẽ trên giấy, nails nghệ thuật cần kiểm soát tốt cả bàn tay và hơi thở. Mình thường tìm ý tưởng từ các chất liệu khác nhau như sơn dầu, gỗ, vải, đá hay dòng tranh phục hưng, tranh Đông Hồ… tất cả đều được tái hiện và sáng tạo trên móng".

Sản phẩm học viên thực hiện tại Laven Beauty & Academy. (Ảnh: NVCC) 

Chị cho biết bộ môn vẽ tạo hình trên móng đòi hỏi sự kiên trì và khổ luyện không ngừng. Đổi lại, nếu ai quyết tâm với nghề thì nghề sẽ không phụ lòng bạn bằng một con số không tưởng.

Cùng đam mê hội họa, anh Phạm Văn Long (29 tuổi, Hải Phòng) hiện đang là họa sĩ, CEO, giảng viên tại Picorner kể về hành trình theo đuổi nghệ thuật. "Mình được học vẽ ôn thi khối V rất sớm nên đã xác định sau này sẽ làm gì đó liên quan đến mỹ thuật".

Phạm Văn Long (29 tuổi, Hải Phòng) họa sĩ, CEO, giảng viên tại Picorner. (Ảnh: NVCC)

Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc trường Đại học Phương Đông, anh Long không theo đúng ngành mà lựa chọn trở thành "người truyền lửa".

"Hồi sinh viên, mình đi vẽ tường, vẽ tranh nghệ thuật và dạy vẽ để kiếm tiền, ngoài ra còn đào tạo thêm các bạn sinh viên có chung niềm yêu thích hội họa. Mình đã theo công việc này đến nay được 8 năm". 

 Sản phẩm Mỹ thuật ứng dụng do anh Long thực hiện. (Ảnh: NVCC)

Quá trình thực hành mỹ thuật đã giải phóng tinh thần cho người nghệ sĩ hiện thực hóa tư tưởng, anh Long nói " Mỹ thuật ứng dụng góp phần tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong đời sống, đồng thời thể hiện sự sáng tạo và tư duy thẩm mỹ".

Chia sẻ về công việc giảng dạy, anh Long cho hay sau 8 năm có cơ hội được lan tỏa niềm đam mê hội họa với những học viên từ nhỏ đến lớn tuổi, dù làm các ngành nghề khác nhau nhưng mỗi người đều có một nghệ sĩ bên trong tâm hồn.

Có thể thấy Mỹ thuật ứng dụng nói chung và hội họa nói riêng có ảnh hưởng một phần không nhỏ tới đời sống xã hội. Thế hệ trẻ Việt Nam đã và  đang làm tốt trong việc nắm bắt xu hướng, khai thác mọi ngóc ngách nhằm lan tỏa, đưa Mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế.  

Vũ Hoài Thu

Phản hồi