Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

“Nhà báo vẽ nhà báo” – Bảo tàng ký ức và khát vọng của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

20:52 07-03-2022
Sự cách ly xã hội trong đại dịch Covid-19 có thể nhấc con người ra khỏi “ bình thường cũ” vốn có, tạo ra những rào cản nhất định nhưng không thể cản con người sáng tạo. Cũng như bạo bệnh không thể ngăn nổi sự háo hức về niềm vui sống mãnh liệt của “ông vua phóng sự ” nổi tiếng Huỳnh Dũng Nhân trong triển lãm tranh của chính mình “ Nhà báo vẽ nhà báo”.

Khát vọng sống mỗi ngày

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân phát biểu ở buổi triển lãm của chính mình.

Nhà văn Nam Cao từng nói “người có cái chân đau có bao giờ nghĩ đến điều khác đâu ?. Trái ngược với điều đó, dù là một người vừa trải qua cơn tai biến “ thập tử nhất sinh”, nhưng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn miệt mài yêu và sống, vẫn cống hiến, vẽ những bức tranh làm đẹp cho đời để hiện thực hóa giấc mơ thuở nhỏ. Mới chỉ cầm cọ vẽ hơn bốn tháng, nhưng ông đã vẽ tới 400 bức họa. Ông vẽ nhanh, vẽ mọi lúc, thậm chí những người theo dõi ông còn phải kinh ngạc vì nửa đêm vẫn thấy ông đăng “ đứa con" vừa được hoàn thiện của mình lên mạng xã hội.

Nhà báo chia sẻ trong triển lãm thế này: “Trong chín tháng bị tai biến vừa qua, tôi mới tập vẽ chân dung hơn bốn tháng. Vừa bị cách ly dịch, vừa bị liệt nửa người, tôi chọn cho mình cách vẽ để chiến thắng bệnh tật, chống trầm cảm, hâm nóng đam mê vẽ vời mà tôi đã có từ… nửa thế kỷ trước và muốn đóng góp chút gì đó nhỏ bé vào công cuộc chống dịch COVID-19”.

Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá phát biểu trong buổi triển lãm. 

Giảng viên Ngô Văn Giá, nguyên chủ nhiệm khoa Viết văn – Báo chí Đại học Văn hoá Hà Nội trong buổi khai mạc cũng đã chia sẻ sau khi xem những bức hoạ của Huỳnh Dũng Nhân“Lòng khát sống, yêu sự sống đã làm nên năng lượng của Huỳnh Dũng Nhân, yêu cuộc đời, yêu bạn bè, yêu nghề nghiệp, yêu những trang sách, sản phẩm mà mình tạo dựng...tôi luôn luôn cảm phục một tấm gương lao động, trước một sức sống, khả năng cống hiến và tình yêu đối với sự sáng tạo của Huỳnh Dũng Nhân”.

Sự kỳ diệu ấy nằm ở chỗ, những bức tranh của ông luôn cổ động, động viên con người trước cuộc đời, trước dịch bệnh, trước những ngày đen tối, những bức tranh đầy tinh thần lạc quan, niềm hy vọng, những bức tranh mang sứ mệnh gieo mầm động lực, chúng như hạt giống ấp ủ hạnh phúc, như ánh lửa truyền vào bàn tay của cộng đồng.  

Cầm cọ để lai vãng về những ký ức mến thương

Huỳnh Dũng Nhân thích vẽ chân dung, bởi nó khiến ông cảm thấy như mình đang được giao tiếp với nhân vật. Ông vẽ về những người bạn thân thân thiết, với những ký ức về họ. Chia sẻ thêm về lý do lựa chọn tranh chân dung: “Thứ nhất là đang dịch bệnh, mình lấy ảnh bạn bè trên Facebook để vẽ cho đỡ nhớ. Thứ hai là chân dung nói được nhiều điều, mình vẽ xong mình tặng bạn bè thì mình lại kết nối được với bạn bè. Thứ ba là cái thần của con người nó hiện lên trong bức hình, thì nó không khác gì mình trò chuyện với mọi người. Tôi vẽ những người tôi có kỷ niệm, vẽ những người tôi có ấn tượng, vẽ những người tôi có tình cảm, nên rất nhiều câu chuyện khi tôi vẽ tôi nói thầm với họ rằng ở mỗi bức tranh tôi đều kể chuyện về người đó.”

Những bức chân dung về bạn báo của Huỳnh Dũng Nhân.

Dù vẫn còn mang tính chất nghiệp dư, song tranh của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được nhiều khán giả, nhiều hoạ sĩ tên tuổi đánh giá cao bởi phong cách, cái hồn từ những bức hoạ. Hoạ sĩ, NSND Hà Bắc nhận định về tranh của Huỳnh Dũng Nhân: “luôn thể hiện một sự an nhiên tự tại, tự tin trong cách vẽ, tự tin trong cách nhìn…, bố cục lạ, mảng màu trong trẻo. đặc biệt là chân dung thần thái, đã đạt được. Tôi nhìn nhận anh Nhân là người bất khuất. Vì thế, tôi vẽ tóc anh ấy dựng ngược lên. Một người mà đến sợi tóc cũng không bao giờ chịu nằm”. Năng lượng của “nhà vẽ” Huỳnh Dũng Nhân thật sự khiến người ta phải nể phục. Vì với ông, không có khái niệm nghỉ hưu. Ông bảo, 60 tuổi vẫn còn sung sức lắm, đặc biệt với nghề viết.

Nghệ sĩ Hà Bắc giao lưu cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. 

Triển lãm còn bao gồm Bộ sưu tập tranh áp phích chống dịch và mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Việc kết hợp triển lãm chân dung nhà báo và giới thiệu bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid càng làm cho triển lãm có chiều sâu hơn, sau nhiều thời gian hoãn do dịch, hôm nay sự kiện được tổ chức thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu và thắng dịch của cả nước. Đây cũng là sự kiện hoàn thành ước mơ của tôi, gồm ước mơ viết và vẽ, là hoạt động cực kỳ đáng nhớ đối với nghề và cuộc đời của tôi ”.

Những tấm áp phích được khán giả ghi nhận và khen ngợi bởi cái hồn rất thời sự, rất nhân văn của những tấm áp phích, tràn trề nhựa sống và tình yêu vô tận với con người và cuộc đời.

“ Là nhà báo thì hãy viết đi ” nguồn cảm hứng cho những người làm báo trẻ

Tại buổi triển lãm, còn có sự góp mặt của các bạn sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đại học Văn hóa Hà Nội,.... Giao lưu với lớp trẻ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân rất mực nhiệt huyết khi đưa ra những lời khuyên dành “Là nhà báo thì hãy viết đi, làm văn đi, có mục đích một chút.  Đề tài quanh ta, nhân vật quanh ta, vốn liếng nó ở trong ta,…tại sao ta không viết, cứ đi tìm đề tài ở đâu đâu, hãy cứ những thứ đó mà viết, rất nhiều thứ để viết…”

Một bạn sinh viên đang chăm chú quan sát những bức chân dung. 

Cũng chính sự chân thành và gần gũi với sinh viên như vậy mà từ buổi triển lãm, có rất nhiều sinh viên cảm thấy được truyền động lực từ ông, bạn Đỗ Thị Thanh Tâm, sinh viên chuyên ngành Báo In, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết “ Mình thấy bác là một người rất đáng ngưỡng mộ, sau khi được tiếp xúc, được nghe bác ấy chia sẻ và tận mắt ngắm nhìn những bức tranh bác vẽ, mình cảm thấy trân quý cuộc đời và những thứ gần gũi bình dị thân thương xung quanh ta hơn và cảm thấy bản thân có định hướng rõ ràng hơn trong con đường làm báo”. 

Như chim én miệt mài bay qua mùa đông lạnh giá, để có thể nhìn thấy mùa xuân của nắng ấm dịu dàng và hạnh phúc, của sức sống tràn trề. Con thuyền cũng ngày đêm căng buồm vượt qua đại dương để đến được chân trời mong đợi, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân như “ chú ong" miệt mài cần mẫn đã sống, yêu, viết và cống hiến suốt hơn 40 năm qua. Ông là một chân dung mẫu mực, một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, không chỉ học riêng về nghề báo, mà còn về cuộc đời.

 

 

Lê Thảo, Ảnh: Nguyễn Hoàng Liên (Báo In K40)

Phản hồi