Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

Nữ sinh viên kể chuyện đi làm gia sư: nói dối là điều bình thường?

10:00 25-02-2022
"Đăng ký đi dạy kèm, đã nộp phí nhận lớp nhưng lại bị yêu cầu nói sai sự thật về thông tin cá nhân để lừa dối gia đình học sinh", Bùi Thị Duyên - cô sinh viên năm hai kể về trải nghiệm lần đầu đi làm thêm khi mới lên đại học.

Hiện nay, đi làm thêm đã trở thành lựa chọn của đa số các bạn sinh viên bởi việc này vừa tạo ra thu nhập hỗ trợ cha mẹ vừa cho người trẻ cơ hội tích luỹ kinh nghiệm trước khi chính thức tự lập. "Gia sư" là một trong những công việc làm thêm phổ biến của sinh viên. Các trung tâm gia sư chính là cầu nối cho sinh viên với các gia đình cần bồi dưỡng kiến thức cho con em mình. Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái có điều kiện học tập tốt nhất, vì vậy, họ tìm kiếm gia sư học tại các trường đại học danh tiếng. Điều đó dẫn đến hiện tượng nhiều trung tâm gia sư ép các bạn sinh viên phải nói sai thông tin về trường mình đang theo học.

Bạn Bùi Thị Duyên – một sinh viên năm hai Học viện Ngân hàng đã có những chia sẻ về việc từng phải thực hiện hành vi này khi mới chập chững bước vào cánh cổng đại học.

Khoảng giữa học kỳ I năm nhất, Duyên đang tìm kiếm công việc làm thêm và bắt gặp thông tin tuyển gia sư tiếng Anh lớp 6 trên mạng. Nhà của học sinh này nằm trên phố Chùa Bộc, rất gần Học viện Ngân hàng nên bạn đã nhắn tin cho người đăng bài để xin thông tin lớp học. Duyên nhận được một bản hợp đồng cùng yêu cầu chuyển 600.000 đồng phí nhận lớp.

 

 

Một số điều khoản trong hợp đồng.

 

Sau khi hoàn tất thủ tục, trung tâm gia sư báo với Duyên, gia đình học sinh lớp 6 chưa cần người dạy gấp nên sẽ chuyển bạn sang dạy tiếng Anh lớp 7 cho học sinh khác và bạn sẽ được đi dạy ngay ngày hôm sau. Họ yêu cầu Duyên giới thiệu với phụ huynh mình là sinh viên năm ba Đại học Ngoại thương.

“Nghe đến đây thì mình cảm thấy rất khó hiểu. Mình hỏi họ tại sao phải nói dối thì họ trả lời rằng sinh viên ai cũng như vậy hết. Họ nói đó là một điều bình thường và khuyên mình phải mạnh dạn lên” – Duyên cho biết.

Duyên được yêu cầu học thuộc một số điều cơ bản về Đại học Ngoại thương. Trong trường hợp phụ huynh cần bằng chứng, trung tâm sẽ làm thẻ sinh viên và đưa cho bạn vào buổi học sau.

“Mình lưỡng lự vì không muốn phải nói dối nên đã đi hỏi dì mình cũng đang là sinh viên. Dì có kể bạn dì cũng làm gia sư và nói dối như thế nên mình quyết định nhận công việc” – Duyên kể lại.

Tuy nhiên, ngoại hình còn non nớt của cô sinh viên năm nhất đã khiến mẹ học sinh nghi ngờ và yêu cầu Duyên nói thật khi buổi học đầu tiên kết thúc. Duyên kể lại toàn bộ sự việc rồi tìm đến chi nhánh chính của trung tâm để giải quyết. Quản lý nơi này cáo buộc Duyên đã vi phạm hợp đồng vì cách dạy của bạn không phù hợp với học sinh, khiến phụ huynh không hài lòng nên sẽ mất một nửa số tiền đã đóng. Nếu Duyên đồng ý dạy một lớp khác, họ sẽ chuyển nửa còn lại vào phí nhận lớp tiếp theo. Trong trường hợp ngược lại, trung tâm sẽ không hoàn tiền.

Duyên chia sẻ: “Mình trình bày rằng phụ huynh không hề chứng kiến buổi học nên không thể nói rằng họ không thích cách dạy của mình nhưng quản lý trung tâm đều để ngoài tai. Sau nhiều tranh cãi, mình quyết định huỷ hợp đồng bởi mình hối hận vì việc làm trước đó của bản thân và cũng hoàn toàn không thích việc phải lừa dối người khác. Mình đi tìm công việc khác và coi số tiền đã mất là “học phí” để trưởng thành hơn”.

Trung tâm gia sư này có nhiều chi nhánh nhỏ ở Hà Nội, khá đông sinh viên đã đến đây để kiếm việc làm. Người nào nói dối trót lọt thì tiếp tục dạy, không làm được thì vi phạm hợp đồng, số tiền mà sinh viên đã đóng, trung tâm nghiễm nhiên được hưởng. Vốn dĩ sinh viên đi làm để có thêm thu nhập, nay lại lỡ đóng tiền cho trung tâm, vậy nên làm theo yêu cầu của họ là lựa chọn duy nhất nếu không muốn “mất trắng”. Bên cạnh đó, hình thức gia sư “gắn mác” này có thể tồn tại được cũng là do các bậc phụ huynh quá coi trọng danh tiếng mà không nhìn vào năng lực thật sự của người dạy học. Cha mẹ học sinh cần quan tâm hơn đến quá trình học tập của con em mình và lựa chọn gia sư có phương pháp dạy phù hợp với nhận thức của các em, giúp cho việc học thêm tại nhà có hiệu quả thực sự. Đồng thời, để ngăn chặn hành vi trái đạo đức và pháp luật của các trung tâm gia sư, các cơ quan có thẩm quyền cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức dạy kèm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Việc bị lừa đảo hay bóc bột sức lao động khi đi làm thêm không còn xa lạ khi xã hội ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi biến những sinh viên nhẹ dạ thành con mồi để kiếm chác. Các bạn sinh viên cần phải tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định nhận việc để tránh gặp phải các hình thức lừa đảo này.

Thuỷ Tiên TTĐCK40A2

Phản hồi