Danh mục Thứ Sáu, 26/04/2024

Tiêu điểm \

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: không chỉ “liều” ở tuổi 68 mà còn “liều” cả đời

21:45 07-03-2022
3/3, triển lãm “Nhà báo vẽ” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã được khai mạc tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam và nhận được nhiều sự hưởng ứng của công chúng. Đây được xem là một dấu mốc "liều" đáng nhớ ở sinh nhật tuổi 68 của tác giả. Cũng nhân dịp này, những tâm sự chân thật về "cuộc đời liều" của nhà báo được truyền tải tới công chúng bạn đọc một cách sâu sắc.

“Liều” ở tuổi 68

Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo nổi tiếng được biết đến nhiều với những bài phóng sự vô cùng chân thực, sinh động và đặc biệt nhận được hiệu ứng xã hội cao. 

Về triển lãm, “Nhà báo vẽ” (3/3-15/3) hiện đang được nhiều người quan tâm, theo dõi bởi nội dung ý nghĩa nằm sâu dưới ngòi cọ của cây bút phóng sự Huỳnh Dũng Nhân. Qua sự kiện “liều” này, mọi người có thể thấy được những tình cảm và bản lĩnh của ông, không chỉ thể hiện qua sự nghiệp viết văn, làm báo, mà còn về lĩnh vực hội hoạ.

Triển lãm còn nổi bật, thú vị và khác biệt bởi tác giả của những tác phẩm đặc sắc này chính là một nhà báo. “Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một triển lãm độc lập gồm các tác phẩm tranh vẽ của một nhà báo”, giám đốc Bảo tàng Báo chí đặc biệt chia sẻ.

Triển lãm tranh “Nhà báo vẽ” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại Bảo tàng Báo chí

(Ảnh: Trang Trần) 

Trong buổi khai mạc triển lãm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã phát biểu về quyết định quan trọng và đặc biệt “liều” này của mình. Nhà báo cho biết: “Hôm nay, sau bao lần trì hoãn, tôi quyết định không thể trì hoãn được nữa. Mặc dù đợt dịch hơi cao, nhưng với quyết tâm chiến thắng đại dịch, quyết tâm thực hiện ước mơ được vẽ, tôi quyết định chọn ngày sinh nhật của mình để khai mạc buổi triển lãm”. 

 

Khoảnh khắc “nhà báo vẽ” Dũng Nhân thổi nến chúc mừng sinh nhật trong ngày khai mạc buổi triển lãm quan trọng. (Ảnh: Trang Trần) 

Có thể nói, buổi triển lãm là một dấu mốc vô cùng quan trọng đánh dấu cái “liều” mới nhất của nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. Tại buổi khai mạc, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã khen ngợi và gọi người bạn thân của mình bằng cái tên nghề “nhà vẽ” vô cùng dí dỏm. Vì vậy, giờ đây cây phóng sự tài hoa Huỳnh Dũng Nhân không chỉ được biết đến là một nhà báo, nhà văn mà còn là một… “nhà vẽ”. 

Các tác phẩm chân dung (khổ tranh 70x90, bản gốc A3, A4) và apphich cổ động tuyên truyền được trưng bày tại triển lãm một cách ấn tượng (Ảnh: Trang Trần) 

Cái “liều” đã nhận được thành công là thế, nhưng khi hỏi về việc có quyết định vẽ tranh hay không nếu như căn bệnh đột biến và việc cách ly không xảy ra, nhà báo Nhân vẫn chia sẻ thật lòng: “Chắc chắn là không! Bởi vì ta đang được tung vẫy ngoài đường, thì ta cứ đi, tại sao ta ngồi ở nhà làm gì. Nếu như không có sự kiện này thì cũng không biến nguy thành cơ được. Thay vì ngồi nằm than thở, nằm chờ chết; thì ta phải biến nó thành cái tích cực. Cũng từ đó mà người ta bảo tự nhiên lại sinh ra thằng hoạ sĩ vớ vẩn, mà lại chỉ vì hắn bị bệnh. Thế mới bảo trong cái nguy có cái cơ!” 

“Liều! Đời tôi còn nhiều cái liều lắm!”

Trong buổi gặp gỡ trò chuyện, “nhà báo vẽ” Huỳnh Dũng Nhân luôn nhiệt tình, vui vẻ chia sẻ những câu chuyện quý báu từ kinh nghiệm làm nghề đến những sự kiện “liều” của mình một cách đầy hãnh diện. 

Hình ảnh “cây bút” phóng sự Huỳnh Dũng Nhân khi còn trẻ. (Ảnh: Fb “Huynh Dung Nhan”)

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm báo, Huỳnh Dũng Nhân đã mang trong mình cái chất của người viết văn, làm báo từ nhỏ. Và những “cái liều” của Huỳnh Dũng Nhân đa phần được bắt đầu từ cái sự nghiệp văn, báo của ông. 

Nhắc về “cái liều” đầu tiên, ông không hề ngần ngại chia sẻ và xem như một kỷ niệm vui: “Hồi nhỏ, tôi đã từng bỏ nhà để đi bộ theo cái đường tàu, để xem nó dài đến đâu, xong mệt quá nên mới phải "bò" về”. Ông còn kể, ngày còn đi học, ông đã từng “liều mạng” đệm đàn mandolin cho đội văn nghệ của trường khi không có ai đệm, dù chỉ mới ở giai đoạn tập tành.

Cuộc đời nhà báo Nhân còn là một chuỗi xê dịch, khi ông vẫn luôn “đi và viết”, làm nghề và trải nghiệm bằng hết sức lực và đam mê. Trong những lần đi đó, cái “liều” ở ông luôn bộc lộ và tạo nên sức sống và nhiệt huyết ở một con người có tâm và có tầm. “Có một lần tôi đi về Nghệ An để thăm một người bạn, có đi qua một thanh tà vẹt bắc qua cầu, lại không có tay vịn. Nếu muốn đi an toàn lại phải đi vòng rất xa, còn đi qua cái cầu này thì chỉ mất có mấy chục mét thôi, mà rơi xuống nước khác nào như mít rụng. Nhưng, tôi vẫn liều đi qua, và cuối cùng vẫn qua được bình thường” nhà báo kể lại. 

Cây phóng sự Dũng Nhân còn tâm sự thêm: “Tôi còn một cái liều khác đó là, tôi không biết gì về piano, nhưng tôi dám và viết ngay một bài về một nghệ sĩ piano nổi tiếng vừa mới đoạt giải”. Ngày Huỳnh Dũng Nhân đang chỉ là một “phóng viên bụi bặm”, nhưng khi Hội nhà văn đề cử ứng cử đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh (1999-2004), ông cũng đã “liều mạng” nhận lời và tham gia bầu cử. Kết quả, phóng viên ngày ấy đã trúng cử và chính thức trở thành Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh một cách bất ngờ mà như ông nói vui “cho thiên hạ ngạc nhiên chơi”. 

Trong buổi gặp gỡ, ánh mắt nhà báo Nhân luôn sáng lên trong những câu chuyện mà ông kể. Chắn hẳn, đó luôn là những niềm tự hào, những dấu mốc đặc biệt đánh dấu một quá trình “liều” thật khác người của cái tên Huỳnh Dũng Nhân.

Là một người hay rong ruổi khắp các tỉnh thành, cuộc đời ông đã có nhiều trải nghiệm ấn tượng, những câu chuyện sâu sắc. Để giờ đây, chữ “liều” được nhắc lại một lần nữa trong câu chuyện làm nghề của một nhà báo chân chính. “Trong sự nghiệp làm báo, tôi nhiều cái liều lắm!” ông Nhân thốt lên đầy vui vẻ.

Không chỉ vậy, báo Dũng Nhân cũng đã sớm bén duyên với nghề cầm bút từ năm 1968, để rồi cuộc đời ông “viết văn liều, viết báo cũng liều”. Trong văn chương, ông liều viết sách, làm thơ. Trong nghề báo, ông liều đi, tác nghiệp và viết phóng sự. Nhà báo tự hào tâm sự: “Đã có những người mà tôi nghĩ là mình không thể phỏng vấn được họ, nhưng vì tôi liều đến gặp mặt, người ta thấy tôi hỏi câu hay nên là sẵn sàng trả lời luôn. Chứ thật ra tôi tự cảm thấy cái tầm của mình không đạt ở mức được như thế. Tôi đã từng được phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cũng đều được thích, đơn giản là vì tôi… liều!”

Cái “liều” của ông còn lẫm liệt hơn bao giờ hết khi ông không chỉ đi, tìm đề tài, viết về những con người, sự kiện ở trong nước, mà còn sẵn sàng “xông pha” xuyên biên giới để tìm được sự đa dạng về chủ đề và góc nhìn. Trong đó, ông có một chuyến làm phóng sự về buôn lậu biên giới khi sang nước ngoài. Từ những khó khăn đầu tiên như bị bà buôn bắt bỏ hết giấy tờ, dẫn sâu sang biến giới đến hơn 50 km, nhà báo cùng người đồng nghiệp của mình vẫn sẵn sàng xông pha tìm kiếm sự thật, mặc dù trong người không có đến một mảnh giấy vụn. Để lấy được thông tin, hai người đã phải giả vờ bị câm điếc, giả làm người bản địa. Với những kinh nghiệm lành nghề của mình, Huỳnh Dũng Nhân cùng đồng nghiệp đã qua nhiều cửa ải vì không ai có thể nhận ra họ là những nhà báo. “Đến lúc về Việt Nam, hai bọn tôi ở trên xe, gặp nhiều tình huống nhưng vẫn giả vờ câm điếc, rồi giả vờ ngủ và luôn ngầm quan sát hết tất cả sự việc. Đấy! Ngày trước tôi liều đến thế cơ mà! Không biết sợ là cái gì. Miễn là có được bài báo hay!” nhà báo tâm huyết kể.

Cái “liều” trong cuộc đời của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhiều là vậy, nhưng đối với ông, chưa một lần ông rơi vào tình thế nguy hiểm. Bởi, như ông đã nói “liều ở đây không phải là liều theo hướng tiêu cực”, mục đích “liều” của ông chính là thực hiện phóng sự, phản ánh hiện thực và đặc biệt là “liều” có chừng mực. Ông nói về những phóng sự mình đã viết: “Phóng sự của tôi không cần phải chính xác đến mức chỉ mặt điểm tên người ta ra. Tôi chỉ viết nên những gì mà mình đã chứng kiến. Như cảnh tôi thấy họ thả hàng buôn lậu từ trên núi xuống chẳng hạn. Việc điều tra kĩ càng, rõ hơn thuộc về những người điều tra trực tiếp, còn tôi chỉ viết phóng sự thôi”.

Những chia sẻ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không chỉ là tâm sự hay câu chuyện; mà còn là những kỹ năng, kinh nghiệm của một người làm nghề nghiêm túc, lâu năm đã trải qua và đúc kết. Bởi, ông vẫn luôn giữ quan điểm, một bài báo hay mà ảnh hưởng tới cả tính mạng của người làm báo và người khác thì sẽ mất hay, “liều thì liều, nhưng đảm bảo tính mạng là trên hết”.

Trang Trần (Báo In K40)

Phản hồi