Danh mục Chủ Nhật, 19/05/2024

Tiêu điểm \

Nguy cơ “mắc bẫy” bóc lột sức lao động

23:05 06-05-2024
Trong thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều người dân bị lừa đảo thông qua những bản hợp đồng lao động “mập mờ”. Điều này là hồi chuông báo động khi chỉ cần thiếu cảnh giác, các bạn trẻ hoàn toàn có thể bị “mắc bẫy” không được ký kết hợp đồng theo đúng pháp luật, dẫn tới nhiều hệ quả khôn lường.

Chiêu trò “đổi trắng thay đen”

Cùng chung một cách thức không rõ ràng trong thỏa thuận lao động, ngày nay việc nhiều công ty, doanh nghiệp đang cố tình chèn ép, “bóp” đồng lương và lạm dụng sức lao động của người trẻ. 

Dù đã thống nhất với chủ quán, khối lượng công việc mà Ngô Diệu Linh (20 tuổi, nhân viên phục vụ bán thời gian tại một quán cà phê trong quận Cầu Giấy) làm trong một ngày sẽ là 4 tiếng, nhưng trên thực tế mỗi ngày Diệu Linh đều phải làm thêm từ 2-3 giờ so với thỏa thuận ban đầu dù không có tiền lương làm thêm ngoài giờ hay hỗ trợ nào. Diệu Linh chia sẻ: “Gần như ngày nào mình cũng vẫn phải làm thêm giờ để dọn dẹp mà không được thêm phụ cấp”.

 Mỗi ngày Diệu Linh đều phải làm nhiều tiếng hơn so với quy định mà không được phụ cấp chi phí làm thêm giờ. (Ảnh: Cẩm Tú)

Nhiều doanh nghiệp, công ty để nhằm trục lợi và chống lại những quy định về luật lao động còn thay đổi hình thức ký kết hợp đồng, nghĩ ra nhiều chiêu trò, lý do để qua mắt người lao động cũng như các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Không ít các bạn trẻ trong quá trình đi tìm công việc, đặc biệt đối với những công việc bán thời gian, thường xuyên phải đối diện với tình trạng không được ký hợp đồng lao động chính thức với lý do thời gian làm việc ngắn, “đang trong quá trình thử việc”, “những việc nên làm để học hỏi kinh nghiệm”,... Những lý do này nghe có vẻ rất hợp lý nhưng thực chất chỉ là chiêu trò “đổi trắng thay đen” nhằm mục đích tiết kiệm được chi phí nhân công, đồng thời chủ doanh nghiệp cũng đạt được khối lượng công việc nhiều so với dự định.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần phải thấy rằng, dù đã đủ tuổi lao động nhưng do còn thiếu kinh nghiệm và nhẹ dạ cả tin, chưa suy nghĩ và tìm hiểu thấu đáo nên nhiều người trẻ vẫn dễ dàng vướng phải những tình trạng như thế này.

Nguyệt Ánh (24 tuổi, nhân viên bán quần áo tại một cửa hàng trong quận Hoàn Kiếm) cũng bày tỏ sự mệt mỏi khi bị chèn ép vì khối lượng công việc: “Dù đã làm được 2 năm nhưng mình vẫn chưa được công ty ký hợp đồng chính thức. Vì thế nhiều khi mình không những phải tăng ca không lương, mà còn làm những việc không trong phạm vi công việc ban đầu như đổ rác, bê hàng từ kho lên cửa hàng, kiểm tiền hàng ngày... Thậm chí mình còn bị cắt giảm lương lễ, tết; giảm phần trăm lương tăng theo năm trái với luật lao động không lý do”.

 Hàng ngày, Nguyệt Ánh đều phải làm những công việc vốn dĩ không phải là của mình. (Ảnh: Cẩm Tú)

Việc nhiều người trẻ bị “bóc lột sức lao động” khi làm việc không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế, thời gian mà thậm chí còn đe dọa trực tiếp tới sức khỏe cũng như tinh thần của người lao động. Trong thời gian dài, không chỉ chất lượng công việc không được đảm bảo mà chính cá nhân ấy cũng mất dần đi sự nhiệt huyết, sự chú tâm trong công việc vì mỗi ngày phải làm quá sức trong thời gian dài.

Phải tìm đến thuốc an thần mới có thể ngủ, Phương Thảo (22 tuổi, nhân viên Marketing của một công ty truyền thông tại quận Đống Đa) chia sẻ: “Vì mình làm việc tại công ty với vị trí nhân viên Marketing part-time nên sẽ không được ký hợp đồng chính thức. So với thỏa thuận về khối lượng bài trên JD (bản mô tả công việc) ban đầu, số lượng bài viết thực tế mình phải làm mỗi tháng luôn nhiều gấp đôi hoặc gấp ba. Với khối lượng công việc áp lực như vậy, nhiều lúc mình mệt mỏi đến mức phải tìm đến những liệu pháp trị liệu về tâm lý, hoặc sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần,... Thời gian dành cho bản thân, gia đình hay bạn bè cũng bị giới hạn đi rất nhiều.”

Phương Thảo cũng nhấn mạnh thêm, dù đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên để giảm khối lượng công việc song bất thành, những thứ Thảo nhận lại cũng chỉ là sự im lặng hoặc yêu cầu hoàn thành công việc với lý do đây là cách để nâng cao năng lực chuyên môn.

Bạn L. (22 tuổi) đi học trên trường các buổi sáng trong tuần và tiếp tục làm thêm công việc ở một thẩm mỹ viện trên đường Cầu Giấy vào buổi chiều. Do vừa đi học, vừa đi làm nên L. luôn cảm thấy bị áp lực và không đủ sức khoẻ, điều này ảnh hưởng khá nhiều tới kết quả học tập của L.: “ Có những hôm làm việc đến tối, sáng hôm sau mình lại tiếp tục đi học, mình thường ngủ quên và cảm thấy rất mệt mỏi.”

Hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ lao động

Theo điều 6 trong Bộ luật lao động 2019 số 45/2019/QH14, người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ: “Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động”. Như vậy nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản rõ ràng, chi tiết với người lao động; hành vi này có thể được coi là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý đúng theo cơ chế xử lý vi phạm ở điều khoản, mức độ tương ứng.

Theo Chuyên viên Pháp lý Nguyễn Việt Hoàng, người trẻ mới tham gia vào thị trường lao động cần chủ động tìm hiểu công việc và tham vấn những người đã từng có kinh nghiệm trong cùng ngành nghề, đồng thời cần nắm rõ các thủ tục pháp lý như hợp đồng lao động, Luật lao động để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân.

Vấn đề mật thiết được đặt ra trong bối cảnh thị trường lao động nhộn nhịp như hiện nay đòi hỏi nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về pháp luật hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lí nhà nước về lao động với các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý về lao động các cấp với nhau và các cơ quan hữu quan khác.

Tình trạng thiếu minh bạch, “bóc lột sức lao động” vì không được ký hợp đồng làm việc chính thức có thể coi như một loại virus độc hại dần dần ăn mòn, rút cạn sức khỏe của người lao động nếu như không được đặt lên bàn cân và soi xét nghiêm túc. Cần phải có một giải pháp cụ thể, sự vào cuộc, rà soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng và các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ người lao động và dập tắt mưu đồ bất chính của những công ty, doanh nghiệp đang thực hiện “chiêu trò” này. Ngoài ra chính bản thân các bạn trẻ cũng cần tự trang bị kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu luật, thỏa thuận rõ ràng để không dễ dàng bị bóc lột sức lao động và tìm được một công việc phù hợp hơn.

Cẩm Tú - MĐT41

Phản hồi