Danh mục Chủ Nhật, 19/05/2024

Tiêu điểm \

“Giải khát” nguồn nhân lực ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam

21:32 06-05-2024
Ngày 1/4/2024, Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch Quy hoạch điện lực VIII, nâng tỷ trọng điện năng lượng tái tạo (NLTT) lên hơn 30% cơ cấu nguồn điện vào năm 2050. Với mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần phải chuẩn bị số lượng lớn nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Thông tin từ Bộ Công thương năm 2022 cho thấy nhu cầu năng lượng của Việt Nam không ngừng tăng trưởng với tốc độ 6%/năm lên 7,6%/năm giai đoạn 2010 đến nay. Xét riêng về NLTT, năm 2020, sản lượng điện sản xuất từ NLTT chỉ đạt 12.083 triệu kWh, chiếm chưa đến 5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Con số này đã tăng hơn 2 lần vào năm 2021, cho thấy sự chuyển dịch rõ nét từ nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh những năm gần đây.

Thực tế tỉ lệ nghịch với tiềm năng

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế về lộ trình toàn cầu tương thích 1,5°C cho thấy ngành năng lượng tái tạo đang sở hữu tiềm năng tạo việc làm vô cùng to lớn. Dự kiến đến năm 2030, ngành này sẽ tạo ra 38 triệu việc làm mới, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 43 triệu vào năm 2050, gấp đôi so với mức dự báo theo các chính sách và cam kết hiện tại.

 Lĩnh vực năng lượng mặt trời được dự đoán sẽ dẫn đầu về số lượng việc làm trong ngành năng lượng tái tạo vào năm 2050, với 19,9 triệu vị trí. Các ngành tiếp theo là năng lượng sinh học (13,7 triệu), điện gió (5,5 triệu) và thủy điện (3,7 triệu) - theo COBENEFITS. (Ảnh: INFRACOASIA)

Tại Việt Nam, với quyết định tăng tỷ phần năng lượng tái tạo từ 10.7% lên 30% trong Quy hoạch điện VIII, chính phủ đã mở đường cho gần 1 triệu việc làm/năm được tạo ra từ ngành điện đến năm 2030. Trong đó nổi bật là điện gió và năng lượng mặt trời, với khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. 

Tuy nhiên trên thực tế, công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió trong ngành điện Việt Nam chưa cao khiến nhu cầu và nguồn nhân lực chuyên môn kĩ thuật trong các tiểu ngành không nhiều. Thêm vào đó, cơ cấu lao động trong ngành NLTT ở Việt Nam chiếm đa số vẫn là nhóm lao động tay nghề thấp (tốt nghiệp cấp 2, cấp 3) hoặc không có tay nghề (tốt nghiệp tiểu học, không có trình độ học vấn). Hậu quả là những kỹ sư được tuyển thiếu cả kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết cho nhiều công đoạn cụ thể của ngành như: quá trình xây dựng nhà máy điện, đấu nối lưới điện, vận hành và giám sát hệ thống từ xa,...
 

 Vấn đề của chung của ngành năng lượng là cơ cấu lao động không có tay nghề và tay nghề thấp. Đối với NLTT - lĩnh vực có nhiều chuyển giao công nghệ mới, việc thiếu nhân lực cao có tác động không nhỏ tới quy mô và tốc độ mở rộng của ngành. (Ảnh: COBENEFITS)

Đánh giá của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế cho thấy chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề hiện nay ở Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo. Mặc dù nhiều kỹ sư điện đã được đào tạo tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, nhưng kiến thức chuyên môn về hệ thống NLTT nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. 

Phát biểu tại Buổi lễ Khởi động Dự án Công trình Hiệu quả Năng lượng 2023, ông Phạm Huy Tuấn (Đại diện đối tác đồng hành Hội Kỹ Sư trưởng CEA) khẳng định: “Thách thức lớn nhất hiện nay là năng lực người vận hành kỹ thuật. Thực tế tại Việt Nam chưa có đào tạo chính quy về Kỹ sư trưởng. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo ngắn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đặc thù công việc kỹ thuật mà mới chỉ dành ở mức khái niệm”. 

Năm 2017, Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM tiên phong là cơ sở giáo dục bậc cao đầu tiên tuyển sinh ngành NLTT. Đến năm 2023, chỉ có thêm 6 trường mở ngành này với chỉ tiêu ít ỏi từ 50 - 100 sinh viên mỗi trường. Con số này chưa tương xứng với tiềm lực và định hướng của ngành NLTT trong tương lai, nhất là khi Việt Nam đang chuyển đổi hiệu quả ngành điện từ việc thay thế năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch. Ước tính, việc thay thế các nhà máy nhiệt điện than với các hệ thống pin mặt trời và tua-bin gió tạo ra thêm xấp xỉ 2 việc làm trên trung bình một Megawatt được lắp đặt vào 2030. 

Bên cạnh đó, NLTT là lĩnh vực mới nên hạ tầng của ngành tại Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào công nghệ các nước tiên tiến như Trung Quốc, các nước châu Âu. TS. Nguyễn Văn Nghĩa (Trưởng khoa Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Đại học Thủy Lợi) nhấn mạnh sự thiếu chủ động trong thiết lập trang thiết bị có thể gây áp lực lên các kỹ sư NLTT mới ra trường, đòi hỏi họ nhiều thời gian hơn để học việc và thành thạo những công nghệ cao. Bên cạnh đó, rào cản ngoại ngữ, văn hóa, và tác phong làm việc cũng có thể là yếu tố trở ngại khi nhân lực ngành NLTT tại Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu thị trường

Yêu cầu xây dựng chính sách giáo dục đào tạo gắn liền với thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực xu hướng phát triển, đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn là một trong những vấn đề then chốt của ngành. Theo nghiên cứu của TS. Trần Thị Tuyết, mục tiêu này có thể đạt được khi Nhà nước ưu tiên chiến lược giáo dục tích hợp các kỹ năng vào chương trình đào tạo và đa dạng hóa các phương thức đào tạo kỹ năng. 

Theo TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Đại học Thủy Lợi dù mới có khóa tốt nghiệp ngành NLTT đầu tiên nhưng về cơ bản đã hoàn thiện khung chương trình đào tạo đáp ứng cả lý thuyết lẫn thực tiễn. Cụ thể, NLTT là một tiểu ngành trong Kỹ thuật Điện nói chung. Tại đây, các sinh viên sẽ được đảm bảo cung cấp kiến thức nền đầy đủ về ngành Điện nói chung bên cạnh những hiểu biết chuyên ngành về NLTT. “Các bạn dù ra trường không tiếp tục ngành NLTT vẫn có thể lao động trong lĩnh vực điện dân dụng” - Ông Nghĩa khẳng định. 

Ông Nghĩa cho biết thêm: “Trong quá trình thực tập, có những bạn học tốt đã thực hiện được công trình thực tế. Một số bạn còn đi làm từ trước khi tốt nghiệp.” (Ảnh: Quốc Huy)

Là một trong những thế hệ tiên phong được đào tạo chuyên ngành NLTT tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Vũ Thị Huyền tự tin khẳng định ngành học của mình đã và đang đáp ứng nguồn lao động chất lượng cao thông qua các hướng nghiên cứu đa dạng, như: Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong dự báo công suất của năng lượng tái tạo; Bảo vệ, điều khiển tự động hóa trong hệ thống điện; Tin học máy tính trong vận hành hệ thống điện & NLTT,… Huyền và các sinh viên ngành NLTT có thể tham gia nghiên cứu khoa học tại các phòng thí nghiệm của các thầy/cô, được tự trải nghiệm và áp dụng những lý thuyết đã học.

“Hiện tại, trường đang có chương trình đào tạo (CTĐT) Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo (EE-E18)... Đây là ngành học được tách ra từ Chương trình tiên tiến Điều khiển – Tự động hóa và Hệ thống điện nhằm đáp ứng nhu cầu đang rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Giảng viên đều là những thầy/cô có kiến thức sâu về chuyên ngành. Bên cạnh lý thuyết, giảng viên của trường còn mang những kiến thức thực tế từ trải nghiệm của bản thân.”

Nghiên cứu COBENEFITS cho thấy Việt Nam có thể tăng mạnh tổng số việc làm bằng cách tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo thông qua việc chuyển đổi hiệu quả ngành điện. Đây cũng đồng thời là một trong những mục tiêu quan trọng để Việt Nam đạt được cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được đề ra từ Hội nghị COP26. Theo đó, để mở rộng các loại hình việc làm và nâng cao khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực NLTT đòi hỏi Nhà nước phải có các chính sách phát triển mang tính tổng thể, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao, có tính chủ động, phù hợp với năng lực của từng ngành và lãnh thổ. (TS. Trần Thị Tuyết, 2021, Cơ hội việc làm gắn với phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam)

Mạnh Tiến - MĐT41

Phản hồi