Từ bỏ mức thu nhập nghìn đô để về “bán cá”
Anh Nguyễn Hoài Nam (1992, quê Hưng Yên) là chủ một cửa hàng kinh doanh cá cảnh trên đường Phúc Diễn thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Hiện tại, cửa hàng của anh là nơi chuyên cung cấp và trao đổi cá rồng có quy mô lớn nhất miền Bắc. Loài cá quý hiếm này đã mang đến cho Hoài Nam lợi nhuận “khổng lồ”, lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Trước thời điểm dịch Covid 19 diễn ra, anh Hoài Nam là giám đốc phát triển thị trường tại một tập đoàn nổi tiếng về xuất khẩu lao động với mức thu nhập khá cao. Khi dịch bùng phát và khiến thương mại mậu dịch trì trệ, anh bắt đầu tìm thấy đam mê với cá rồng và quyết định sẽ đầu tư vào loại cá này.
Nói là làm, chàng trai trẻ ngay lập tức bắt tay vào việc kinh doanh cá rồng. Từ những chú cá đầu tiên bán qua mạng xã hội, Hoài Nam bắt đầu xây dựng trại cá và biến đây trở thành nguồn thu nhập chính của mình.
Hoài Nam nhớ lại những ngày đầu theo nghề: “Một người em của mình cũng có đam mê với cá rồng và hướng dẫn mình từ những ngày đầu tiên. Chỉ sau hai tháng chơi cá như thú vui, mình đã quyết định chuyển sang kinh doanh vì nhận thấy những tiềm năng của chúng”.
Lần đầu tiên bán cá, Hoài Nam lãi được 500.000 đồng. Nhìn mãi tờ tiền đang cầm trên tay, anh đặt ra mục tiêu: “Nhất định phải biến 500.000 đồng này thành một trại cá rồng quy mô hoành tráng”. Từ đó, chàng trai bắt đầu góp tiền đầu tư mua cá, bể cá và những dụng cụ cần thiết.
Mới đầu, anh Hoài Nam coi việc kinh doanh cá cảnh như một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Về sau trại cá của anh ngày càng phát triển, có những tháng thu nhập lên đến hàng tỷ đồng. Nắm lấy thời cơ, anh Nam quyết định chuyển hẳn sang kinh doanh cá cảnh và từ bỏ ngành xuất khẩu lao động.
Hoài Nam tâm sự: “Hồi mới chuyển nghề, gia đình, người thân khuyên nhủ mình nhiều lắm. Mọi người đều muốn mình duy trì công việc giám đốc trước kia vì nó ổn định và bản thân mình cũng đã có nhiều kinh nghiệm. Nhưng một khi mình đã muốn thì không ai cản được, nếu đã làm thì sẽ làm cực kỳ chỉn chu và đầu tư. Vì thế, dù nhiều người khuyên ngăn nhưng mình vẫn quyết theo nghề “bán cá” và thật may là đã thành công”.
Người duy nhất thành thạo về phẫu thuật cá rồng tại miền Bắc
Với tính cách xông pha, không ngại thử thách, anh Hoài Nam tiếp tục tìm kiếm những hướng đi mới để phát triển thương hiệu cá rồng của mình. Anh cho hay: “Sau một thời gian kinh doanh cá, mình biết đến dịch vụ ‘phẫu thuật thẩm mỹ’ cho cá rồng, bao gồm làm mắt, làm môi, bẻ càng…và mong muốn được học nghề. Tuy nhiên, hành trình tìm thầy và học phẫu thuật rất gian nan vì ở Việt Nam ít người có chuyên môn về loại phẫu thuật này”.
Vì không thể tìm được thầy trong nước nên anh đã tìm đến những người chuyên phẫu thuật cá rồng ở Indonesia để học nghề và chủ yếu học trực tuyến. Chàng trai trẻ bật mí, anh đã đầu tư đến 500 triệu đồng để học thuần thục các kỹ thuật phẫu thuật cho cá.
Mỗi khi học, anh Nam luôn chọn những con cá có giá trị 30 - 40 triệu đồng để thực hành. Với anh, chỉ khi phẫu thuật trực tiếp cho những loại cá đắt tiền như vậy thì mới rèn được tính cẩn thận, không dám chủ quan, từ đó nâng cao tay nghề.
Theo anh Nam, đức tính quan trọng nhất để có thể phẫu thuật thẩm mỹ cho cá rồng là sự tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi con cá lại có một cấu trúc xương, một thể trạng khác nhau nên người phẫu thuật phải xem xét cẩn thận trước khi thực hiện. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể khiến cá bị dị tật, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Anh Nam chia sẻ một kỉ niệm khi hành nghề: “Mình đã phẫu thuật thành công cho hàng nghìn con cá, song cũng có khi sơ suất. Có một lần khi còn học nghề, mình cắt hơi sâu dẫn đến cá bị mù một bên mắt. Mình liền gọi điện cho thầy ở Indonesia để xin lời khuyên nhưng cuối cùng vẫn không có cách giải quyết. Mình coi đó là một lần thiệt hại để nhớ và cẩn thận hơn cho những lần phẫu thuật sau”.
Mất nhiều thời gian, công sức để học phẫu thuật, song anh Hoài Nam không có ý định truyền nghề hay coi đây là một công cụ “kinh doanh”. Chàng trai trẻ bày tỏ: “Mỗi ca phẫu thuật có chi phí từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng, nếu bây giờ mình chuyên đi phẫu thuật chắc cũng khá giả hơn nhiều. Tuy nhiên, mình không hề có ý định trở thành một “bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ cho cá rồng” hay truyền dạy việc phẫu thuật cho người khác.
Hoài Nam cho biết, anh học phẫu thuật cá cốt yếu để xây dựng sự khác biệt, nâng cao tính cạnh tranh cho thương hiệu cá cảnh của mình. Chỉ khi mua cá ở cửa hàng của anh, các khách hàng mới được “bảo hành” mỗi khi cá gặp vấn đề. Điều này không chỉ giúp giữ chân khách hàng mà còn giúp tạo sự khác biệt giữa thương hiệu cá của Hoài Nam với rất nhiều đơn vị khác trên thị trường.
Từ một giám đốc của công ty xuất khẩu lao động chuyển sang kinh doanh cá cảnh, Hoài Nam cũng không ngờ bản thân lại có sự thay đổi lớn đến thế chỉ sau năm năm gắn bó với cá rồng. Với anh, công việc này như một cái “duyên”, chỉ cần dám nghĩ, dám làm, dám nắm bắt cơ hội là có thể thành công.
Phản hồi