Danh mục Thứ Tư, 27/11/2024

Tiêu điểm \

Drag Queen Lê Hải Phong: “Tuổi trẻ ta hãy cứ làm những gì mình có thể”

20:18 06-05-2024
Hành trình của chàng trai từ nhân viên văn phòng đến một nghệ sĩ Drag Queen nhiều trắc trở nhưng cũng đầy nhiệt huyết của Lê Hải Phong (Fiona Hi-Lee). Anh gặp phải những định kiến về giới ở xã hội, không được bố ủng hộ và từng muốn gác lại đam mê.
Drag (Dress resembling a girl) nghĩa là hoá trang thành một người trái ngược với giới tính thật của người diễn. Hiện nay, Drag queen mang ý nghĩa chỉ chung các nghệ sĩ hoá trang thành nữ giới trong các bộ trang phục lộng lẫy. Đây được xem là loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc biệt, phổ biến trong cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT).

Sáng làm văn phòng, tối làm nghệ thuật

8h sáng hàng ngày, Phong đến cơ quan làm việc và ra về vào 5h chiều. Tuy chỗ làm hiện tại trái ngành học của anh nhưng công việc này cho Hải Phong mức thu nhập ổn định, những trải nghiệm mới và quan trọng anh có nhiều thời gian hơn dành cho nghệ thuật Drag queen.

Phong bắt đầu bén duyên với ánh đèn sân khấu từ 5 năm trước, sau khi được xem các Drag queen nổi tiếng từ Thái Lan sang Việt Nam biểu diễn. Lần đầu tiên xem Drag, Phong đã khóc vì những gì diễn ra trên sân khấu giống với những điều anh đã trải qua

 Lê Hải Phong luôn nhiệt huyết trong từng bài diễn của anh. (Ảnh: NVCC)

“Với mình thì Drag là một sở thích, một niềm đam mê và là nghệ thuật để mình có thể thỏa mãn yêu thích‘được đẹp’. Drag đối với mình cũng rất quan trọng bởi ở đó mình được gặp, kết thân được với những người anh chị em trong cộng đồng, cùng chia sẻ một đam mê”, Phong bộc bạch.

Khác với công việc văn phòng trang phục đơn giản, một Drag thường mặc khá lộng lẫy. Bên cạnh đó, gương mặt của Drag queen có đặc trưng là luôn trang điểm rất đậm, tôn lên những điểm có sẵn trên khuôn mặt để hoá trang thành một người mới hoàn toàn. Người diễn không chỉ diễn kịch, mà còn có thể hát trực tiếp, hát nhép, hài kịch, nhảy múa, nhìn chung không có giới hạn nào trong việc biểu diễn nghệ thuật.

Hải Phong bày tỏ: “Công việc nào cũng có vất vả riêng, với Drag queen, để có vài phút trên sân khấu phải tốn nhiều ngày chuẩn bị trang phục, làm tóc, tập dượt bài diễn trong phòng tập”.

Dù làm nhiều công việc cùng lúc nhưng mỗi ngày Phong đều dành 3 tiếng để học hóa trang qua các nền tảng mạng xã hội. Anh thường lấy cảm hứng từ các nhân vật trong phim hoạt hình để thay đổi gương mặt mình, trung bình mất khoảng 3-4 giờ để hoàn thiện từng chi tiết. Riêng phần trang điểm mắt đã làm Phong  tốn khoảng 1 tiếng rưỡi.
 

 Hải Phong trang điểm để hoá trang để trở thành một người mới hoàn toàn. (Ảnh: NVCC)

Đam mê là thế, nhưng cũng từng có lúc Phong nghĩ đến việc bỏ cuộc: “Cũng có một thời gian cảm giác Drag bị chững lại ở Hà Nội, không có sự phát triển và chưa có nhiều Drag Queen nổi trội để cùng nhau cống hiến. Vậy nên mình muốn tạm dừng để tập trung cho công việc văn phòng. Nhưng sau một thời gian, khi nhận thấy nhiều người tham gia vào Drag tại Hà Nội trở lại, các bạn ấy vô tình tạo động lực cho mình quay trở lại sân khấu và đi diễn đều hơn trước”.

Không chỉ thế, Hải Phong quyết định quay lại một phần bởi mong muốn truyền được nhiều kinh nghiệm mà bản thân có cho các bạn mới. Đó cũng là lúc “Dập Dìu Drag Haus” (Nhóm những người yêu thích, đam mê Drag queen) ra đời.

Hải Phong và những thành viên khác đang tìm thêm những bạn trẻ mới trong cộng đồng có khả năng để cùng phát triển Dập Dìu Drag Haus. Mọi người cùng hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa hình ảnh của nhóm, nâng cao chất lượng của các bạn Queen biểu diễn. Từ đó, nhân rộng văn hóa Drag tới tầm cỡ quốc gia, thậm chí quốc tế.

 Fiona Hi-Lee cùng Dập Dìu Drag Haus trình diễn những tiết mục đặc sắc. (Ảnh: NVCC)

“Nếu ai chưa biết tới chúng tôi, tôi mong họ có thể nhìn những gì chúng tôi làm, chứ đừng vội buông những lời phán xét”, Fiona Hi-Lee nói.

Luôn là chính mình

Nghệ thuật Drag queen được du nhập vào Việt Nam từ những năm 90. Tuy nhiên thời điểm đó những tụ điểm biểu diễn loại hình này không nhiều, định kiến về giới tính ở Việt Nam khắt khe, khiến nghệ sĩ không có điều kiện phát triển. Đa số mọi người không công nhận đây là một nghề, mà chỉ xem như một trò đùa vui ở các tụ điểm giải trí.

“Lần đầu đi biểu diễn, anh được mẹ rất ủng hộ, còn bố thì ngược lại. Mỗi lần thấy anh trang điểm hay đi diễn, bố đều không quan tâm và suốt như thế trong 1 năm. May mắn sau đó cả bố mẹ đều hiểu và động viên mình theo nghề, thi thoảng bố còn nói đùa ‘lâu rồi không thấy Fiona xuất hiện nhỉ’’’, anh Phong kể.

 Gia đình chấp nhận và ủng hộ đam mê của diễn viên hoá trang giả nữ Fiona Hi-lee. (Ảnh: Quốc Huy)

Không giống các nước láng giềng như Thái Lan hay Malaysia, mãi đến những năm gần đây, ở một số thành phố lớn tại Việt Nam mới bắt đầu cởi mở hơn với nghệ thuật Drag queen. Đặc biệt ở Sài Gòn và Hà Nội, đã có nhiều nhóm biểu diễn Drag queen chuyên nghiệp được thành lập, đồng thời nhiều tụ điểm tạo điều kiện biểu diễn môn nghệ thuật này giúp khán giả có cơ hội được tiếp cận gần hơn.

Bên cạnh những người ủng hộ, Phong cũng nhận lại không ít những luồng ý kiến trái chiều: “Mọi người có định kiến là con trai khi trang điểm, mặc váy hay đi giày cao gót sẽ bị soi xét. Nhưng khi họ thấy người làm Drag thì lại thấy rất bình thường vì có sự đầu tư và chỉn chu. Cho nên công việc nào mà mình nghiêm túc ắt sẽ nhận được tôn trọng và ranh giới giữa nam và nữ sẽ không tồn tại trong Drag”. 

Ở Hà Nội có Drag orphanage, nơi mọi người có thể đến để được hướng dẫn trang điểm, cho nhau mượn tóc giả và cả trang phục. Mọi người theo đuổi Drag vì họ tìm thấy một gia đình khác, nơi mà họ được chấp nhận, được làm chính mình. Những bạn Drag từ nước ngoài sang Việt Nam, xa gia đình cũng tự tìm thấy nhau tại đây.

Khi ở trên sân khấu biểu diễn Phong cảm thấy được sống đúng với chính mình. (Ảnh: NVCC) 

Sau 5 năm Phong biểu diễn Drag, anh đã học được sự tự tin cho bản thân trên hành trình theo đuổi sở thích và những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Phong cho biết, Drag đã giúp mình trở nên khăng khít hơn với gia đình, qua đó anh cũng mong muốn truyền cảm hứng, sự tích cực tới không chỉ trong cộng đồng LGBT mà đến tất cả mọi người.

“Các bạn chỉ sống một cuộc đời duy nhất, quãng thời gian cho phép để theo đuổi những điều các bạn thích cũng chỉ vỏn vẹn trong khoảng 15 - 20 năm. Nên bạn chỉ cần tự tin thoải mái với cuộc sống của mình, không gây ảnh hưởng bất kỳ ai, thì chắc chắn mọi thứ sẽ đi theo chiều hướng tốt, miễn sao bạn là những người văn minh, lịch sự, và biết giới hạn của mọi việc”, Fiona Hi-lee tâm sự.

Quốc Huy - MĐT41

Phản hồi