Danh mục Chủ Nhật, 19/05/2024

Tiêu điểm \

Lần đầu tiên bàn về sân khấu độc lập tại Việt Nam

23:57 04-05-2024
Talkshow “Đây, đó, đó đây: Một thảo luận về những khả thể của thực hành sân khấu độc lập” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong ngành đã diễn ra vào chiều tối ngày 04/05. 

Buổi thảo luận được tổ chức bởi đội ngũ Viện Goethe-Institut Hà Nội (Viện văn hoá hoạt động toàn cầu Cộng hoà Liên bang Đức) trong bối cảnh nền sân khấu và kịch nghệ Việt Nam chứng kiến sự ra đời của một số “nhà hát” và nhóm kịch độc lập. Trong vài năm trở lại đây, họ mang đến những cách tiếp cận khác, góp phần làm nên sự đa dạng của bức tranh kịch nghệ nước nhà.

Sự kiện mời đến các chuyên gia hàng đầu như NSƯT Đỗ Doãn Bằng - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ; Hà Nguyên Long - Giám đốc nghệ thuật XplusX Studio và Nguỵ Hải An - Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD (theo thứ tự vị trí từ phải qua trái). (Ảnh: Tú Trinh). 

Mở đầu talkshow, NSƯT Doãn Bằng chia sẻ: “Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu hơn 30 năm nay, tôi đã chứng kiến thời kỳ hoàng kim của nó vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ XX. Tuy nhiên, từ thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều loại hình giải trí mới ra đời khiến khán giả không còn đặt sự quan tâm duy nhất cho sân khấu nữa.”

Trong bối cảnh đó, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng sự ra đời, phát triển của các sân khấu độc lập đã tạo nên sự khởi sắc cho loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, tại khu vực miền Nam, sân khấu tư nhân và các nhóm kịch độc lập hoạt động vô cùng mạnh mẽ, đi theo một dòng riêng, đáp ứng thị hiếu của khán giả. “Trong khi đó, ở miền Bắc, đôi khi yếu tố thị hiếu, sự quan tâm của khán giả lại bị bỏ quên, những người thực hành không thực sự hiểu khán giả cần gì và muốn gì” - NSƯT Doãn Bằng đánh giá.  

Tuy nhiên, hoạt động của các sân khấu độc lập cũng gặp phải không ít khó khăn, trở ngại, một trong số đó là vấn đề nguồn lực hỗ trợ. Bên cạnh nguồn lực tài chính, NSƯT Doãn Bằng cũng chỉ ra “Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh được xem là cái nôi đào tạo nghệ sĩ sân khấu tại miền Bắc, tuy nhiên lại không mở được khoa lý luận phê bình hay thiết kế sân khấu vì không có học viên. Điều đó chứng tỏ bộ môn này đang kém sức hấp dẫn đối với đại đa số người trẻ ngày nay. Đồng thời, một số tác phẩm chưa thỏa mãn được sự quan tâm của công chúng, chưa dung hoà được yếu tố chiều sâu, ý nghĩa xã hội và yếu tố giải trí”.

Trước những khó khăn, thử thách đó, anh Hà Nguyên Long (Giám đốc nghệ thuật XplusX Studio) đề xuất việc nghiên cứu, triển khai các khả thể của thực hành sân khấu độc lập nhằm tăng sức hấp dẫn của loại hình này đối với khán giả. Từ quá trình hơn 5 năm thực hiện nhiều dự án để thể nghiệm các khả thể mới, anh Long đúc kết một số phương án khả thi.

Một khả thể phổ biến, phù hợp với bối cảnh Internet phát triển mạnh mẽ là việc thu lại các vở kịch hay tổ chức phát trực tiếp trên không gian mạng để tăng khả năng tiếp cận công chúng. Bên cạnh đó, đọc kịch cũng là một hình thức sân khấu độc lập sáng tạo nhằm đặt khán giả vào một không gian dễ tiếp cận hơn với nội dung vở kịch, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất. Đặc biệt, audio là một khả thể hoàn toàn mới được đội ngũ XplusX Studio thử nghiệm nhằm tìm kiếm hướng đi mới cho sân khấu độc lập.

Xen kẽ giữa những thảo luận của các chuyên gia, khán giả được xem một số video về thực hành sân khấu tại Việt Nam. (Ảnh: Fanpage Antigone -  Âm mù) 

“Quan trọng nhất là phải đảm bảo được tính sân khấu cho các khả thể, đây là điều kiện cơ bản để đề xuất những hướng đi mới cho loại hình nghệ thuật này.” - Anh Hà Nguyên Long kết luận. Tính sân khấu không bị giới hạn trong các không gian chuyên biệt, anh Long cho rằng lựa chọn các không gian khác sẽ giúp việc nhìn nhận nghệ thuật sân khấu trở nên cởi mở hơn, đồng thời hỗ trợ phát triển nội dung vở diễn, tạo nên nhiều cách kể chuyện mới mẻ, độc đáo nhằm chuyển tải thông điệp tốt hơn.

Tú Trinh - MĐT K41

Phản hồi