Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Do đó, tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản I đã họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) vào tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ đã sớm xuất hiện trong một số nơi ở Anh - một nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này sau đó dần lan rộng sang các nước khác.
Do sự kiện giới công nhân viên chức của Anh di cư sang Mỹ nên phong trào đòi làm việc 8 giờ đã phát triển cực mạnh ở nước này từ năm 1827, đi đôi với nó chính là sự phát triển của phong trào công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền nước Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm việc 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, các xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc khoảng 11 - 12 giờ đồng hồ.
Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!" Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.
Ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Tại nước ta, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5). Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
Kể từ sau chiến thắng mùa xuân lịch sử 30/4/1975 thì ngày 1/5 hằng năm luôn được kỷ niệm chung với ngày đất nước hoàn toàn dành độc lập. Hằng năm, người dân Việt Nam sẽ được hưởng 2 ngày nghỉ lễ liên tục, theo đó mà nhiều gia đình có cơ hội đoàn tụ, xum họp và thực hiện các kế hoạch nghỉ ngơi, thư giãn. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm để mọi người định hướng phát triển công việc sau những ngày làm việc căng thẳng từ đầu năm.
Hòa cùng không khí của ngày lễ đặc biệt này, các tổ chức công đoàn, lực lượng công nhân và người lao động trên cả nước đang biểu dương lực lượng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thi đua lập nhiều thành tích để chào mừng kỷ niệm ngày lễ này.
Phản hồi