Rèn luyện để thích ứng mùa dịch
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến khích người dân thường xuyên thực hành các hoạt động thể chất đơn giản tại nhà. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp “kích hoạt” đề kháng cho cơ thể, phòng chống sự xâm nhập của các loại virus gây bệnh.
Chị Lê Hoàng Hương (nhân viên văn phòng tại Thanh Hóa) đã duy trì việc tập thể dục tại nhà trong khoảng 2 năm nay. Mỗi ngày, chị đều dành khoảng 30 - 40 phút để tự luyện tập những bài thể dục aerobics theo hướng dẫn trên mạng. Chia sẻ về việc tập luyện trong mùa dịch, chị Hương cho biết: “Việc tập thể dục tại nhà giúp mình linh hoạt trong thời gian luyện tập cũng như quản lý công việc hàng ngày. Trong mùa dịch, mình vẫn luôn duy trì thói quen này để tăng cường sức khỏe và thích ứng với điều kiện giãn cách.”
Bên cạnh việc tự tập luyện thể dục tại nhà, phương pháp trị liệu múa/chuyển động cũng được nhiều người lựa chọn để rèn luyện sức khỏe trong mùa dịch. Phương pháp trị liệu múa/ chuyển động không đơn thuần là việc dạy múa, dạy chuyển động mà tập trung kết nối cơ thể và tâm trí, khơi gợi những giá trị tiềm ẩn bên trong mỗi người.
Cảm nhận cơ thể khỏe khoắn, khí huyết lưu thông và đặc biệt là tinh thần phấn chấn yêu đời hơn khi có thời gian trải nghiệm phương pháp trị liệu này. Chị Ngô Thị Lan Dung (Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Do dịch Covid-19 diễn ra, mình không thể đến cơ quan làm việc nên thời gian rảnh khá nhiều. Mình đã tận dụng khoảng thời gian này dành cho việc tập luyện tại nhà với phương pháp trị liệu múa/chuyển động. Đối với mình, đây là một cơ hội để trải nghiệm và hiểu rõ bản thân mình hơn.
Thời gian trước vì khá bận nên mình dừng tập luyện phương pháp này nhưng cảm thấy bản thân mệt mỏi và uể oải nên quyết định quay trở lại tập vào khoảng thời gian ở nhà nghỉ dịch. Mình thường luyện tập khi đang cùng chơi với con, cuối ngày bật nhạc ba mẹ con cùng nhảy múa. Vừa giúp mình giải phóng được năng lượng, cảm xúc vừa giúp mình tương tác với các con”.
Còn nỗi lo vì … khó
Tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhưng với người tập luyện thể dục, vấn đề kĩ thuật lại là một rào cản lớn trong quá trình thực hiện tại nhà. Môi trường tập luyện một mình đơn điệu dễ gây tâm lý buồn chán khi tập luyện.
Chưa kể đến việc đầu tư trang thiết bị để phù hợp với nhu cầu luyện tập của mỗi người là vô cùng khó khăn. Bạn Trần Duy Ngọc Bảo (Hoàng Mai, Hà Nội) đắn đo: “Tập luyện tại nhà giúp mình hạn chế tiếp xúc với nhiều người nhưng việc không thể đặt mua một số máy tập vì khối lượng và kích thước cồng kềnh của chúng nên mình chỉ tập những bài tập đơn giản giúp cơ thể săn chắc, không bị nặng nề khi phải ngồi làm việc trong thời gian dài”.
Việc tập luyện thể dục để tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch cho sức khỏe là cần thiết trong mùa dịch. Tuy nhiên nỗi lo về việc phản ứng ngược khi tập luyện không đúng kĩ thuật là một điều không tránh khỏi. Chị Trịnh Thị Thắm (Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ: “Trước dịch, tôi thường xuyên đến phòng tập Yoga để tập luyện. Tuy nhiên, dịch Covid -19 diễn ra, phòng tập đóng cửa nên tôi chỉ có thể tự tập ở nhà với những động tác yoga cơ bản như: thiền, plank, động tác cái cây,… Còn những động tác khó hơn, tôi không thể tập vì sợ trật khớp hoặc giãn cơ do không có người hướng dẫn cụ thể. Đó là khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải khi tập ở nhà”.
“Bình thường hóa” những khó khăn
Với vai trò là nhà trị liệu tâm lý sử dụng múa và chuyển động, thành viên của Hiệp hội Múa/ Chuyển động trị liệu Châu Á – Thái Bình Dương (DTAA), người sáng lập dự án Trị liệu Múa/ Chuyển động Việt Nam, Thạc sĩ Trần Huỳnh Triều An lý giải: “Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chính thức về Trị liệu Múa/ Chuyển động từ các trường đại học nên người tham gia các lớp học trị liệu cần tìm hiểu rõ thông tin về phương pháp này trên mạng xã hội.
Trong điều kiện dịch bệnh như hiện tại, việc tạo dựng mối quan hệ gần gũi giữa giảng viên và học viên là điều khó khăn nhất. Học viên tham gia học trực tuyến có thể ngại ngần trong việc kết nối trực tuyến, không quen thực hành trước màn hình và gặp trở ngại trong việc không có đường truyền mạng, không gian riêng tư để thực hành.
Để đảm bảo chất lượng, tôi cùng cộng sự của mình tận dụng lợi thế của công nghệ để quay và phát lại các bài thực hành trong quá trình phân tích trao đổi. Kết hợp hài hòa giữa làm việc cá nhân, thảo luận nhóm với sử dụng tư duy tự nghiên cứu tài liệu, sáng tác kết nối Tâm – Thân – Trí. Còn về phía học viên, các bạn cũng học được cách làm việc linh động, tôn trọng không gian riêng tư và gắn kết mối quan hệ trong gia đình thông qua việc cùng nhau thực hiện phương pháp”.
Trên thực tế, khi luyện tập thể dục tại nhà, người tập cần lưu ý về một số loại chấn thương thường gặp nếu tập không đúng cách. Hiện tượng sai tư thế thân người sẽ tác động không đồng đều lực lên các nhóm cơ có thể gây nên tình trạng căng cơ, rách cơ, nặng có thể dẫn tới sai khớp… Khi tập luyện thể dục thiếu đi các khởi động gây ra sự căng thẳng hoặc đau nhức cơ, thậm chí tổn thương các khớp. Việc nghỉ ngơi hợp lý giữa các bài tập nếu không được đảm bảo sự bài bản và khoa học có thể khiến cho cơ thể bị suy nhược do không được phục hồi sau vận động.
Bác sĩ thể thao Vũ Thành Luân (CLB Bóng đá Hà Nội) cho biết: “Khi tập luyện tại nhà cần tìm hiểu các nguyên tắc tập luyện thể thao hoặc có chỉ dẫn từ huấn luyện viên hoặc chuyên gia. Các nguyên tắc tập luyện: tập luyện thường xuyên, nguyên tắc tăng tiến, đối đãi cá biệt (phù hợp với đặc điểm cá nhân), chú ý khởi động, tập luyện và phục hồi.
Đối với người có bệnh lý nền hoặc các bệnh về xương khớp thì trước khi tập luyện thể dục cần được bác sỹ kiểm tra sư phạm và lâm sàng cụ thể về tình hình sức khỏe cũng như bệnh tật. Thông qua quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra nhận định và tư vấn cụ thể về các bài tập phù hợp với đặc điểm của từng bệnh nhân. Ngoài ra, dựa vào các nguyên tắc tập luyện sẽ đưa ra các bài tập với mục đích nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, đồng thời phòng chống lại các bệnh tật liên quan.
Để đảm bảo có một sức khỏe tốt và phòng, ngừa các tác nhân gây bệnh, mọi người cần có chế độ sinh hoạt và làm việc một cách khoa học, đồng thời duy trì thói quen tập thể thao hàng ngày. Bên cạnh đó, mỗi người nên đi khám định kỳ để phát hiện những thay đổi bất thường và những triệu chứng bệnh tật để điều trị kịp thời.”
Việc tập luyện thể dục tại nhà kết hợp với phương pháp trị liệu trong mùa dịch sẽ giúp kích hoạt “vaccine tự nhiên” từ thể chất và tâm trí của con người. Từ đó, nó sẽ tạo hệ miễn dịch bền vững, sẵn sàng “chặn đường” virus Sars-Cov-2.
Phản hồi